Ngoại trưởng Trung Quốc lại xuyên tạc lịch sử để đòi chiếm Biển Đông

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Mỹ nên xem lại lịch sử Biển Đông.Ông này còn xuyên tạc là các hiệp ước liên quan tới Thế chiến 2 nhấn mạnh toàn bộ lãnh thổ của Trung Quốc đã bị Nhật Bản chiếm hữu phải trao trả lại Trung Quốc.

Reuters đưa tin phát biểu tại Australia, theo ông Vương, Trung Quốc "cảm thấy buồn" trước những lời bình luận từ chính quyền mới của Mỹ liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Cụ thể, trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson nhấn mạnh cần phải ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các hòn đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông. Nhà Trắng cũng tuyên bố bảo vệ "các vùng lãnh thổ quốc tế" nằm trên tuyến đường biển chiến lược này.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.

Theo thông tin đăng trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào cuối ngày 7/2, ông Vương cho biết ông có một "gợi ý" cho những người bạn Mỹ. "Hãy xem lại lịch sử Thế chiến thứ Hai", Reuters dẫn lời ông Vương phát biểu trong chuyến thăm thành phố Canberra, Australia.

Bởi theo ông Vương, Bản tuyên bố Cairo năm 1943 và Bản Tuyên bố Potsdam năm 1945 đều rõ ràng nhấn mạnh Nhật Bản phải trao trả lại cho Trung Quốc toàn bộ lãnh thổ mà Nhật đã chiếm trước đó của Trung Quốc.

"Phần lãnh thổ này còn bao gồm quần đảo Trường Sa (của Việt Nam)", ông Vương Nghị tiếp tục xuyên tạc.

Cũng theo ông Vương, Trung Quốc cam kết tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với các bên liên quan và tuân thủ lịch sử cũng như luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình. Tuy nhiên, quan điểm về chủ quyền quốc gia của Trung Quốc sẽ không thay đổi. Ngoài ra, các nước bên ngoài khu vực nên ủng hộ những nỗ lực của Trung Quốc và các nước trong vùng để duy trì nền hòa bình cũng như ổn định ở Biển Đông, chứ không nên phản đối.

Mỹ - Trung không thể xung đột

Theo ông Vương, Mỹ và Trung Quốc sẽ không bên nào giành được phần thắng nếu không may xảy ra xung đột.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dậy sóng sau sự kiện Tổng thống Donald Trump tiến hành điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào tháng 12 năm ngoái. Ngoài ra, Mỹ còn đe dọa tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất.

"Không thể xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc bởi cả hai bên đều sẽ thua và cả hai đều không thể chịu được điều đó", Reuters dẫn lời ông Vương.

Ông Vương còn kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới phản đối chủ nghĩa bảo hộ mà ông Trump đặt làm tôn chỉ trong các chính sách kinh tế "Mỹ là trên hết".

Ông Vương còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các cam kết đối với một nền kinh tế thế giới mở, đồng thời hướng nền kinh tế toàn cầu hóa đến sự bao quát hơn, chia sẻ nhiều lợi ích lớn hơn.

Vương Nghị đã xuyên tạc lịch sử như thế nào?

Đầu tháng 9/1951, các nước Đồng Minh trong Thế chiến hai tổ chức Hội nghị ở San Francisco (Hoa Kỳ) để thảo luận vấn đề chấm dứt chiến tranh tại châu Á-Thái Bình Dương và mở ra quan hệ với Nhật Bản thời hậu chiến.

Tham gia Hội nghị gồm phái đoàn của 51 nước. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc không tham dự Hội nghị do Mỹ và Liên Xô không thống nhất được ai là người đại diện chính thức cho quyền lợi của Trung Hoa.

Theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách là thành viên của khối Liên hiệp Pháp, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam (trong giai đoạn đó) đã tham dự Hội nghị. Ngày 7/9/1951, phát biểu tại Hội nghị, trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu nêu rõ: “Chúng tôi cũng sẽ trình bày ngay đây những quan điểm mà chúng tôi yêu cầu Hội nghị ghi nhận (chứng nhận)…”.

Về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tuyên bố của phái đoàn Việt Nam khẳng định: “Và cũng vì cần phải thành thật lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Lời xác nhận chủ quyền đó của phái đoàn Việt Nam không hề gây ra một phản ứng chống đối hoặc yêu sách nào của 51 quốc gia tham dự Hội nghị.

Về nội dung, Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản được ký kết tại San Francisco ngày 8/9/1951 quy định Nhật Bản phải rút lui khỏi những nơi mà nước này đã dùng vũ lực để chiếm đóng trong Thế chiến hai. Riêng đối với quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands), Điều 2 – khoản (f) của Hiệp ước quy định: “Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, danh nghĩa và đòi hỏi với quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) và quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands)”.

Đòi hỏi cho quyền lợi của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong Hội nghị San Francisco đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa được phái đoàn Liên Xô nêu lên trong phiên họp khoáng đại ngày 5/9/1951 của Hội nghị. Phát biểu trong phiên họp này, Andrei A. Gromyko – Ngoại trưởng Liên Xô – đã đưa ra đề nghị gồm 13 khoản tu chính để định hướng cho việc ký kết hòa ước thực sự với Nhật Bản. Trong đó có khoản tu chính liên quan đến việc “Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa dưới phía Nam”. Với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này của phái đoàn Liên Xô.

Hơn nữa, Điều 2 của Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản có hiệu lực đã tái lập sự toàn vẹn lãnh thổ cho những quốc gia bị quân Nhật chiếm đóng trong Thế chiến hai. Do đó, việc Nhật Bản tuyên bố từ bỏ tất cả các quyền, danh nghĩa và đòi hỏi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng có nghĩa là Nhật Bản trả lại chủ quyền của hai quần đảo mà nước này chiếm đóng trong giai đoạn 1939-1946 cho Việt Nam. Chủ quyền đối với hai quần đảo này do vậy hiển nhiên thuộc về Việt Nam.

Chính vì vậy, tuyên bố của Ngoại trưởng Vương Nghị rằng Trung Quốc phải trả lại toàn bộ phần lãnh thổ mà Nhật Bản chiếm của Trung Quốc, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một sự xuyên tạc trắng trợn. Nhật Bản đã chiếm 2 quần đảo đó của Việt Nam và chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này đã được khôi phục tại Hội nghị San Francisco cũng như được tất cả 51 quốc gia tham gia Hội nghị tán đồng.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ngoai-truong-trung-quoc-lai-xuyen-tac-lich-su-de-doi-chiem-bien-dong-post220526.info