Ngôi làng cổ với những bản sắc phong 200 năm tuổi bên dòng Thạch Hãn

Trải qua bao biến thiên, làng Trung Yên (xã Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị) vẫn lưu giữ được 19 bản sắc phong quý có tuổi đời gần 200.

Các bậc bô lão làng Trung Yên mở sắc phong cổ. Ảnh: Th.Th

Nằm bên dòng Thạch Hãn hiền hòa, ngôi làng Trung Yên quanh năm trù phú, bình yên. Qua bao biến cố thiên tai và cả chiến tranh ly tán, người dân Trung Yên vẫn giữ được 19 bản sắc phong quý giá, trong đó có bản cổ nhất, ghi lại từ thời thành lập làng, tới 191 tuổi.

Thắp nén nhang dâng lên bàn thờ đình làng, ông Trương Văn Thỉ (77 tuổi, Hội chủ làng) cáo với tổ tiên, xin mở sắc phong cổ. Ông Thỉ giải thích, sắc phong là “báu vật của làng, được thờ phụng rất tôn nghiêm nên muốn làm gì đều phải kinh cáo”.

19 bản sắc phong được cuộn tròn, bên ngoài bọc bao nylon, đựng trong các hộp gỗ để bảo quản. Sắc phong in chữ Hán màu đen trên chất liệu giấy, khổ phổ biến là 120x50cm. Tất cả đều còn rõ nét, có đóng dấu đỏ.

Ông Thỉ nói đây là các văn bản pháp quy của nhà nước phong kiến xưa, cụ thể là triều Nguyễn ban cho làng Trung Yên. Bản sắc phong cổ nhất được ban năm 1826, thời vua Minh Mạng, nói về việc thành lập làng Trung Yên, ghi rõ vị trí, chỉ giới hành chính để người dân sống ổn định, không tranh chấp với làng lân cận.

Những bản còn lại được nhà vua phong cho các thần Thành hoàng làng, những người có công khai khẩn đất hoang, dạy dân lập nghiệp, làm ăn kinh tế. Nội dung sắc phong là nêu rõ công trạng của người được phong, yêu cầu dân làng thờ phụng, biết đến nguồn cội, sống đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Bản sắc phong gần nhất có tuổi đời đến 100 năm.

Sắc phong in chữ Hán màu đen trên chất liệu giấy, có ấn màu đỏ còn rõ nét, Ảnh: Th.Th

Thời chiến tranh, ngôi làng bên sông Thạch Hãn vốn là chiến địa ác liệt, dân làng ly tán nhưng mọi người luôn cắt cử người để trông nom và giữ gìn sắc phong. Vào ngày rằm tháng 6 hàng năm, làng Trung Yên trang trọng tổ chức ngày giỗ chung, báo công các vị khai khẩn, thần Thành hoàng làng.

Dịp này, các sắc phong được mở để con cháu lớp sau chiêm ngưỡng, từ đó mà “biết phấn đấu, chú tâm học hành làm rạng danh tổ tiên”, ông Trương Tùng Lâm, Trưởng thôn Trung Yên bộc bạch. Những con cháu học hành đỗ đạt, có thành tích cũng được khen thưởng vào dịp này.

Nhưng do kiến thức hạn chế nên các bậc bô lão chỉ nắm khái quát nội dung các bản sắc phong, chứ không rõ tường tận chữ nghĩa. Hơn nữa, điều kiện bảo quản thủ công của dân làng khiến một số bản sắc phong có dấu hiệu xuống cấp.

Ông Trương Văn Bảo (70 tuổi) bày tỏ mong muốn nhà chức trách có giải pháp giúp dân làng “bảo tồn và dịch nghĩa” để truyền lại cho con cháu.

Phó chủ tịch UBND xã Triệu Độ, ông Hồ Văn Hồng, cho biết làng Trung Yên luôn là đơn vị dẫn đầu trong các mô hình, phong trào, sản sinh nhiều người con ưu tú. “Có được điều này nhờ các bô lão răn dạy con cháu noi gương, sống theo lời dạy được đúc rút từ các sắc phong cổ”, ông Hồng cho hay.

Theo P.V (VNE)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/du-lich/ngoi-lang-co-voi-nhung-ban-sac-phong-200-nam-tuoi-ben-dong-thach-han-752389.html