Ngôi sao bí ẩn nhất thiên hà nhiễu sáng vì người ngoài hành tinh?

Ngôi sao bí ẩn trong Chòm sao Thiên Nga đang khiến các nhà khoa học chú ý bởi sự tỏa sáng bất thường có thể do 'siêu công trình' của người ngoài hành tinh gây ra.

Được mệnh danh là ngôi sao bí ẩn nhất trong thiên hà, KIC 8462852, ngôi sao cách xa hơn 1.200 năm ánh sáng trong Chòm sao Thiên Nga, tỏa sáng theo cách kỳ lạ chưa từng thấy.

Dường như đã có thứ gì đó ngăn chặn ánh sáng phát ra từ ngôi sao khiến nó nhấp nháy bất thường. Hiện tượng kỳ lạ này được phát hiện lần đầu vào năm 2015 khiến các nhà khoa học bối rối vì chưa từng thấy ở bất kỳ ngôi sao nào khác.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra vô số lời giải thích, bao gồm hố đen, sao chổi, mây liên sao và thậm chí là người ngoài hành tinh.

Họ cho rằng một nền văn minh ngoài hành tinh tiên tiến có thể đã xây dựng một công trình khổng lồ bao quanh ngôi sao, chẳng hạn như nhà máy năng lượng để khai thác năng lượng của nó. Công trình này đã chặn ánh sáng phát ra từ ngôi sao và khiến nó nhấp nháy không đều.

Nếu giả thuyết này là sự thực, đây sẽ là khám phá lớn nhất trong lịch sử về văn minh ngoài hành tinh. Đến nay, các nhà khoa học vẫn đang thu thập dữ liệu để tìm ra đáp án cho câu hỏi hóc búa này.

Người ngoài hành tinh khát năng lượng

Trong cuốn tiểu thuyết khoa học giả tưởng Star Maker năm 1937, Olaf Stapledon đã suy đoán rằng một nền văn minh tiên tiến, khát năng lượng sẽ cần trích xuất năng lượng từ chính ngôi sao của họ. Để làm như vậy, họ sẽ phải xây dựng một công trình bao quanh ngôi sao.

Lấy cảm hứng từ ý tưởng này, năm 1960, nhà vật lí Freeman Dyson đã đề xuất rằng việc tìm kiếm cuộc sống thông minh cần nhắm tới các công trình nói trên.

Để phát hiện sự tỏa sáng bất thường của các ngôi sao gây ra bởi những công trình như vậy, người ta cần một kính viễn vọng có độ nhạy cao để theo dõi các ngôi sao trong thời gian dài.

Chòm sao Thiên Nga được hình dung như một con thiên nga trải cánh ngang qua dải Ngân Hà và bay về phía nam. Ảnh: Bryan Allo.

Chòm sao Thiên Nga được hình dung như một con thiên nga trải cánh ngang qua dải Ngân Hà và bay về phía nam. Ảnh: Bryan Allo.

Ra mắt năm 2009, Kính thiên văn Không gian Kepler được thiết kế để tìm các hành tinh xung quanh các ngôi sao. Trong 4 năm, Kepler đã quan sát một góc nhỏ trên bầu trời nhằm phát hiện ánh sáng bất thường của các ngôi sao khi có hành tinh quá cảnh. Kepler đã tìm thấy 2.300 trong số 3.400 hành tinh được xác nhận cho đến nay.

Tuy nhiên, Jason Wright, nhà thiên văn học thuộc Đại học Bang Pennsylvania ở Mỹ, nhận ra kính thiên văn này cũng có thể phát hiện “kiến trúc ngoài hành tinh” nếu chúng tồn tại. Wright đang cân nhắc khả năng này khi nghiên cứu về ngôi sao khó hiểu KIC 8462852 trong cơ sở dữ liệu của Kepler.

Nhà thiên văn học Tabetha Boyajian và các đồng nghiệp tại Đại học Bang Louisiana đã “vật lộn” với ngôi sao này trong nhiều năm. Giờ họ gọi nó là Sao Boyajian hoặc đôi khi là Sao Tabby. Boyajian đặc biệt chú ý tới ánh sáng giảm xuống bất thường và không đều của nó.

Ở một số điểm, độ sáng của ngôi sao giảm tới 22%. Điều này cho thấy có thứ gì đó rất lớn đã chặn ánh sáng của nó. Ngay cả hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời là Sao Mộc cũng chỉ làm giảm được 0,5% độ sáng.

“Đối với một nhà khoa học, điều đó thật thú vị vì nó mới mẻ. Nhưng nó cũng gây bực bội”, Boyajian nói.

Khi Boyajian cho Wright xem dữ liệu, anh nhận thấy mức độ giảm này có thể phù hợp với giả thuyết về một siêu công trình của người ngoài hành tinh.

Khởi đầu của hiện tượng mới

Đầu năm 2016, các nhà khoa học phát hiện thêm một bằng chứng thuyết phục khác. Benjamin Montet tại Đại học Chicago và Josh Simon tại Viện Khoa học Carnegie đã xem xét dữ liệu qua bốn năm của Kepler và phát hiện Ngôi sao Boyajian đã giảm 3% độ sáng trong 4 năm.

Sự mờ dần này kết hợp với sự nhấp nháy bất thường kể trên càng khiến Ngôi sao Boyajian thêm khó hiểu.

Gần đây, một giả thuyết mới đang nhận được sự ủng hộ của các nhà thiên văn học. Ngôi sao có thể đang nuốt chửng một hành tinh. Những mảnh vụn sót lại trong quá trình này có thể đã che khuất ánh sáng của nó.

Một trong các giả thuyết lý giải sự tỏa sáng bất thường của KIC 8462852 là người ngoài hành tinh đã xây dựng một công trình khổng lồ trên đó. Ảnh: NASA.

Khi hành tinh va chạm với ngôi sao, nhiệt độ tăng lên khiến ngôi sao rực sáng. Sau đó, khi năng lượng tiêu hao, ngôi sao bắt đầu trở về độ sáng bình thường. Ý tưởng này khá hứa hẹn vì nó giải thích cả sự suy giảm ánh sáng trong dài hạn và ngắn hạn.

Boyajian đang cố gắng sử dụng Đài thiên văn Las Cumbres, một mạng lưới toàn cầu các kính thiên văn và sự trợ giúp của các nhà thiên văn nghiệp dư thông qua Hiệp hội các Nhà quan sát Sao Biến quang Mỹ để thu hẹp khoảng cách thời gian trong các kết quả quan sát.

Các nhà thiên văn cũng mong đợi kết quả từ Sứ mệnh Châu Âu Gaia nhằm đo khoảng cách tới 1 tỷ ngôi sao gần nhất. Nếu Gaia có thể xác định được khoảng cách chính xác tới Ngôi sao Boyajian, các nhà thiên văn sẽ có thể hiểu độ sáng thực của nó. Tuy nhiên, họ sẽ phải chờ đến ít nhất là năm 2019 mới có thể tiếp cận các dữ liệu này.

Các quan sát trong tương lai sẽ giải đáp nhiều câu hỏi hơn. Trong lúc đó, giả thuyết về người ngoài hành tinh vẫn còn giá trị. Wright cho biết ít nhất điều này cũng giúp các nhà thiên văn biết được phải hướng kính viễn vọng vô tuyến tới đâu để tìm kiếm tín hiệu ngoài trái đất.

Trong tương lai gần, các công cụ mạnh hơn sẽ theo dõi bầu trời với độ nhạy cảm chưa từng có, đem lại khả năng phát hiện ra nhiều vật thể giống như ngôi sao nói trên.

Trong quá khứ, việc khám phá một vật thể kỳ lạ thường báo trước một hiện tượng mới. Bởi vậy, Ngôi sao Boyajian có thể chỉ là sự khởi đầu.

Nhìn sâu vào vũ trụ qua kính viễn vọng Hubble Các nhà thiên văn học đã lắp ghép các bức ảnh do kính thiên văn vũ trụ Hubble chụp lại trong vòng 10 năm để tạo ra eXtreme Deep Field (XDF), hình ảnh sâu nhất của một phần vũ trụ.

Tuyết Mai (Theo BBC)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ngoi-sao-bi-an-nhat-thien-ha-nhieu-sang-vi-nguoi-ngoai-hanh-tinh-post747674.html