'Ngọn đèn đứng gác' mãi soi đường cho chúng ta hôm nay

Đó là tâm nguyện của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quận Liên Chiểu qua lời phát biểu tri ân của đồng chí Dương Thành Thị, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng), tại Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử 'Căn cứ địa cách mạng B1-Hồng Phước', tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, ngày 25-3.

Cắt băng khánh thành khu di tích B1-Hồng Phước.

Cắt băng khánh thành khu di tích B1-Hồng Phước.

Gần 1.000 đại biểu là các đồng chí lão thành cách mạng từng tham gia chỉ huy, chiến đấu, bám trụ tại khu căn cứ B1-Hồng Phước, đại diện các gia đình trực tiếp tham gia phục vụ chiến đấu tại khu căn cứ cách mạng, đại diện các gia đình thương binh, liệt sĩ, có công với cách mạng trong toàn quận.

Hình thành từ những năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khu căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước ở phía bắc trung tâm khu phố Hòa Khánh, Quận nhì Đà Nẵng trước đây. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khu căn cứ nằm ngay cạnh nằm ngay sát đồn địch, sát trung tâm quân sự lớn nhất miền trung mà không hề bị lộ, kiên trung tồn tại cho đến ngày thắng lợi cuối cùng.

Cả thôn Hồng Phước lúc ấy có 64 gia đình, đều những cơ sở cách mạng trung kiên, với 46 căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, du kích, bộ đội. Các mẹ, các chị là những giao liên khôn khéo, tài tình, tài liệu thư từ thường được giấu trong bó rau, mớ củ quả, các chị gánh về Đà Nẵng bán dạo, chuyển cho những cơ sở bí mật trong nội thành… mà chưa từng bị lộ.

Đến những năm 1964, 1965, khu quân sự Đà Nẵng mở rộng ra phía bắc, Mỹ -ngụy bắt đầu xây dựng chung quanh Hồng Phước hàng loạt đồn bốt. Phía tây bắc là hệ thống chốt phòng thủ liên hợp; phía đông là căn cứ hậu cần Bàu Mạc và sân bay Xuân Thiều; phía tây là tiểu đoàn pháo binh của Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ; phía tây mam là khu vực đóng quân của Liên đoàn 11 Biệt động quân ngụy; phía đông nam là tiểu đoàn công binh Mỹ; ngay sát phía nam là khu phố Hòa Khánh dày đặc cảnh sát, bảo an, dân vệ, mật vụ, ác ôn…

Ngay sát nách địch, nhưng tất cả những gia đình cơ sở cách mạng ta xây dựng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp vẫn kiên trung bám trụ, một lòng trung thành với Đảng, với cách mạng. Nhờ vậy, đây là nơi đứng chân hoạt động rất an toàn của nhiều cán bộ lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà, Khu I cánh Bắc Hòa Vang, Quận nhì Đà Nẵng.

Căn cứ B1-Hồng Phước là nơi xuất phát nhiều trận đánh của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương Quảng Đà, Hòa Vang và Đà Nẵng, tiêu biểu như: Trận đánh kho xăng Liên Chiểu, trận địa pháo Thanh Vinh, Tổng kho hậu cần Bàu Mạc, căn cứ Hoa Lư, Tỉnh đường Quảng Trị lưu vong…

Mô hình căn cứ lõm B1-Hồng Phước trong chiến tranh.

Hồng Phước còn là nơi đón hàng nghìn lượt bộ đội chi viện từ miền bắc vào chiến trường miền nam, cất giấu hàng trăm tấn gạo, muối, thuốc men, súng ống, đạn dược. B1-Hồng Phước không chỉ là điểm đứng chân, mà còn là bàn đạp tiến công vào hậu phương của địch, và là nơi lui quân về có dân nuôi giấu, đùm bọc, che chở.

So sánh với một số căn cứ lõm khác ở miền nam thời chống đế quốc Mỹ, B1-Hồng Phước không lớn về diện tích, dân số, quy mô, nhưng rất đặc trưng về hình thái của “căn cứ lõm” xây dựng ngay trong lòng địch với đầy đủ các yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong đó đặc sắc nhất là lòng dân, như lời khẳng định của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng), nguyên Quận đội phó quận nhì trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Nhờ địa thế: phía tây bắc đầu thôn Hồng Phước nhìn lên núi Hải Vân và cánh Bắc Hòa Vang, đầu làng phía nam nhìn vào núi Thanh Vinh. Những cơ sở cách mạng ở đầu làng đã sáng tạo ra tín hiệu báo an cho cán bộ, lực lượng ta từ căn cứ muốn vào B1 - Hồng Phước bằng việc thắp đèn dầu, nếu không có đèn là địch đang mai phục, bố ráp.

Tiêu biểu là ngọn đèn của gia đình bà Phạm Thị Dĩ và ông Dương Chương. Vị trí ngôi nhà của mẹ Dĩ là hướng duy nhất để các lực lượng vũ trang Quận nhì về hoạt động tại căn cứ lõm B1 - Hồng Phước. Nhờ có tín hiệu đèn dầu của mẹ Dĩ, trong hơn 20 năm tồn tại, không có cán bộ, bộ đội nào từ trên rừng về B1-Hồng Phước bị địch phục kích.

Sau năm 1975, non sông thống nhất, nhân dân Hồng Phước trở lại với cuộc sống mới, nhiều gia đình trở về với cuộc sống đời thường, làm nòng cốt trong phong trào tại địa phương. Nhiều cán bộ, chiến sĩ và con em của Hồng Phước được Đảng và Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng trở thành cán bộ, công chức công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị.

Khu di tích lịch sử cách mạng B1-Hồng Phước được xây dựng trên diện tích đất 2.700m² với tổng mức kinh phí 7,2 tỷ đồng, bao gồm: Đài bia tưởng niệm, Nhà truyền thống- trưng bày hiện vật, năm ngôi nhà tái hiện lịch sử của năm gia đình cơ sở cách mạng tiêu biểu nhất, hầm bí mật, văn bia, hệ thống cây xanh, chiếu sáng…

Công trình khu di tích lịch sử căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ góp phần bảo tồn, tôn vinh truyền thống lịch sử vẻ vang và những chiến công hiển hách của nhân dân Hồng Phước nói riêng, quân và dân Liên Chiểu-Đà Nẵng nói chung trong hai cuộc kháng chiến gian khổ và ác liệt của dân tộc. Qua đó, góp phần giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

THANH TÙNG – DANH LÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32416902-%e2%80%9cngon-den-dung-gac%e2%80%9d-mai-soi-duong-cho-chung-ta-hom-nay.html