Ngọn đuốc sáng giữa đại ngàn

Đối với người dân bản Trăng, xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, tiếng nói của già làng Hồ Xuân Lương có một sức hút đặc biệt. Bao năm qua, ông luôn nói cho dân hiểu, làm cho dân tin và mọi hành động của ông đều xuất phát từ trái tim giàu nhân ái. Không quá khi dân bản ví tấm lòng già Lương sáng như trăng rằm.

Già làng Hồ Xuân Lương (thứ 2 từ phải sang) say mê với điệu nhạc truyền thống. Ảnh: T.Q.Hiệp

Làm việc có lợi cho dân

Vốn là cư dân miền sơn cước, tôi từng nghe nhiều câu chuyện về già làng Hồ Xuân Lương. Thế nhưng, mấy lần lặn lội đi tìm nhân vật, tôi đều tiếc nuối vì không có duyên gặp mặt, lúc ông vừa cùng thanh niên vào rừng tuần tra, khi thì mới rời bản đi chữa bệnh cho người nghèo… Năm 2014, lần đầu tiên ghé bản Trăng, người dân nơi đây chỉ vào ngôi trường mầm non còn đang thoang thoảng mùi sơn mới rồi bảo: "Nhờ già Lương mà con cháu có chỗ để học hát, học múa, học làm con ngoan". Thì ra, vị già làng này đã hiến 600m2 đất của gia đình để dựng trường. Ít lâu sau trở lại bản Trăng, tôi tiếp tục lấy làm ngạc nhiên khi thấy bên ngôi trường xinh xắn là một căn nhà sinh hoạt cộng đồng khang trang, sạch đẹp. Hỏi kỹ mới biết, chính già làng Hồ Xuân Lương hào phóng hiến thêm 400m2 đất trồng cây lâu năm của gia đình để giúp dân bản có địa điểm hội họp và sinh hoạt văn hóa.

Bẵng một thời gian, tình cờ gặp già làng Hồ Xuân Lương ở thành phố Đông Hà, tôi xúc động như gặp lại người thân sau nhiều ngày xa cách. Già Lương mới 62 tuổi, bề ngoài trẻ hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của tôi. Già Lương cho biết, ông làm già làng từ lúc chưa đầy 30 tuổi. Sau khi người cha qua đời, bà con đã tín nhiệm bầu ông vào vị trí đầu tàu của bản. Có lẽ bà con có lý khi thống nhất đi đến quyết định ấy. Nhớ những mẩu chuyện mà dân bản Trăng từng kể, tôi nhắc lại lời của một người có uy tín mà mình từng gặp: "Chuyện về tấm lòng già làng Hồ Xuân Lương kể cả mùa rẫy cũng không hết". Thoáng ngại ngùng, ông Lương bảo: "Mình vẫn áy náy nhiều lắm vì dân bản vẫn còn khổ".

Già làng Hồ Xuân Lương chưa bao giờ ngơi nghỉ luôn trăn trở với cái mảnh đất nhỏ bé giữa đại ngàn Hướng Việt, nơi ông sinh ra và lớn lên. Chính vì thế, khi lửa chiến tranh bén đến bản làng, ông cùng trai tráng trong bản đều lên đường theo cách mạng. Là thiếu úy quân y, sau khi đất nước yên bình, rất nhiều cơ hội mở ra đối với ông Lương. Thế nhưng, ông vẫn quyết định trở về nơi "chôn nhau cắt rốn" để xây dựng quê hương. "Lúc đi bộ đội về, mình buồn lòng lắm vì thấy dân bản Trăng còn lún sâu trong đói nghèo, lạc hậu. Những người được học cái chữ, hiểu về lý tưởng cách mạng mà đi hết thì ai sẽ góp sức giúp bà con vượt khó, thắng nghèo? Nghĩ thế, mình quyết định ở lại bản. Để đỡ nhớ nghề, mình lập một tủ thuốc nhỏ ở nhà và khám chữa bệnh cho bà con. Ai nghèo khó quá thì mình chữa giúp, không lấy của nả, tiền bạc gì" - ông Lương chia sẻ.

So với ngày xưa bầm trầy vất vả, đời sống người dân bản Trăng giờ đã khá giả hơn nhiều. Cái đói không còn là nỗi lo thường trực của bà con như trước. Hôm nay, dân bản biết trồng lúa bên cạnh làm rẫy. Ngoài chăn nuôi, dân bản thi đua nhau trồng bời lời, sắn, chuối… Ít ai biết để có thành quả này, già Lương đã góp không ít công sức. Không quản ngại vất vả, ông miệt mài vận động bà con tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do cán bộ xã, huyện về bản tổ chức. Để làm gương cho bà con, già Lương luôn là người đi trước. Ngày ngày, bố con ông lăn lộn trên đồi cao, trồng hơn 2.000 cây bời lời, rồi chuyển sang thử nghiệm trồng sắn, chuối, sau đó tiếp tục xin vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, đào ao thả cá… Nhờ thế, cuộc sống của gia đình già làng Hồ Xuân Lương mỗi ngày một khấm khá hơn. Ông cũng có điều kiện để giúp đỡ nhiều hộ khác phát triển sản xuất. Noi gương ông, người dân trong bản gạt bỏ những nỗi lo lắng cùng lối canh tác lạc hậu để bắt tay làm kinh tế, từ đó bản làng thêm khởi sắc.

Là già làng, ông Hồ Xuân Lương luôn trăn trở với mọi việc của dân bản. Thấy một số hộ vẫn còn chậm chân trên đường thoát nghèo, ông vận động mọi người cùng chung tay giúp đỡ. Nghe tin có đối tượng tìm cách phá rừng, ông báo cho lực lượng Kiểm lâm biết, rồi nhóm họp dân thành lập tổ tuần tra, kiểm soát, cứu nguy cho "nguồn sống của bản làng". Ông cũng không ngại nói chuyện với các cặp vợ chồng trẻ về việc cần thiết phải sinh đẻ có kế hoạch… Già Lương làm mọi việc hăng say bởi biết nó có lợi cho dân.

Nhân tố đoàn kết cộng đồng

Nhắc đến già làng Hồ Xuân Lương, nhiều người nhớ ngay đến tiếng khèn bè dìu dặt có sức lôi cuốn diệu kỳ. Nghe ông Lương thổi kèn, ai cũng muốn sát lại bên nhau, dâng đầy tình yêu thương. Đối với già Lương, tiếng khèn cũng chính là sợi dây kết nối cộng đồng. Cái tên "già làng đoàn kết" có lẽ cũng bắt nguồn từ đó.

Trước đây, cuộc sống người dân bản Trăng gặp nhiều khó khăn. Cái đói, cái nghèo khiến một bộ phận thanh niên chán nản, không còn đoái hoài đến cây cuốc, cái rựa và nương rẫy. Đáng ngại hơn, có người bỏ bản đi làm ăn xa sa chân vào rượu chè, làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Trong khi đó, giữa một vài hộ dân ở bản thỉnh thoảng vẫn nảy sinh những mâu thuẫn không đáng có. Là thành viên tổ hòa giải cơ sở, sau khi thận trọng tìm hiểu sự tình, ông Lương đến tận nhà để khuyên bảo, phân tích lẽ đúng sai. Không những thế, ông còn vận động cán bộ thôn, công an viên, chi hội trưởng phụ nữ… cùng góp ý. Nhờ thế, mọi mâu thuẫn trong bà con nhanh chóng được hóa giải. Đối với những người chán nản vì hay lam, hay làm nhưng vẫn cứ đói nghèo, ông giải thích rõ lý do, rồi bày vẽ cách làm ăn hiệu quả hơn.

Ở miền sơn cước, một số người dân mang nặng tư tưởng "bản nào lo việc bản ấy", mới dẫn đến chuyện, dẫu cùng ở xã Hướng Việt nhưng dân bản Trăng và bản Tà Puồng còn có sự ngăn cách. Trong khi đó, dù cách nhau chỉ một cây cầu nhưng thanh niên xã Hướng Việt và Hướng Lập vẫn e ngại mỗi khi qua lại thăm thân, tìm hiểu lẫn nhau. Điều này khiến già làng Hồ Xuân Lương rất trăn trở. "Ông cha ta có câu: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng". Ở đây, mọi người không chỉ trong một nước mà còn sống dưới một cánh rừng, uống chung một dòng nước… Phải gắn bó, yêu thương nhau mới phải chứ!". Nghĩ thế, ông Lương cùng các già làng, trưởng bản, người có uy tín nhóm họp và bàn cách giải quyết. Sau khi thống nhất, họ phối hợp với cán bộ địa phương tổ chức những hoạt động, phong trào chung, đồng thời động viên con em giúp đỡ lẫn nhau. Dần dần, mọi chuyện nhanh chóng được thu xếp ổn thỏa.

Nhiều năm nay, dân bản Trăng thấm nhuần những quy định về lãnh thổ, biên giới quốc gia. Bản thân họ hiểu đường biên, cột mốc là một phần máu thịt, phải bảo vệ, gìn giữ. Thế nên, bà con thường nhắc nhủ nhau không được vượt biên trái phép hay xâm canh, xâm cư; khi có vụ việc xảy ra trên biên giới, phải báo ngay với BĐBP biết để kịp thời xử lý. Thế nhưng, một số bà con ở bản Trăng cũng như người dân nước bạn lại áp dụng những điều được vận động, tuyên truyền một cách cứng nhắc. Giữa họ bỗng nhiên có rào chắn và ai cũng e ngại giao lưu, kết bạn.

Để giải quyết việc này, già Lương cùng BĐBP và người có uy tín phải lặn lội sang nước bạn để làm "sứ giả". Bên ché rượu cần, mọi người nhắc lại những câu chuyện về thời "bát cơm xẻ nửa, chăn sui đắp cùng", rồi vô vàn việc làm khẳng định tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt - Lào hôm nay… Lúc cao hứng, già Lương thổi khèn bè, ngâm nga những ca khúc bằng cả tiếng Lào lẫn tiếng Việt: "Ơi chàng trai đó ơi! Đôi ta cùng biết nhau đây/ Lòng em theo tiếng khèn/ Ca lên bài Lăm tơi". Sau đó, trong lễ hội tổ chức tại bản Trăng, ông Hồ Xuân Lương cũng mời những người bạn từ Lào sang thăm chơi. Dần dần, mọi khoảng cách được xóa nhòa. Cư dân hai bên biên giới xem nhau như anh em một nhà, sẵn sàng giúp đỡ lúc khó khăn, hoạn nạn.

Trong cuộc đời mỗi con người, có những cuộc gặp gỡ khiến chúng ta không bao giờ quên. Riêng tôi, lần hạnh ngộ với già làng Hồ Xuân Lương đã giúp bản thân nhận ra nhiều điều. Lòng chợt vui khi biết giữa cuộc sống ồn ả, xô bồ này còn có những người rất đáng quý. Họ sống bình dị giữa đại ngàn và luôn lặng lẽ cống hiến như già làng Hồ Xuân Lương.

Trương Quang Hiệp

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ngon-duoc-sang-giua-dai-ngan/