Ngọn lửa thắp sáng con đường đấu tranh cách mạng

Xô Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của cao trào đấu tranh của công nhân-nông dân Nghệ An và Hà Tĩnh trong những năm 1930-1931, là cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời; trở thành ngọn lửa thắp sáng con đường đấu tranh cách mạng vì độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ đầu năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của nhân dân bùng lên mạnh mẽ trên khắp cả ba miền: Bắc, Trung, Nam. Cao trào cách mạng do Đảng chủ trương và phát động đã diễn ra trên 25 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó Nghệ-Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Từ ngày 1-5-1930 đến tháng 8-1930, có gần 100 cuộc bãi công và biểu tình của công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh, là "đêm trước" của Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tranh tái hiện Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931).

Mở đầu cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa Bến Thủy cùng hàng nghìn nông dân các vùng lân cận thị xã Vinh tham gia kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động, đã rầm rộ biểu tình thị uy phất cao cờ đỏ búa liềm, giơ cao khẩu hiệu đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm sưu thuế... Sự hy sinh của hàng trăm người biểu tình gây phẫn nộ cho nhân dân, đưa cuộc đấu tranh đến cao trào đốt huyện đường, phá nhà lao. Xô Viết Nghệ Tĩnh như một hình thức mới về chính quyền của người lao động ra đời, làm chức năng của chính quyền cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Đây là lần đầu tiên công nhân và nông dân sát cánh bên nhau trong đấu tranh chống kẻ thù. Trên đà phát triển mạnh mẽ của phong trào, ngày 1-8-1930 đã nổ ra cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh-Bến Thủy. Tiếp đó, ở nông thôn, nhiều cuộc đấu tranh của nông dân dưới hình thức biểu tình có vũ trang tự vệ đã nổ ra ở các huyện: Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An) và Can Lộc (Hà Tĩnh)… Phong trào lan rộng ra hầu hết khắp các địa phương ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; tiêu biểu là cuộc biểu tình lớn ngày 12-9-1930 của hai vạn nông dân Hưng Nguyên kéo đến huyện lỵ đòi yêu sách. Chính quyền Xô Viết đầu tiên được hình thành tại nhiều xã thuộc các huyện, thị xã của hai tỉnh; thực hiện quyền làm chủ của quần chúng, điều hành mọi mặt đời sống xã hội. Lần đầu tiên những người lao động, nô lệ lầm than được quyền làm chủ xã hội với lòng tin sâu sắc đối với Đảng, với cách mạng, xây dựng và bảo vệ chính quyền mới.

Tuy nhiên, chính quyền kiểu xã bộ, Xô Viết chỉ tồn tại trong 4-5 tháng, do bị chính quyền của thực dân, phong kiến địa phương của triều đình đàn áp dã man. Run sợ trước sức tiến công mãnh liệt của cách mạng, đế quốc Pháp và tay sai quyết dìm phong trào Xô Viết trong biển máu. Trận ném bom dã man xuống đoàn biểu tình của 8.000 nông dân phủ Hưng Nguyên ngày 12-9-1930, đã giết chết 217 người, làm bị thương 125 người, cho thấy chính sách “khủng bố trắng” của chúng.

Ngay sau cuộc khủng bố, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh đã phát động phong trào chống “khủng bố trắng”. Hưởng ứng cuộc đấu tranh của nông dân Hưng Nguyên, nhiều cuộc đấu tranh liên tiếp nổ ra. Ngay tối 12-9, Huyện ủy Nam Đàn lãnh đạo hàng nghìn nông dân nổi trống mõ, biểu tình đến huyện lỵ. Dù bị địch dìm trong biển máu, Xô Viết Nghệ Tĩnh với hình ảnh của lá cờ đỏ búa liềm cùng với chính quyền kiểu mới vẫn khắc sâu trong tâm trí quần chúng nhân dân. Âm hưởng, ý nghĩa lịch sử và những bài học quý của Xô Viết Nghệ Tĩnh vẫn còn sáng mãi. Trong dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu, nhưng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này".

Kỷ niệm 87 năm Ngày Xô Viết Nghệ Tĩnh, chúng ta ghi nhớ, biết ơn sự hy sinh xương máu của các nhà cách mạng, yêu nước tiền bối đã ngã xuống để đất nước được độc lập, tự do. Tuy phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trở thành truyền thống, giá trị văn hóa, góp phần tạo nên sức mạnh trường tồn của dân tộc.

LÊ QUÝ THI

(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/ngon-lua-thap-sang-con-duong-dau-tranh-cach-mang-517509