Ngổn ngang... đô thị: Lối thoát để cất cánh

GD&TĐ - Ngày 4/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 445/QĐ – TTg về “Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050”, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nhanh các đô thị một cách tốt nhất.

Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị đã tạo ra thời cơ thuận lợi

Theo Quyết định trên, dự báo dân số đô thị cả nước năm 2015 là 35 triệu người (38% dân số toàn quốc); năm 2020 khoảng 44 triệu người (45% dân số cả nước); năm 2025 khoảng 52 triệu người (50% dân số cả nước) …

Đô thị hóa mang lại nhiều lợi ích, lợi thế. Tính riêng TP HCM và Hà Nội đã đóng góp khoảng một nửa nguồn thu ngân sách cho đất nước. Như vậy có thể khẳng định sức mạnh tăng trưởng kinh tế của 2 thành phố “đầu tàu” này sẽ kéo cả nước đi lên và ngược lại.

Điều kiện kinh tế - văn hóa xã hội các đô thị phát triển cao, chính là nơi thu hút nhiều nhân tài, nơi đến của lực lượng lao động trình độ cao, nơi tập trung lớn nhất các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước… Qua đó, các đô thị sẽ tạo ra vô số việc làm cho đủ loại đối tượng lao động, dần dần biến các đô thị (nhất là các thành phố lớn trực thuộc trung ương) sớm trở thành đô thị trí thức, sớm gia nhập thị trường kinh tế toàn cầu một cách vững chắc.

Đô thị hóa nếu phát triểu đúng hướng, sẽ góp phần cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng: giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp – thương mại – tài chính – ngân hàng – giao thông vận tải – điện tử viễn thông – cơ khí – công nghệ thông tin – hóa chất – chế biến thực phẩm – may mặc – giày da và nhóm ngành dịch vụ…

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các đô thị phải ưu tiên phát triển áp dụng công nghệ cao – thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng lớn, ít thâm dụng lao động. Riêng nông nghiệp chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái …

TP HCM đã có một số khu đô thị mới kiểu mẫu, hiện đại, môi trường sống thuận lợi, có không gian xanh đó là: khu đô thị Nam Sài Gòn (2.975 ha); khu đô thị Thủ Thiêm (657 ha); khu đô thị cảng Hiệp Phước (1.600 ha) … Các khu đô thị này góp phần giãn dân ở các quận nội thành lâu đời, góp phần phát triển quy hoạch thành phố theo hướng đa tâm.

Theo TS KTS Lê Quang Ninh (Hội KTS TP HCM): “Vấn đề bây giờ không chỉ dừng lại ở “Tam Nông” (Nông nghiệp – Nông thôn – Nông dân), mà là phát triển các đô thị nông nghiệp, để chuyển dần nông thôn sang đô thị một cách khoa học, phù hợp với xu hướng của quốc gia và thời đại. Nhất là với Việt Nam hiện vẫn còn trên 60% dân số sống ở nông thôn và xu hướng nông dân rời nông thôn tìm về đô thị kiếm sống vẫn ngày một tăng”.

Liên kết Vùng đô thị - đòi hỏi tất yếu và cấp bách

Có thể thấy rõ: một khi nước sông Sài Gòn hoặc sông Đồng Nai nảy sinh vấn đề bất cập như: ô nhiễm do hóa chất độc hại, tình trạng khai thác cát bừa bãi, tình trạng nhiễm mặn, tình trạng lũ lớn hoặc hạn hán nghiêm trọng…, là các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người tổng chỉ huy đứng ra giải quyết vấn đề nóng của toàn Vùng là ai thì không rõ?

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP HCM là hạt nhân và các tỉnh: Đồng Nai; Bình Dương; Bình Phước; Tây Ninh; Bà Rịa Vũng Tàu; Long An và Tiền Giang. Cũng như các vùng còn lại của cả nước theo quy hoạch của Chính phủ, Vùng trọng điểm TP HCM lâu nay vẫn quy hoạch phát triển theo định hướng riêng của từng tỉnh, thành.

Các kế hoạch liên kết phát triển, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau, cũng như những cam kết cần thiết trong quá trình phát triển về mọi mặt của từng địa phương… vẫn là “mạnh ai nấy làm”!? Các Ban chỉ đạo do Chính phủ lập như: Ban chỉ đạo Đông Nam bộ; Ban chỉ đạo Tây Nam bộ… thì quyền lực chức năng khá hạn chế, không thể làm “đầu mối” tốt cho liên kết Vùng.

Nhìn từ thực trạng đáng lo ở các thành phố lớn nước ta hiện nay, TS Nguyễn Hữu Nguyên (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM) cho rằng có 4 thách thức rất lớn đang là lực cản không nhỏ cho sự phát triển đô thị - cũng như quy hoạch liên kết Vùng đó là:

Thứ nhất: Thiếu kiến thức và kinh nghiệm quy hoạch đô thị hiện đại.

Thứ hai: Thiếu kinh nghiệm tổ chức bộ máy và quản lý đô thị hiện đại.

Thứ ba: Chưa đánh giá đúng mối quan hệ giữa mật độ dân số đô thị với phát triển bền vững.

Thứ tư: Chưa có phong cách lãnh đạo, quản lý đô thị hiện đại. Thực tế cho thấy, việc một thành phố không thể ôm cùng lúc quá nhiều chức năng là xu thế phát triển đúng hướng ở nhiều nước trên thế giới.

Xung quanh định hướng liên kết Vùng – nhất là Vùng đại đô thị TP HCM, KTS Nguyễn Hữu Thái đề nghị: TP HCM đóng vai trò chủ đạo, các tỉnh trong vùng thiết lập mối tương quan, dựa trên quy mô dân số và mức độ đóng góp GDP của từng địa phương đối với toàn vùng.

Theo đó, TP HCM cần hình thành nhiều thị trấn và đô thị vệ tinh. Sớm hình thành dải đô thị đối trọng, trên cơ sở nâng cấp mở rộng các đô thị hiện hữu, ví dụ như: TP Biên Hòa -> TP Nhơn Trạch (tương lai) -> thị trấn Long Thành (tương lai có Sân bay Quốc tế Long Thành) -> thị trấn Phú Mỹ -> TP Bà Rịa -> TP Vũng Tàu. Bên cạnh đó hình thành các vùng nông thông mới để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cuối cùng là phải thành lập hệ thống quản lý Vùng đại đô thị.

Đồng tình với định hướng quy hoạch này, thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – ĐH Quốc tế Hồng Bàng đã đưa ra nhận xét khá đáng lo: “Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (nòng cốt là TP HCM) đang tăng trưởng nhanh, nhưng đã có dấu hiệu chựng lại do phát triển thiếu bền vững.

Đó là tình trạng xây dựng các KCN – CCN manh mún, quy mô nhỏ, rất ít KCN có diện tích đất được lấp đầy. Tỉnh, thành nào cũng có các loại hình công nghiệp như nhau, không có ngành mũi nhọn thực sự, không thể liên kết để cạnh tranh toàn cầu. Thực trạng này làm cho dân cư – người lạo động dịch chuyển liên tục, sản xuất – kinh doanh bị ảnh hưởng xấu…

Bài toán ngổn ngang quy hoạch phát triển đô thị phần nào cũng đã có thêm lời giải hữu hiệu. Đó là ngày 14/1/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về “Quản lý đầu tư phát triển đô thị”. Nghị định đã bước đầu góp phần lập lại trật tự trong quản lý đầu tư phát triển đô thị ở nước ta. Nghị định số 11 nói trên cho phép tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, bền vững…

TS Nguyễn Kim Hoàng – ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội: Sau khủng hoảng tài chính – kinh tế toàn cầu, thế giới bước vào một giai đoạn phát triển mới: sự phụ thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các quốc gia. Kinh tế tri thức phát triển mạnh và do đó con người và tri thức trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia.

Quá trình đô thị hóa sẽ diễn ra rất mạnh mẽ, hình thành các siêu đô thị, nơi tập trung nguồn lực lớn nhất về tài chính, nhân lực và công nghệ, đạt được những bước tiến mới về khoa học – công nghệ, sử dụng tiết kiệm năng lượng – tài nguyên sẽ là một xu thế tất yếu. Các đô thị sẽ là đầu tàu cho nền kinh tế cả nước cất cánh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/ngon-ngang-do-thi-loi-thoat-de-cat-canh-1892029-c.html