Ngộp thở vì ùn tắc, Hà Nội vẫn 'lèn' thêm hàng chục đầu xe khách xuyên tâm

Mới đây, trong giải pháp phân luồng bổ tuyến nhằm di dời bến xe khách Lương Yên, Sở GTVT Hà Nội đã quyết định bổ sung thêm 51 lượt xe khách xuyên tâm chạy về bến Yên Nghĩa. Giữa tình thế giao thông Hà Nội đã quá bí bách, phương án này lập tức gây ra các phản ứng trái chiều…

Ùn tắc khủng khiếp tại khu vực đường Vành đai 3, nơi có nhiều xe khách xuyên tâm đi qua

Thiệt hại hơn 40 tỷ đồng mỗi ngày

Hôm qua, TS Nguyễn Xuân Thủy - một chuyên gia hàng đầu về giao thông Hà Nội - thông qua một số kênh tin tức đã công bố những tính toán về vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Theo quan điểm của TS Thủy, giao thông tuy không trực tiếp làm ra của cải, vật chất nhưng lại đang đóng vai trò quyết định đối với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tất cả sản phẩm được làm ra.

Ông Thủy cho biết, không chỉ nghiên cứu của ông, mà qua khảo sát về tình hình giao thông tại Hà Nội, Ban ATGT của Liên Hợp Quốc, chỉ ra rằng, với dân số trên 7 triệu người, ít nhất mỗi ngày thành phố Hà Nội có 70% số người đi ra đường. Nếu tính cả đi và về, mỗi ngày sẽ có 14 triệu lượt người tham gia giao thông. Với tình hình giao thông như hiện nay, theo tính toán ít nhất mỗi người sẽ bị ùn tắc 15 - 20 phút/ngày.

Dựa trên những thống kê đó, vị tiến sĩ tính toán ra rằng, mỗi năm người dân và ngân sách Hà Nội thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng, trung bình trên 41 tỷ đồng/ngày. Nếu so với mức đầu tư cho cầu vượt thép tại hai nút giao thông Tây Sơn - Chùa Bộc và Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng thì số tiền trên đủ để xây được hàng chục cầu. Bên cạnh đó, khí thải từ hiện tượng ùn tắc giao thông cũng góp phần đáng kể vào việc hủy hoại môi trường đô thị.

Xe khách luôn "góp mặt" trong các vụ ùn tắc nghiêm trọng

Nêu quan điểm về những con số thiệt hại vừa được đưa ra, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, đến thời điểm hiện tại, ông chưa được tiếp cận cụ thể và chi tiết với những số liệu tính toán của TS Nguyễn Xuân Thủy nên rất khó để bình luận đúng hay sai. Tuy nhiên, ông đồng ý rằng thiệt hại do ùn tắc giao thông là rất khủng khiếp. Ông Liên nói: “Chúng tôi là những con người của thực tế, hoạt động ngoài thực tế nên chỉ có thể cảm nhận bằng thực tế. Tôi thấy rằng giao thông Hà Nội đang rất ngộp thở. Tình trạng ùn ứ liên tục chắc chắn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế”.

Chống ùn tắc theo kiểu... thêm xe vào nội đô

Quay trở lại phương án đang gây hao giấy tổn mực của Sở GTVT Hà Nội nhằm phân bố lại luồng tuyến hàng trăm chuyến xe đang hoạt động ở bến Lương Yên, sau thời điểm bến này sẽ đóng cửa vào đầu tháng 8.2016.

Theo phương án vừa được đệ trình UBND TP. Hà Nội, bến xe Nước Ngầm sẽ tiếp nhận nhiều xe từ bến xe Lương Yên nhất, 162 lượt xe/ngày; Tiếp đến là bến xe Gia Lâm, 133 lượt xe/ngày và cuối cùng là bến Yên Nghĩa, 51 lượt xe/ngày. Trong đó đáng chú ý, nếu được sự đồng thuận từ cấp trên, cả 51 chuyến xe về bến Yên Nghĩa gồm: Bắc Kạn (1 lượt/ngày), Hải Dương (2 lượt/ngày), Hải Phòng (43 lượt/ngày), Lạng Sơn (1 lượt/ngày), Lào Cai (4 lượt/ngày), đều là những tuyến xe khách xuyên tâm, đi qua nội thành Hà Nội.

Việc bổ sung thêm tới 51 lượt xe xuyên tâm vào chỉ riêng một bến xe đã khiến nhiều người công tác trong ngành giao thông cảm thấy cấn cá, chưa kể phương án còn bị cho là đi ngược với chủ trương quyết liệt của UBND TP. Hà Nội nói chung và cá nhân chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói riêng. Bởi với phong cách thường thấy của các nhà xe này là chạy rề rề trên đường, không chỉ gây ách tắc, cản trở giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều bất ổn an ninh trật tự.

Đường vành đai 3 thường xuyên ùn tắc do xe khách từ bến Mỹ Đình và bến Yên Nghĩa đi qua khá đông.

Theo giới phân tích, việc di dời bến xe khách Lương Yên là một cơ hội rất rõ ràng để giới chức Hà Nội “nổ phát súng lệnh”, tiên phong trong hành trình siết chặt quản lý hoạt động vận tải hành khách vốn đầy rẫy bất cập trên địa bàn. Đưa xe khách từ bến nào về bến ấy theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Và theo đó, đặc biệt là tuyến đi Hải Phòng với toàn bộ 90 lượt xe nên về bến Nước Ngầm thay vì chia làm đôi như phương án đề xuất: 47 về Nước Ngầm, 43 về Yên Nghĩa.

“Bến Nước Ngầm trước đây chưa hề có xe chạy tuyến Hải Phòng, diện tích rộng rãi, mới sử dụng chưa đến 1/3 công suất thiết kế. Việc đưa toàn bộ các xe chạy tuyến Hải Phòng về thì vừa đúng quy hoạch bến bãi, vừa rất thuận tiện bởi chỉ cần giữ nguyên biểu đồ xuất bến như cũ. Còn nếu chia theo phương án của Sở GTVT, sẽ phải làm lại hết, từ cả đầu Hà Nội lẫn Hải Phòng, việc chồng lấn là khó tránh khỏi. Chắc chắn phát sinh các hệ lụy không mong muốn”, ông Nguyễn Quý Đại - Phó Tổng thư kí Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng phân tích, với số lượng khách đi Hải Phòng xuất bến ở Yên Nghĩa thường xuyên chỉ đạt trên 30%, các nhà chạy tuyến này chủ yếu đi chậm để “vợt” khách lẻ dọc khu vực đại lộ Thăng Long, BigC, Khuất Duy Tiến… dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Giờ lại “lèn” thêm một ngày 43 chuyến như vậy nữa, tình trạng sẽ còn khủng khiếp gấp bội. Chưa chưa kể tiềm ẩn các nguy cơ về an ninh trật tự, cạnh tranh không lành mạnh…

Ngoài ra, cũng theo ông Nguyễn Quý Đại, bến Yên Nghĩa quá xa Lương Yên. Lượng khách đi Hải Phòng qua Bến Yên Nghĩa trước đây ra Nước Ngầm sẽ thuận lợi hơn nhiều về tận Yên Nghĩa. Do đó, Sở GTVT rất nên cân nhắc cách bố trí của mình.

Cũng nói về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Văn Tòng, Phó Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, đề xuất: Sở GTVT Hà Nội khi xây dựng phương án điều chuyển cần bố trí phù hợp theo luồng tuyến để vừa đảm bảo phục vụ hành khách, vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/ngop-tho-vi-un-tac-ha-noi-van-len-them-hang-chuc-dau-xe-khach-xuyen-tam-570973.bld