Ngược núi đi tìm học trò

Để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau, những người thầy, người cô vẫn bền bỉ băng rừng, ngược núi, vượt sông đến từng ngõ ngách các bản vận động học sinh đến trường. Câu chuyện được chúng tôi ghi lại cách đây ít lâu...

Những chuyến ngược núi đến nhà thăm học trò của thầy Khánh.

Những chuyến ngược núi đến nhà thăm học trò của thầy Khánh.

Chuyện của Xua

Sáng thứ 2, thầy Hà Văn Khánh, chủ nhiệm lớp 12C, Trường THPT Mường Lát phấn khởi, hào hứng bước vào lớp. Học trò đứng dậy chào, thầy đưa mắt nhìn bao quát và nhận ra có chỗ trống. Sự hào hứng ban đầu chợt biến mất, vì có một số em không đến lớp, trong đó có em Thao Gia Xua, người dân tộc Mông. Cử lớp trưởng xuống tìm ở Làng học sinh, một lúc sau trở lại thưa: “Không thấy các bạn dưới phòng, thầy ạ!”. Thầy cầm điện thoại lên gọi cho phụ huynh nhưng không liên lạc được. Thầy Khánh buông tiếng thở dài rồi buồn bã ghi chữ “Vắng 2” dưới dòng sỹ số...

Tối hôm ấy, Làng học sinh báo sĩ số vắng 8, trong đó có Xua. Những ngày sau đó, Xua vẫn vắng mặt. Thầy Khánh đã tìm nhiều cách nhưng vẫn không liên lạc được với Xua và gia đình. Sáng đầu tuần trống tiết, thầy lục đục sắp xếp tư trang cho cuộc hành trình quen thuộc. Một ba lô con cóc đựng tài liệu, nước uống, một ít bánh kẹo để phát cho các cháu nhỏ... Thầy cũng không quên kiểm tra xăng xe, hệ thống phanh, dầu máy...

Nhà Xua ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn - nơi cư trú của hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông, cách trung tâm huyện gần 30km. Ngôi nhà nằm trên đỉnh đồi, bên mép một con suối nhỏ. Để đến đó, thầy Khánh phải dựng xe dưới quốc lộ và đi bộ gần 500m đường dốc. Trong nhà gần như không có vật gì giá trị, tất cả nói lên gia cảnh nghèo khó và thiếu thốn của gia đình. Xua mệt mỏi nằm trên một cái sạp được ghép lại từ những cây luồng. Nhìn thấy thầy Khánh, Xua vẻ lo lắng: “Em trèo cây bị ngã, chân đau lắm không đi học được”. Giải thích lý do không đến bệnh viện thay vì nằm nhà, Xua bảo bố mẹ không có tiền nên tự lên rừng lấy lá về giã cùng muối hạt bó cho con trai.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát kết luận Xua bị rạn xương và phải bó bột. Trong lúc trò tiếp nhận điều trị của bác sĩ, thầy tất tả hoàn thành các thủ tục cần thiết. Sau khi thanh toán, lấy thuốc, Xua lại vắt vẻo trên lưng thầy giáo của mình về Làng học sinh.

Nhìn cậu học trò gầy xọp, da tái xanh, chiếc chân bó lá sưng tấy, thâm đen, thầy Khánh cho rằng Xua bị rạn hoặc gãy xương nên thuyết phục gia đình đưa Xua đi khám và điều trị tại bệnh viện. Bố mẹ Xua không vui khi biết ý định của thầy Khánh. Họ sợ đi bệnh viện tốn kém rất nhiều tiền, thầy Khánh phải giải thích cho gia đình hiểu về tác dụng của thẻ BHYT và những ưu tiên khi là con em dân tộc thiểu số. Nhận được sự chấp thuận từ gia đình, thầy Khánh cùng bố Xua thay nhau cõng em xuống quốc lộ, trước khi thầy đèo Xua bằng xe máy về huyện.

Thầy Khánh cõng Xua xuống núi khám bệnh.

Thầy Khánh cõng Xua xuống núi khám bệnh.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát kết luận Xua bị rạn xương và phải bó bột. Trong lúc trò tiếp nhận điều trị của bác sĩ, thầy tất tả hoàn thành các thủ tục cần thiết. Sau khi thanh toán, lấy thuốc, Xua lại vắt vẻo trên lưng thầy giáo của mình về Làng học sinh. Trong thời gian Xua bó bột, thầy Khánh đã nhờ các bạn cùng phòng nấu cơm, chăm sóc và chở Xua đến trường. Sau 3 tuần, Xua tháo bột và đi lại được bình thường. Được biết, toàn bộ chi phí thuốc men, thầy Khánh đã cho Xua ứng trước tiền chế độ và xin một suất học bổng của các nhà hảo tâm trao tặng.

Hành trình thắp sáng ngọn lửa

Theo lời thầy Khánh, thông thường ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có danh sách những học sinh có nguy cơ bỏ học và phân công giáo viên “đỡ đầu”. Giáo viên bằng cách này hay cách khác, không để học sinh bỏ học giữa chừng, phải vận động cho được học sinh ra lớp. Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm của giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm. Lớp 12C do thầy chủ nhiệm có 43 học sinh, đa số đều là người dân tộc thiểu số, trong đó 14/43 là đồng bào dân tộc Mông, tập chung ở các bản xa, như: Pù Đứa, Pha Đén, Pá Hộc, Xi Lô...

Hầu hết các em đều được nhận chính sách hỗ trợ từ Nhà nước theo Nghị định số 116/2016/NĐ- CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, và ở tại Làng học sinh. Cụ thể, học sinh ở cách xa trường hơn 10km, nếu ở trong ký túc xá hoặc Làng học sinh được hỗ trợ mỗi tháng không quá 40% tháng lương cơ bản, trọ ngoài là 50%. Riêng học sinh nghèo được hỗ trợ mỗi tháng thêm 150.000 đồng chi phí học tập và 15kg gạo...). Nhờ thế, hành trình đi tìm con chữ của các em đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp, các em không mặn mà với việc học khiến những chuyến đi của thầy Khánh diễn ra thường xuyên. Thầy Khánh chia sẻ: “Thường thì ở trường tôi, chỉ cần học sinh nghỉ vài ngày không phép là giáo viên sẽ tìm cách liên hệ với gia đình ngay”.

Năm ngoái, bố em Sùng Vang Minh, ở bản Nà Ón, xã Trung Lý, mất sau một tai nạn. Minh đã nghĩ đến chuyện bỏ học, đi làm kiếm tiền đỡ đần mẹ nuôi các em. Thời gian đó, chiếc xe máy của thầy Khánh cũng hoạt động hết công suất. Những chuyến ngược núi diễn ra nhiều lần trong tuần, lúc thầy lên thăm Minh và gia đình, khi lại mang quà của các nhà hảo tâm gửi tặng...

Thầy nói với học trò của mình: “Thầy hiểu hoàn cảnh của em lúc này. Sẽ có thêm nhiều khó khăn, vất vả nhưng quan trọng là ở quyết tâm của chính mình, ở sự cố gắng, nỗ lực của mình. Em ở trường, còn có các thầy, các cô, có rất nhiều người luôn đồng hành và ủng hộ. Mình không thể lựa chọn được nơi mình sinh ra, không lựa chọn được hoàn cảnh của mình, nhưng ước mơ và quyết tâm là do chính mình chọn. Có thầy và các bạn, em không bao giờ đơn độc”.

Thầy Hà Văn Khánh và học trò.

Thầy Hà Văn Khánh và học trò.

Nhờ sự hỗ trợ bằng cả vật chất và tinh thần từ thầy, Minh vững tin hơn trên con đường theo đuổi con chữ. Sùng Vang Minh, lớp 12C, Trường THPT Mường Lát, chia sẻ: “Tình cảm, sự yêu thương của thầy, cô chính là động lực để em vượt qua khó khăn, quyết tâm bám trường, bám lớp".

Thầy hiểu hoàn cảnh của em lúc này. Sẽ có thêm nhiều khó khăn, vất vả nhưng quan trọng là ở quyết tâm của chính mình, ở sự cố gắng, nỗ lực của mình. Em ở trường, còn có các thầy, các cô, có rất nhiều người luôn đồng hành và ủng hộ. Mình không thể lựa chọn được nơi mình sinh ra, không lựa chọn được hoàn cảnh của mình, nhưng ước mơ và quyết tâm là do chính mình chọn. Có thầy và các bạn, em không bao giờ đơn độc”

Thầy giáo Hà Văn Khánh

Không giống Minh, em Lò Văn Nghiệp, ở bản Chiềng Cồng, thị trấn Mường Lát đã bỏ học đi làm suốt một năm. Cứ nghĩ, không còn đến trường, sợi dây liên kết giữa thầy và trò cũng đứt đoạn. Tuy nhiên, dù cách xa cả ngàn km hai thầy trò vẫn giữ liên lạc với nhau qua điện thoại, tin nhắn. Biết cuộc sống, công việc của cậu học trò không suôn sẻ, thầy Khánh động viên Nghiệp trở về tiếp tục học tập. Bởi thầy biết, tương lai của học trò mình sẽ suôn sẻ hơn nếu các em có bằng tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học.

Và, Nghiệp đã không phụ lòng mong mỏi của thầy, em trở về tiếp tục hoàn thành chương trình lớp 12, dù chậm 1 năm. Thầy Khánh chia sẻ: “Con em đồng bào dân tộc thiểu số thường sống khép kín, nếu mình không thật sự thấu hiểu, chia sẻ và đồng cảm rất khó để các em mở lòng. Tôi coi học sinh như chính người thân, người con của mình, chắc có lẽ vì thế các em cũng không phụ lòng tôi".

Những chuyến ngược núi đi tìm học sinh của các thầy, cô giáo như tấm khiên ngăn bớt tình trạng học sinh bỏ học, nhưng không phải hành trình vận động nào cũng thành công. Em Hà Văn Duận, ở bản Chiềng Cồng, thị trấn Mường Lát chủ động cắt đứt liên lạc với thầy Khánh, theo chân các anh chị đi làm ở khu công nghiệp. Thực tế, Duận chỉ là một trong số nhiều học sinh không mặn mà với chuyện học như vậy ở vùng cao này. Ở các khối, lớp khác trong trường, không ít trường hợp bỏ học, lấy vợ, lấy chồng, cuộc sống khó khăn như một vòng tròn không lối thoát.

Trong khuôn viên Làng học sinh Mường Lát.

Trong khuôn viên Làng học sinh Mường Lát.

Theo thầy giáo Trần Anh Văn, Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, với đặc thù của huyện nghèo, đa số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 91,92%)... một bộ phận không nhỏ phụ huynh và học trò chưa ý thức được vài trò của việc học. Họ xem việc học, có cũng được, không có cũng chẳng sao nên sinh ra thái độ thờ ơ, lười học. Đến lớp chỉ ngồi cho có tên nhưng ít tập trung, chú ý học hành. Chính vì thế, càng lên lớp cao thì những em này càng mất kiến thức cơ bản, càng chán học. Trong khi đó, đặc thù của người dân miền núi ngoài thiếu quan tâm đến việc học hành của con, họ còn đặc biệt cưng chiều con dẫn đến coi thường mọi thứ. Đây chính là nguyên nhân sâu xa khiến tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đi làm, lấy vợ, lấy chồng... vẫn diễn ra.

Xác định rõ những khó khăn và nhiệm vụ, nhà trường chủ động thành lập tổ hoạt động tiếp sức học sinh “Vì bạn đến trường”, tổ đã đi về các bản có học sinh nguy cơ bỏ học để tìm nguyên nhân, động viên các gia đình và bản thân học sinh tiếp tục theo học. Đồng thời tạo môi trường học tập thân thiện giữa thầy cô và trò; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội để động viên học sinh đến trường. Nhờ vậy, nhiều năm qua, tình trạng bỏ học, nghỉ học không có lý do của học sinh đã và đang được cải thiện, chất lượng giáo dục đại trà của trường từng bước được nâng lên.

Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoc-nui-di-tim-hoc-tro-31111.htm