Người anh hùng của “Tiểu đội xe không kính” đang là công dân Thủ đô

Trong gia tài thơ để lại của Phạm Tiến Duật, có lẽ người đọc biết đến nhiều nhất với tác phẩm nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Đã đọc, đã tâm đắc hay thậm chí thuộc nằm lòng, nhưng có lẽ ít người biết đến thực tế sống động để tác giả có thể viết nên bài thơ chính là từ một nguyên mẫu thật ngoài đời: Anh hùng LLVT nhân dân Giu-se Đỗ Văn Chiến. Với những ai quan tâm theo dõi các phương tiện truyền thông vào thời điểm đó, chắc hẳn đã từng nghe báo chí, đài phát thanh nhiều lần ca ngợi một tấm gương thuộc Trung đội 3 - Đại đội 2 - Tiểu đoàn 101 - Binh trạm 31- Đoàn 559. Người chiến sĩ vận tải trẻ đã cống hiến xuất sắc liên tục hơn 1.000 ngày, đêm trên mặt trận đầy máu lửa, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ tới 300%.

Ông Chiến sinh ra tại giáo họ Thánh Giu-se, giáo xứ Liên Phú (Hải Đông - Hải Hậu - Nam Định) trong một gia đình công giáo có truyền thống yêu nước. Khi nghe Lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Bác Hồ, dù là con một nhưng ông kiên quyết xin gia đình được lên đường chiến đấu. Ở chiến trường, suốt mấy năm liền, xe ông được giao chỉ tiêu ba đêm một chuyến, nhưng hầu như không một đêm nào ông vận chuyển dưới hai chuyến, đưa quân lương, đạn dược, vũ khí… của ta đến nơi an toàn. Trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng ở khu tập thể Quân y 108, phường Vĩnh Tuy – Hà Nội, ông chậm rãi hồi tưởng lại những năm tháng chiến trường khốc liệt: “Kỷ niệm cảm động nhất đối với tôi là lần mở tuyến đường ống xăng dầu, các chiến sĩ của tiểu đoàn lái xe đều được điều động. Xe tôi lái là xe Zil 157 hay còn có tên gọi khác: Zil “ba cầu”, ống dẫn dầu dài 6m nhưng thùng xe chỉ có 4m, đường bị bom đánh vốn đã gập ghềnh khó đi, hàng lại vướng víu… chính lúc đó xe bị bom tọa độ đánh trúng, cả người và xe đều lộn xuống vực Xeng Phan. Sau đó tôi được anh em công binh đưa về dưỡng thương, khi tỉnh lại cảm giác vừa vui mừng vì qua cơn nguy hiểm, vừa cảm động bởi nghĩa tình đồng đội". Đáng nhớ nữa, có lần bị tắc dọc đường, đang giấu xe tránh vào hang thì có người em họ nhận ra giọng anh trong đêm tối, chạy đến ôm chầm lấy và khóc: “Anh sao không viết thư về, ở nhà cứ đồn là anh đã hy sinh!”. Nhưng thực ra, thư của ông đều bị thất lạc. Thực tế từ những hành động phi thường của anh hùng Đỗ Văn Chiến và đồng đội đã khiến Phạm Tiến Duật xúc động viết nên bài thơ về Tiểu đội xe không kính, nhiều vần thơ lay động đến hôm nay: “Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước: Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Ngày 22-12-1969, ông Đỗ Văn Chiến đón nhận danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân. Sau khi về hưu với quân hàm đại tá, ông lại được giới thiệu giữ chức Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban đoàn kết công giáo Việt Nam, Ủy viên Trung ương Hội CCB Việt Nam khóa II và III... Không có nhiều điều kiện về thăm quê hương, hằng tuần ông vẫn đều đặn đi lễ ở nhà thờ Thái Hà. Cuộc đời cứ thế bình lặng trôi đi trong căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng, ngày ngày vẫn vui vẻ với nhiệm vụ người “dân phòng tự phong” giữ gìn trật tự an ninh cho bà con khu phố. Ông cười: “Có lẽ cái chất lính nó đã ngấm vào trong con người tôi.” Nguyễn Thị Hạnh

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/6/66/66/113493/Default.aspx