Người anh hùng làng rối

Màn rối Đốt pháo bật cờ của phường rối làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội khai mạc đêm diễn sôi động với hình tượng nhân vật Bá Khí giáo trò đại diện chung cho người nông dân hai miền Nam, Bắc.

Màn rối Đốt pháo bật cờ của phường rối làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội khai mạc đêm diễn sôi động với hình tượng nhân vật Bá Khí giáo trò đại diện chung cho người nông dân hai miền Nam, Bắc. Dầm mình trong nước lạnh, những nghệ nhân của làng miệt mài đưa sào đẩy rối, khớp lời cho rối và đàn sáo rộn ràng. Để có được một phường rối nức tiếng trong và ngoài nước như ngày hôm nay là một hành trình dài của người Đào Thục, trong đó có vai trò quan trọng của lão nghệ nhân, Anh hùng Lực lượng vũ trang Đinh Thế Văn.

Chiến công xưa sống động chốn ao làng

Tiếng loa bật lớn giọng báo động quen thuộc “Đồng bào chú ý, máy bay địch đang tiến về Hà Nội...”. Trên sân khấu mặt nước, những chiếc máy bay rối được điều khiển bằng dây rối bởi các nghệ nhân phía sau hậu đài bay lượn trên mặt nước cùng với âm thanh gầm thét biểu trưng cho những chiếc B52 quần đảo trên bầu trời Hà Nội. Trên mặt nước, các con rối trong vai các chiến sĩ dân quân tự vệ, bộ đội tên lửa chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Từ mặt nước, một “quả tên lửa” rối vút lên bắn trúng chiếc B52. Khán giả vỗ tay hò reo khi rối ta bắn trúng rối địch.

Nghệ nhân Đinh Thế Văn.

Sau hậu đài, sẽ khó có thể đoán được rằng, ông lão đã bước sang tuổi 83 có dáng người gầy mảnh, ánh mắt tinh anh đang sì sụp dưới nước cùng hàng chục con rối kia là người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Bộ đội tên lửa anh hùng đã cùng đồng đội và quân dân Hà Nội làm nên chiến thắng B52 lịch sử trên bầu trời Hà Nội. Giờ đây, ông đang cùng các nghệ nhân làng rối Đào Thục kể lại câu chuyện của chính mình cùng đồng đội cách đây 42 năm. Anh Ba Khí (tên con rối) của làng rối Đào Thục lúc này đây đang trong vai anh bộ đội tên lửa của Tiểu đoàn 77 đóng quân trên trận địa Chèm với nhiệm vụ đón đánh máy bay Mỹ từ hướng Tây Bắc. Chúng tôi thực sự rất thú vị vì màn diễn của các nghệ nhân trong làng đã thay cho những bài học lịch sử khô khan, thay cho những thước phim quá đỗi khốc liệt của sự thật để đi vào tiềm thức của những em thơ, những vị khách nước ngoài một cách đáng yêu và rất đỗi tự hào.

Để đánh thắng B52, đối với các chiến sĩ không quân nói chung và Tiểu đoàn 77 Bộ đội tên lửa nói riêng, vấn đề nghiên cứu nhiễu trở thành trọng tâm, là yếu tố quyết định thành bại. Các trắc thủ được huấn luyện kỹ lưỡng cách xác định giải nhiễu của B52 như: cường độ sáng của nhiễu rực hơn các loại khác, chúng cũng có độ mịn và rộng hơn, giải nhiễu ổn định chứ không lật trái, lật phải, bổ nhào như các loại nhiễu khác. Toàn binh chủng luyện tập không ngừng nghỉ suốt ngày đêm với quyết tâm “hạ gục” pháo đài bay của không lực Mỹ ngay trên bầu trời Thủ đô.

Đại tá Đinh Thế Văn nhớ lại: “Hồi ấy chúng tôi hồi hộp vô cùng. Tim như muốn vỡ ra khi nghe còi báo động vang lên và tiếng của những chàng trắc thủ báo cáo về tọa độ của từng tốp B52 lừ lừ tiến vào Hà Nội. Chúng tôi như những cậu học trò bước vào phòng thi, dù “ôn tập” đã khá nhuần nhuyễn và tự tin, song thật khó để biết rằng “đề thi” ấy liệu chúng tôi có giải được không? Và rồi, từng “bài toán” một, chúng tôi lần lượt tìm ra đáp số”.

“Đánh theo cách của Văn” - Bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân có một cuốn sổ ghi lại cách đánh B52 của quân dân ta trên mọi mặt trận, trong đó có 4 trang tường thuật lại cách đánh độc đáo này. So với cách đánh “bắn ba điểm” được huấn luyện kỹ lưỡng, cách đánh “vượt nửa góc” do Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn chỉ đạo anh em thực hiện nguy hiểm hơn rất nhiều do máy bay địch có thể dùng tên lửa tấn công trận địa nếu ta không tắt sóng ra-đa kịp thời, đòi hỏi các trắc thủ phải thao tác nhanh gọn, dứt điểm, có sự phối hợp đồng bộ và trên hết là phải có lòng dũng cảm.

Ngày ấy, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng lẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại trận địa Chèm của Đinh Thế Văn ngay khi khói bom vừa dứt để nghe vị Tiểu đoàn trưởng này báo cáo cách đánh B52 khá kỳ lạ ấy. Với thành tích này, Tiểu đoàn 77 trở thành một trong hai đơn vị phòng không bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất của quân chủng và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng. Đại tá Đinh Thế Văn cũng đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và trở thành Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 Bộ đội tên lửa khi vừa mới ngoài ba mươi.

Tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn (đội mũ) đang thuyết minh cách đánh B.52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Tư liệu gia đình ông Đinh Thế Văn

Thắng giặc trời về giữ hồn quê

Chiến công năm xưa đi vào sử sách, đi vào trò rối rộn rã chốn quê nghèo. Trong căn nhà giản dị của người cựu chiến binh Đinh Thế Văn nằm nép mình bên dòng sông Cà Lồ mướt mát đôi bờ hoa trái, những câu chuyện về đời quân ngũ đáng tự hào của một người lính “súng gươm vất bỏ lại hiền như xưa” mở dần từng năm tháng xen giữa vị ngọt bùi của ngô đồng mới trảy. Hóa ra “lão chiến sĩ” kiêm “lão nghệ nhân” của làng Đào Thục bình dị này từng theo hai anh tham gia kháng chiến chống Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ từ năm 16 tuổi.

Nhắc đến ký ức một thời, bác Đinh Thế Văn khẽ khàng đứng dậy thắp nén hương thơm trên bàn thờ cha mình là cụ Đinh Văn Viết - một nghệ nhân rối nước có tiếng của làng Đào Thục. Bác kể rằng: “Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, bố tôi rưng rưng đón ba đứa con trai trong đoàn quân thắng trận trở về. Ông mừng tủi dự liệu rồi đây tôi sẽ theo ông ra đình diễn rối nước, kế thừa nghề tổ của tiền nhân Đào Thục để lại. Và bố tôi cũng đã bắt đầu truyền dạy những lòng bản của nghề cho con trai. Nhưng khi kháng chiến chống Mỹ nổ ra, chính bố tôi lại động viên con tiếp tục đường binh nghiệp”.

Nhưng phải đến hơn 40 năm sau, mong muốn của người cha mới được thực hiện. Khi Đại tá Đinh Thế Văn nghỉ hưu. Bàn tay cầm súng bao năm giờ đây lại bắt đầu làm quen với những con rối quê mình. Đã có rất nhiều khó khăn mà bác Đinh Thế Văn cùng các nghệ nhân của làng đã phải trải qua. Từ việc sưu tập lại những bộ rối nước đã lâu không sử dụng để phục chế, tái tạo con rối mới đến việc quyên góp kinh phí để tu sửa lại thủy đình, nạo vét ao để làm sân khấu. Tiếp đó là cùng nhau ngồi bàn bạc, nhớ lại những tích trò xưa của các cụ từ kịch bản đến điệu bộ, nét mặt, lời thoại của các con rối... Rồi kỹ thuật điều khiển rối bằng sào của Đào Thục cũng đặc biệt khó, đòi hỏi nghệ nhân phải có giữ được con rối thăng bằng trong nước nhưng vẫn phải rất có hồn và linh hoạt.

Các nghệ nhân làng rối Đào Thục biểu diễn phục vụ khán giả tại thủy đình làng mình.

Đưa chúng tôi đi thăm thôn Đào Thục, Đại tá Đinh Thế Văn như trẻ lại. Các di tích của làng, cây đa, bến nước còn nguyên vẹn dáng cổ xưa. Thủy đình của làng khang trang, có thể biểu diễn bất cứ lúc nào, đền thờ tổ nghề cũng được phục chế lại để dân làng chiêm bái. Những nghệ sĩ nông dân của làng rối Đào Thục có truyền thống hơn 300 năm, bằng tình yêu quê hương của mình đã tạo nên bệ phóng để đưa cái tên rối nước Đào Thục vượt thoát ra khỏi ao làng, khỏi sự mai một trong thời buổi kinh tế khó khăn.

Điều đáng trân trọng là làng rối Đào Thục với sự góp mặt của bác Đinh Thế Văn đã có nhiều thế hệ kế cận thứ hai, rồi thứ ba. Lưng vốn của Đào Thục hiện nay là hơn 20 nghệ sĩ nông dân, ngày làm kinh tế, tối dầm mình trong nước lạnh thủy đình. Là 30 tích trò có dấu ấn riêng biệt, không trộn lẫn với các phường rối khác như Ba khí giáo trò, Lên võng xuống nước, Trâu chui ống, Phùng đánh hổ, Dệt cửi... và các các tích trò mới được tập thể giáo phường dàn dựng như Tặng hoa ngày hội, Rước ảnh Bác Hồ, Hà Nội 12 ngày đêm...

Ông Phạm Minh Huỳnh - Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội UBND xã Thụy Lâm cho biết: “Lãnh đạo xã Thụy Lâm rất trân trọng những đóng góp của làng rối Đào Thục trong việc bảo tồn, lưu giữ vốn cổ và phát huy các giá trị văn hóa ấy vào cuộc sống, mang lại nguồn thu nhập cho các nghệ nhân cũng như định đanh cho làng, xã. Trong đó có vai trò quan trọng cùng tâm huyết của bác Đinh Thế Văn trong việc cùng chính quyền và nhân dân địa phương khôi phục nghề tổ, để hôm nay rối nước Đào Thục có được diện mạo mới cùng những tiềm năng phát triển vượt trội giữa bối cảnh nhiều làng nghề rối trong cả nước bị sa sút và mất nghề”.

Năm 2013, khi đã vào tuổi xưa nay hiếm, Đại tá Đinh Thế Văn được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì những đóng góp của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Không lâu sau, ghi nhận công lao của ông với văn hóa nghệ thuật dân tộc, Hội đồng Giải thưởng Đào Tấn đã quyết định trao tặng giải thưởng cao quý này cho ông đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân và 41 năm Ngày Chiến thắng B52.

Nhìn những chú rối đeo khăn quàng đỏ rước ảnh Bác Hồ, nhìn ánh mắt say sưa dõi theo các tích trò của các em học sinh, để thấy sự khổ luyện của những nghệ nhân Đào Thục đã và đang đem lại một cách nhìn mới về người nông dân đồng bằng Bắc Bộ, về văn hóa làng xã và nghệ thuật truyền thống. Những con rối vốn vô tri đã trở thành những diễn giả rất có duyên, kể cho bạn bè muôn phương những câu chuyện quê mình và người dân quê mình với tràn đầy lòng tự hào dân tộc.

Phạm Vân

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nguoi-anh-hung-lang-roi-n129267.html