Người bảo vệ Bác Hồ thăm đền Hùng trước ngày tiếp quản Thủ đô

Đại tá Tống Xuân Đài kể rằng ông chính là người nhặt một mẩu gạch non, khoanh một vòng tròn rồi thưa với Bác: "Thưa Bác, chúng cháu ngồi xung quanh Bác như thế này ạ".

Trong kí ức tuổi thơ tôi, lời dạy của Bác Hồ "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" và bức ảnh Người nói chuyện với Sư đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Hùng trước khi về tiếp quản Thủ đô năm 1954, đã khắc sâu vào tâm trí. Lớn lên, mỗi lần được đi thăm Đền Hùng, lúc dừng chân tại Đền Giếng, tôi lại bâng khuâng mường tượng nơi Bác ngồi trên bậu cửa, xung quanh là những đại diện ưu tú của Quân đội nhân dân anh hùng... Đầu Xuân Canh Dần trong lần vào thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch tại Hà Nội, tôi ngẫu nhiên gặp một cựu sĩ quan quân đội, là nhân chứng trong đoàn quân quây quần bên Bác tại Đền Hùng. Ông giới thiệu đầy tự hào: "Tôi là người đã trực tiếp bảo vệ Bác Hồ khi Bác thăm Đền Hùng 56 năm về trước và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 (Quân Tiên Phong) trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội"... Đúng hẹn, tôi đến thăm Đại tá Tống Xuân Đài tại nhà riêng - một ngôi nhà đẹp, ấm cúng nằm trong ngõ nhỏ của phố "Nhà binh" Lý Nam Đế - Hà Nội. Với tác phong nhanh nhẹn, quy củ của một cựu chiến binh, ông đã chuẩn bị những tư liệu cần thiết giúp tôi. Tôi ngạc nhiên bởi ngoài những bức ảnh được chụp cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người thăm Đền Hùng và nói chuyện với bộ đội, ông Đài còn rất nhiều ảnh khi tháp tùng, bảo vệ Hồ Chủ tịch thăm các đơn vị quân đội những năm sau đó. Nhiều bức ảnh rất có giá trị, rất đẹp lần đầu tiên tôi được xem - dù tôi là người luôn chú ý tìm hiểu, sưu tầm tư liệu và đã viết khá nhiều bài về Bác Hồ và công tác bảo vệ Bác. Ông Tống Xuân Đài (thứ 2 bên phải) tại Đền Giếng, nơi đặt bia đá ghi lại sự kiện Bác Hồ huấn thị “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Quê ở Phù Cừ - Hưng Yên, năm 1940, mới hơn 10 tuổi, cậu bé Đài rời quê lên Hà Nội kiếm sống. Cũng như nhiều thanh niên khác, Tống Xuân Đài sớm đến với cách mạng; là tự vệ thành Hoàng Diệu, tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô trong đội ngũ Trung đoàn 66 do đồng chí Phùng Thế Tài phụ trách... Được tôi luyện, trưởng thành trong chiến đấu, đến tháng 3/1954, ông được cử đi học lớp nghiệp vụ bảo vệ do Cục Bảo vệ - Tổng cục Chính trị tổ chức tại Việt Bắc. Hơn nửa thế kỉ đã qua, Đại tá Tống Xuân Đài vẫn nhớ như in thời khắc được bảo vệ Bác Hồ thăm Đền Hùng, trên đường từ Việt Bắc về Hà Nội. Đôi mắt ông như sáng lên khi những dòng kí ức trở lại: "Trung tuần tháng 9/1954, anh Lại Xuân Thát - chính trị viên tiểu đoàn 254 - Bộ Tư lệnh 350, và tôi được gọi lên giao nhiệm vụ. Sau khi có giấy công lệnh, chúng tôi được sử dụng một chiếc xe Zeep chiến lợi phẩm, triệu tập 4 đồng chí nữa đến bến phà Bình Ca và Đoan Hùng tìm một chiếc phà loại tốt, đợi sẵn phía bờ Tuyên Quang để đón đoàn thượng cấp. Chúng tôi quy ước, khi thấy đoàn xe ôtô, chiếc đi đầu có đồng chí Thanh Quảng (tức Nguyễn Văn Thanh, từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình được điều động làm Phó Văn phòng Tổng Quân ủy) thì đưa cả đoàn xuống phà, qua sông ngay rồi di chuyển đến Đền Hùng. Ngày 18/9/1954, mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng chúng tôi chờ mãi đến xẩm tối vẫn không thấy đoàn xe có anh Thanh Quảng xuất hiện, dù đã có nhiều xe qua phà. Vừa sốt ruột, vừa lo lắng, tôi và anh Thát bổ đi tìm. Thấy phía chân đồi có ánh đèn (sáng hôm sau tôi mới biết đây là Đền Giếng), chúng tôi tiến lại thì bất ngờ nhận ra anh Thanh Quảng. Anh đi nhanh ra ngoài, ngăn chúng tôi lại và bảo: "Khách" đến rồi, đang ở trong đền. Các anh về nghỉ, sáng mai đưa bộ đội vào sớm". Vậy tối hôm đó thì bộ đội tập kết ở đâu? - Tôi hỏi Đại tá Đài. "Bộ đội vào nhà dân quanh vùng xin nghỉ nhờ. Do làm tốt dân vận, hơn nữa khí thế chiến thắng của Điện Biên Phủ làm nức lòng nhân dân cả nước, nên bà con rất thương bộ đội Cụ Hồ". Đại tá Đài kể tiếp: Sớm hôm sau, tầm gần 7h thì tôi và anh Thát trở lại Đền Giếng. Bác Hồ nói chuyện với cán bộ chiến sĩ Sư đoàn Quân Tiên Phong tại Đền Hùng, ngày 19/9/1954. Vào đến sân đền, chúng tôi thấy Bác đang ung dung ngồi trên bậc thềm ngắm cảnh thiên nhiên mùa thu của vùng Trung du buổi ban mai. Bác mặc bộ đồ gụ, bên ngoài khoác chiếc áo đại cán. Hai anh em mừng rỡ, lại gần chào Bác theo đúng quân lệnh. Bác gật đầu chào lại rồi hỏi: "Bộ đội đã ăn sáng chưa?". Tôi chưa kịp trả lời thì anh Thát lại cuống, líu ríu: "Dạ thưa Bác, tối qua...". Bác nhìn anh Thát, cười độ lượng rồi phê bình: "Bác hỏi chú bộ đội đã ăn sáng chưa, chứ không hỏi chú tối hôm qua"... Sau khi nghe chúng tôi báo cáo cụ thể tình hình bộ đội, Bác nói: "Sáng rồi, các chú còn nhiều việc phải chuẩn bị. Bây giờ, các chú mời bộ đội đến đây để Bác nói chuyện". Theo trí nhớ của Đại tá Tống Xuân Đài, tham gia sự kiện này, có khoảng 80 cán bộ từ cấp đại đội trở lên, đại diện cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308. Lúc 7h15' ngày 19/9, các đại biểu có mặt đông đủ tại sân đền. "Do sân hẹp, cán bộ, chiến sĩ đều mải ngắm Bác nên chúng tôi chưa biết tập hợp đội hình thế nào để mọi người ổn định, nghe Bác nói chuyện. Tôi bèn nhặt một mẩu gạch non, khoanh một vòng tròn rồi thưa với Bác: "Thưa Bác, chúng cháu ngồi xung quanh Bác như thế này ạ". Bác quan sát, rồi gật đầu đồng ý và giơ tay ra hiệu cho bộ đội ngồi xuống các bậc thềm dẫn từ sân lên cửa Đền. Bác ngồi trên bậu cửa đền; đồng chí Vũ Yên - Tham mưu trưởng ngồi ở bậc thềm chính diện trông lên Bác. Bác quay sang bảo đồng chí Song Hào - Chính ủy Đại đoàn 308: "Chú ngồi đây (mặt hè bên phải Bác, còn chú Quảng ngồi đây (mặt hè bên trái Bác)". Sau khi bộ đội ổn định chỗ ngồi, Bác chỉ vào tôi, nói: "Còn chú, chú ngồi chỗ kia (bậc thềm thứ hai từ mặt hè xuống, phía bên phải đồng chí Song Hào". Hồ Chủ tịch đã mở đầu buổi nói chuyện với bộ đội bằng câu hỏi: "Các chú có biết đây là đâu không"? Có nhiều đồng chí nhanh nhẹn trả lời: "Thưa Bác, đây là Đền Hùng ạ. Đây là nơi thờ Hùng Vương ạ!". Bác lại hỏi tiếp: "Hùng Vương là người như thế nào với nước ta". Lặng đi một lát chưa có ai trả lời, đồng chí Vũ Yên đứng dậy: "Thưa Bác, ngày xưa...". Bác giơ tay ra hiệu cho đồng chí Vũ Yên ngồi xuống rồi nói: "Đúng đây là Đền Hùng, thờ các Vua Hùng. Hùng Vương là người đã sáng lập ra nước ta, là tổ tiên của dân tộc ta. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!"... Tiếp đó, Bác căn dặn: Hơn 8 năm gian khổ chiến đấu, được nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, bộ đội và dân quân du kích dũng cảm đánh giặc; ta đã giành thắng lợi, buộc quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc nước ta. Ta có nhiệm vụ về tiếp quản Hà Nội, thủ đô của cả nước và những thành phố khác nữa. Nhiều năm các chú ở nông thôn và rừng núi, nay về thành phố nơi tạm chiếm của địch, đồng bào đã nhiều năm bị địch hành hạ, cưỡng bức, rất khổ, có người bị địch bắt buộc hoặc vì cuộc sống phải làm việc cho địch... Khi vào tiếp quản đóng quân trong thành phố, các chú phải: Gần gũi, tôn trọng dân, làm tốt công tác dân vận; giải thích cho đồng bào hiểu chủ trương, chính sách của Chính phủ. Không được coi những người dân sống trong vùng địch tạm chiếm là đi theo địch mà xa lánh họ... Bác căn dặn kĩ cả việc sinh hoạt, sử dụng điện, nước máy tại đô thị; việc học tập chính trị, tuần tra canh gác... Sau dòng hồi tưởng, ông Đài xúc động kể tiếp: "Khoảng gần 9h sáng, buổi nói chuyện của Bác với bộ đội kết thúc. Anh em bộ đội ra về và luôn ghi lòng tạc dạ lời dạy bảo sâu sắc của Hồ Chủ tịch, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân, vị lãnh tụ tối cao của dân tộc. Mấy anh em Cảnh vệ Quân đội chúng tôi và Cảnh vệ Công an cùng tháp tùng Bác rời khỏi Đền Giếng. Quãng đường từ đền ra đường cái, một đồng chí cận vệ đi trước, dẫn đường. Bác đi thứ hai, còn tôi đi ngay sau Bác. Bác đội mũ cát và dùng một chiếc khăn che chòm râu dài. Tới điểm ôtô đỗ, chúng tôi từ biệt Bác và đứng lặng nhìn theo cho đến khi chiếc xe khuất hẳn". Tìm trong tập tài liệu, Đại tá Tống Xuân Đài đưa cho tôi xem một cuốn họa báo Trung Quốc đã ngả màu vàng, xuất bản năm 1957 tại Bắc Kinh... Đôi mắt ông đầy hoài niệm: "Khi Bác nói chuyện với bộ đội, tôi không biết là có người chụp ảnh. Sau khi về tiếp quản Thủ đô, tôi được cử sang Trung Quốc học tập. Trong một lần đến thăm Sứ quán ta, tôi được Đại sứ Nguyễn Khang cho xem một số tài liệu. Lần giở cuốn họa báo này, tôi ngạc nhiên khi thấy bức ảnh lịch sử, thấy mình trong ảnh. Anh Nguyễn Khang cũng ngạc nhiên không kém và đồng ý tặng tôi cuốn họa báo này!". Sau khi về nước, ông Đài tiếp tục công tác trong lực lượng Cảnh vệ Quân đội. Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông là Phó, rồi Trưởng phòng Cảnh vệ (Phòng 45) - Cục Bảo vệ Quân đội, Bộ Quốc phòng. Ông Đài đã vinh dự nhiều lần bảo vệ Bác Hồ thăm các đơn vị quân đội, thị sát các trận địa phòng không, không quân. "Hồi đó, việc bảo vệ Bác chủ yếu do Cảnh vệ Công an. Nhưng khi Bác đi thăm các đơn vị Quân đội thì bên Cảnh vệ Quân đội chúng tôi đảm nhiệm với sự phối hợp của Cảnh vệ Công an. Chúng tôi và các anh Hoàng Hữu Kháng, Phan Văn Xoàn... bên Cảnh vệ Công an quý nhau lắm, thường xuyên gặp gỡ, phối hợp". Sau khi nghỉ hưu, Đại tá Tống Xuân Đài là một thành viên tích cực của "Hội cựu sỹ quan cận vệ Bác Hồ và các đồng chí Bộ Chính trị tiền bối". Đây là một tổ chức được thành lập năm 2001 theo ý tưởng của Thượng tướng Phùng Thế Tài (người từng bảo vệ Bác Hồ trước năm 1940 tại Trung Quốc) và được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tên. Thành viên của Hội là các cựu sĩ quan Cảnh vệ Công an và Quân đội.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/4/129326.cand