Người biến phế thải thành “vàng”

(VOV) - Nói đến phế thải, người ta nghĩ ngay đến những thứ vô dụng vứt đi. Vậy mà có một người đàn ông đã biến những thứ bỏ đi đó thành “vàng”

Không chỉ giúp bản thân thoát nghèo mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động trong xã. Ông là “vua gạch phế thải” Trần Văn Ký ở làng Xuôi Ngành, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. “Chỉ vì thấy tiếc!” Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang vào bậc nhất nhì của làng, ông Ký vui vẻ kể về những ngày đầu khởi nghiệp của mình. Năm 1971, chàng trai trẻ Trần Văn Ký lên đường nhập ngũ khi mới tròn 19 tuổi. Hòa bình lập lại, ông theo học ngành cơ khí rồi xin vào làm công nhân tại Nhà máy gạch ốp lát Vĩnh Phúc (nay là Nhà máy gạch ốp lát Prime) với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Hằng ngày, thấy công nhân nhà máy đem rất nhiều gạch ốp lát phế liệu đổ ra bãi rác, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí, ông thấy tiếc đứt ruột, nhiều đêm về không ngủ được, ông cứ trằn trọc mãi. Thế rồi một ý tưởng lóe lên trong đầu ông: “Những viên gạch kia chỉ sứt có tí góc, cắt ra làm gạch 20cm, 30cm vẫn sử dụng tốt. Tại sao lại bỏ đi lãng phí như vậy?”. Mấy hôm sau, những người làm việc trong công ty kháo nhau việc ông Ký xin ban giám đốc cho mua chịu đống phế thải ngoài bãi rác rồi trừ dần vào lương của ông. Ai cũng cho ông là “khùng”, là “dỗi hơi” đi mua những thứ người ta muốn vứt đi chẳng được. Với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng, ông Ký thuê người ra thu gom những viên gạch còn sử dụng được đem về xếp cẩn thận thành từng kiêu. Tiếp đến, ông đầu tư mua máy cắt gạch, máy mài rồi thuê 18 công nhân về làm việc. Dưới bàn tay của người thợ, những viên gạch 40cm sứt mẻ nhanh chóng biến thành những viên gạch 20cm, 30cm vuông thành sắc cạnh. Sau đó, ông đem bán sản phẩm này cho bà con nghèo với giá thành chỉ bằng một nửa so với ngoài thị trường. Ông Ký cho biết, làm ra gạch đẹp, giá thành lại rẻ nhưng việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Vậy là ông lại khăn gói đi khảo sát thị trường để giới thiệu sản phẩm. Ông len lỏi tới từng nhà có ý định lát nền, ốp tường để chào hàng. “Lúc đầu, để tạo lòng tin cho khách hàng, tôi cam đoan với chủ nhà nếu đẹp thì mới lấy tiền và bảo họ mời cả làng tới xem. Không ưng ý thì tôi biếu không số gạch đó” - ông Ký cười vui vẻ khi nhớ lại chiêu quảng cáo của mình. Tiếng lành đồn xa, gạch của ông Ký đắt như tôm tươi, liên tục có đơn đặt hàng. Dần dà, gạch của ông có mặt khắp tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương… thậm chí cả thị trường khó tính như Hà Nội. Có tháng, ông đưa ra thị trường hàng vạn mét vuông gạch ốp lát giá rẻ. Trừ hết chi phí, công thợ, mỗi năm ông thu lãi hàng trăm triệu đồng. Dựng cơ nghiệp nhờ phế thải Có được một số vốn kha khá, ông Ký cho nâng đời ngôi nhà cấp 4 của mình thành ngôi biệt thự có giá trị hơn ba tỷ đồng. Điều đặc biệt là ngôi nhà “có một không hai” này sử dụng toàn bộ gạch ốp lát từ gạch phế thải của nhà máy. Ông Ký giải thích, nếu mua từng này gạch ở ngoài thị trường thì tốn cả trăm triệu đồng, nhưng nhờ sử dụng từ gạch phế thải, ông chỉ mất có vài chục triệu đồng. Năm 2007, di chứng chiến tranh lại hành hạ khiến ông Ký phải điều trị ở bệnh viện mất hơn bốn tháng trời. Xuất viện trở về, do sức khỏe yếu nên thi thoảng ông mới nhận “thầu gạch phế thải”. Nhưng không chịu nghỉ ngơi, ông tiếp tục bắt tay vào công việc mới. Thấy khu hồ gần nhà bỏ hoang lãng phí, ông đấu thầu 1,2ha mặt nước của xã để thả cá kết hợp với chăn nuôi. Hiện nay, trang trại của ông có tới 2.000 gà mái đẻ, mỗi ngày thu hoạch 1.800 quả trứng, ao cá thu hoạch mỗi năm trên 4 tấn cá thương phẩm cung cấp cho thị trường. Ông tâm sự: “Ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì đang làm gạch lại chuyển sang mô hình VAC, mấy tháng đầu, tôi phải lặn lội đi khắp các tỉnh lân cận để tham quan, học hỏi kinh nghiệm về áp dụng cho trang trại của mình”. Để có được một cơ ngơi như ngày hôm nay, ông Ký phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng đầu tư cơ sở hạ tầng. Trận lụt kỉ lục cuối tháng 10/2008, cá của ông đi mất hơn nửa, nhưng ông vẫn không nản lòng. Sắp tới, ông dự định đầu tư khoảng 300 triệu đồng mở rộng trang trại gấp 2 - 3 lần nhằm tạo công ăn việc làm cho bà con. Nhiều người trong vùng đến học hỏi và làm theo mô hình của ông, được ông tận tình giúp đỡ nên rất nhiều gia đình đã thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Với phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ “Thắng không kiêu, bại không nản”, người cựu chiến binh Trần Văn Ký xứng đáng là một tấm gương về làm kinh tế. Chia tay người lính già vui tính, chúng tôi vẫn nhớ mãi câu nói của ông: “Cái gì còn sử dụng được thì hãy sử dụng, đừng nên bỏ phí”./. Nguyễn Huân (Báo TNVN)

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/nguoi-bien-phe-thai-thanh-vang/200910/124354.vov