Người chiến sĩ quyết tử năm xưa

Chúng tôi tìm đến nhà riêng của Đại tá Nguyễn Trọng Hàm- nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ Đô (nay là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) đã vào tuổi 96 nhưng ông còn rất minh mẫn. Trong căn phòng đầy ắp kỷ niệm của những ngày toàn quốc kháng chiến, người chiến sĩ quyết tử năm xưa bồi hồi ôn lại những kỉ niệm không bao giờ quên.

Đại tá Nguyễn Trọng Hàm.

Ông kể: Năm 1944, tôi tham gia cách mạng và hoạt động trong Đội danh dự Việt Minh. Cách mạng Tháng Tám thành công, những người dân Hà Nội như chúng tôi chưa kịp mừng vì nước nhà độc lập thì đất nước lại đứng trước bao khó khăn, thách thức.

Mùa đông năm 1946, thực dân Pháp phản lại Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Thỏa ước 19/4/1946, tấn công Đà Nẵng, Hải Phòng, Lạng Sơn và gây hấn ở Hà Nội. Khoảng 20h03 phút ngày 19/12/1946, đèn điện Hà Nội phụt tắt. Đại bác từ pháo đài Láng gầm lên, bắn những phát đầu tiên vào quân địch tập trung trong thành cổ. Thủ đô Hà Nội rền vang tiếng súng, mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược...

Trước sức chiến đấu ngoan cường của quân, dân Thủ đô, Thực dân Pháp điên cuồng dùng hỏa lực, pháo binh, không quân tàn phá một góc phố cổ. Thế nhưng, quân ta lại lập tức lấy đó làm giá súng chống trả lại. Những cuộc chiến giành giật, giằng co từng căn nhà, góc phố diễn ra liên tục quyết liệt trong nhiều ngày liền. Có thể nói, vào thời điểm đó, khắp 36 phố phường như một chiến trường mà ta chiếm thế chủ động, chặn đứng bất cứ mũi tấn công nào của địch.

“Tôi không thể quên được buổi lễ được tổ chức để các chiến sĩ thề quyết tử”- ông kể. “Khi nhận được lệnh: “Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, ngày 14/1/1947, tại Rạp Tố Như (ở 72 phố Hàng Bạc) những người con sống chết với Thủ đô đã tề tựu. Trong ánh nến, không khí thiêng liêng, ai nấy đều xúc động. Đồng chí Vũ Lăng, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 103 thay mặt trung đoàn đọc thư Bác, anh em đồng thanh hô: “Xin thề!” Ai cũng cảm thấy vinh dự khi được Bác giao nhiệm vụ và sẵn sàng hy sinh”.

Với Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, có một kỷ niệm nữa ông không thể nào quên, đó là để khắc phục tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, đồng thời bảo toàn lực lượng, Trung đoàn Thủ đô được giao nhiệm vụ chỉ để lại 500 người phòng thủ ở nội thành, còn lại phải rút ra ngoài. Vậy nhưng điểm lại quân số sau khi một lực lượng rút đi thì thấy có tới 1.200 người, do nhiều người tự động ở lại để được tiếp tục chiến đấu, quyết không rời trận tuyến. “Đây là minh chứng sinh động về tinh thần “sống chết với Thủ đô” của quân và dân Thủ đô”- ông Hàm nói.

Ông Nguyễn Trọng Hàm kể, sau trận đánh ở khu Đồng Xuân, đêm 17/2/1947, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chuyển lời khen ngợi của Bác Hồ đến quân và dân Thủ đô rằng: “Các chú giam chân địch một tháng là thắng lợi. Đến nay giữ Hà Nội được hai tháng là đại thắng lợi”. Đại tướng lệnh cho Trung đoàn Thủ Đô rút lui để bảo toàn lực lượng.

“Trước mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, những người lính chúng tôi không thể không phục tùng. Tuy nhiên, hầu hết chiến sĩ cảm tử ngạc nhiên. Bởi vẫn còn đó lời thề quyết tử. Họ sẽ sống chết để bảo vệ Thủ đô”- Đại tá Nguyễn Trọng Hàm nhớ lại. “Bác giao nhiệm vụ kìm chân địch chứ không phải là cố thủ, phải bảo toàn lực lượng đã được tôi rèn trong chiến đấu để trường kỳ kháng chiến, lúc đó anh em mới thông và quyết định thực hiện cuộc rút lui. Dù tạm biệt Hà Nội nhưng trong lòng mỗi người đều tin tưởng sẽ sớm trở về. Trước khi đi, chúng tôi lấy sơn, vôi viết lên các cánh cửa, tường nhà “Ra đi hẹn ngày về”- mắt ông Hàm sáng rực.

Cuộc rút lui diễn ra vào ngày đông giá. Đêm 17/2/1947, mưa phùn, gió bấc, 1.200 chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô lặng lẽ rút đi dọc bãi Phúc Xá lên Tứ Tổng, Tàm Xá, rồi chèo đò qua sông Hồng theo đường của Đội du kích Hồng Hà. Mấy chục chiếc thuyền tự vệ ngoại thành đưa chiến sĩ qua sông an toàn. Điều quân địch không thể ngờ được là lực lượng của ta còn lại lúc bấy giờ có thể rút êm khỏi vòng vây như gọng thép của chúng. Đến khi địch kinh ngạc phát hiện ra thì chiến trường đã im ắng, quân ta đã đến nơi an toàn.

Thế là Trung đoàn Thủ đô đã thực hiện cuộc rút quân thần kỳ khỏi Hà Nội cùng toàn dân bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Đại tá Nguyễn Trọng Hàm khẳng định: 60 ngày đêm máu lửa, kiên định, quyết tử bảo vệ Hà Nội là một khúc tráng ca lịch sử để 7 năm sau đoàn quân ấy chiến thắng trở về trên những phố xưa, đúng như lời hẹn thề trước lúc ra đi.

Lục Bình

Từ khóa

người chiến sĩ quyết tử năm xưa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/nguoi-chien-si-quyet-tu-nam-xua/141444