Người chiến thắng "thủy thần"

Nhìn xuống sông thì thấy vợ con đang chới với, không kịp cởi quần áo, giày dép Cường cứ thế lao xuống sông Đuống. Sau một vài sải bơi, anh đã ôm được cả hai mẹ con. Vừa bơi vừa kêu cứu, còn cách bờ chừng 10 mét thì có một gia đình làm thuyền chài ở đó nghe tiếng liền chèo ra, vớt được cả hai mẹ con. Cũng may, nhiều đồng nghiệp của anh Cường đi ngang qua, đưa hai mẹ con đi cấp cứu.

Nếu có một cuộc bầu chọn "người đàn ông của năm", thì rất có thể anh Nguyễn Thế Cường (Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) sẽ nhận được không ít phiếu. Một mình anh đã đưa được cả vợ và con vào bờ an toàn, sau khi bị rơi xuống giữa dòng sông Đuống từ khoảng cách hơn 20m! Hai cha con anh Cường bên căn nhà nhỏ. Thoát nạn một cách ngoạn mục Con ngõ nhỏ dẫn vào số nhà 18, tổ 1, Hà Huy Tập (Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội) hôm nay tấp nập hơn mọi ngày. Rất đông bà con lối xóm đến để chia vui với gia đình ông Nguyễn Văn Linh, bà Ngô Thị Thắng có con trai, con dâu và cháu nội vừa tai qua nạn khỏi. Trong ngôi nhà cấp bốn nho nhỏ mà hiếm khi thấy thiếu vắng tiếng cười ấy, bà Thắng lật đật chạy đi lấy ghế cho mọi người ngồi. Cháu Bảo Ngọc (cháu nội ông Linh) thì cứ chạy lon ta lon ton, chưa bao giờ cháu thấy nhà mình nhiều người đến thế. Ai cũng tranh nhau bế, hít hà, ôm ấp cô bé. Chỉ riêng chuyện bị rơi từ độ cao hơn 20m từ trên cầu xuống mặt sông, khi mà thời tiết đang ở độ rét đậm, rét hại mà bé Ngọc không khóc một tiếng cũng đáng để người ta khâm phục. Nghe cậu con trai gọi điện thoại báo về "nhà con đã tỉnh lại, đã ăn được bát cháo, chỉ bị gãy một xương sườn...", bà Thắng nhẹ nhàng thắp mấy nén nhang lên bàn thờ. Bà lầm rầm khấn vái cảm ơn các cụ đã phù hộ gia đình mình vượt qua tai ương đầu năm một cách kỳ diệu. Ông Linh nhớ lại, khoảng 16h30 ngày 15/2/2010 (tức mùng 2 tết Canh Dần), ông đang đèo bà đi chúc tết ông bà thông gia thì nhận được một cuộc điện thoại khiến ông rụng rời. Người ở đầu dây thông báo con trai, con dâu và cháu nội của ông vừa gặp tai nạn giao thông, bị rơi xuống cầu Đuống (Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội). Vội vàng quay xe, ông Linh nhằm hướng Yên Viên thẳng tiến. Gần tới cầu Đuống, ông đã thấy hàng trăm chiếc ôtô, xe máy xếp thành một hàng dài. Trên cầu, chiếc xe máy Wave đỏ mà con trai ông thường đi nằm chỏng gọng một chỗ. Một chiếc xe ôtô bị móp phần đầu nằm bên cạnh. Nhìn xuống dưới sông, tịnh không thấy một bóng chim tăm cá. Ông lặng lẽ đèo vợ về nhà, trong đầu đã chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất... Tới cổng, ông Linh thấy trong nhà, ngoài sân đang chật người. Thằng Cường, con trai ông đang quây quần với anh em, bạn bè cùng cơ quan. Nhưng không thấy con dâu và cháu nội đâu cả. Ông chưa kịp hỏi thì Cường đã nói, "vợ con và cháu đang ở trong bệnh viện. Lát ông bà cùng con qua thăm". Lúc ấy, dường như cả gánh nặng ngàn cân như được trút khỏi, ông Linh mới thở phào nhẹ nhõm. Trò chuyện với hai ông bà chủ nhà một lúc thì chúng tôi gặp được Cường, khi anh tạt qua nhà để lấy cháo mang cho chị Hạnh (vợ anh, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm). Trước yêu cầu của bà con, anh Cường một lần nữa kể lại cái thời khắc thập tử nhất sinh của cả gia đình. Đó là vào khoảng hơn 16h ngày 15/2, anh Cường đèo vợ, con định sang nhà ngoại chúc tết ở bên kia sông. Khi ấy trời khá rét. Anh Cường phải mặc tới ba chiếc áo, trong đó riêng chiếc áo khoác ngoài dày đến mấy lớp. Chị Hạnh trông người không được khỏe nên còn mặc nhiều áo hơn. Cháu Ngọc mới 16 tháng tuổi nên cũng được bọc một cách kỹ lưỡng. Khi đi tới giữa cầu, một luồng gió thổi bay chiếc mũ của bé Ngọc. Chị Hạnh bảo chồng đỗ xe để chị quay lại nhặt. Quan sát thấy trên cầu rất vắng người qua lại, anh Cường quay xe đồng thời bật đèn pha và xi nhan xin đi ngược 1 đoạn. Khi tới chỗ chiếc mũ rơi thì có vài chiếc ôtô đi tới. Chiếc xe đầu tránh qua được. Nhưng chiếc thứ hai có lẽ bị khuất nên đã đâm thẳng vào xe anh Cường. Cú đâm khiến anh ngã lăn ra đường. Lồm cồm bò dậy, Cường nhìn quanh mà... không thấy vợ con đâu. Hoảng hồn, anh nhìn xuống sông thì thấy cả hai mẹ con đang chới với. Không kịp cởi quần áo, giày dép Cường cứ thế lao xuống sông như một mũi tên bắn. Đang là mùa nước cạn nên khoảng cách từ mặt cầu tới mặt nước cao tới hơn 20 mét. Sau một vài sải bơi, anh đã ôm được cả hai mẹ con. Rất may cả hai vẫn nổi. Bên cạnh đó, khi chị Hạnh rơi xuống đã ôm chặt cháu Bảo Ngọc nên anh Cường có thể quờ một cái là được cả hai mẹ con. Tay phải nâng con gái khỏi mặt nước để cháu không bị ngạt, tay trái Cường dìu vợ vào bờ, anh chỉ bơi bằng chân. Bơi được thêm vài chục mét thì Cường thấy sức yếu dần. Anh ra sức hô to: "Ai cứu vợ con tôi với". Rất đông người tụ tập trên cầu, hai bên bờ sông nhưng không có ai nhảy xuống. Trong thời điểm thập tử nhất sinh ấy, chị Hạnh quay sang bảo chồng: "Thôi anh buông em ra, không thì chết cả ba mất". Vốn có kinh nghiệm cứu người chết đuối, Cường khẽ buông vợ ra. Vừa lúc chị Hạnh ngất đi, thế là anh lại vừa bơi vừa nắm tóc chị kéo chị vào. "Phải làm như thế mới cứu được các bác ạ. Chứ cô ấy mà cứ ôm chặt cháu thì có mà chết cả nút" - Cường phân trần. Vừa bơi vừa kêu cứu, còn cách bờ chừng 10 mét thì có một gia đình làm thuyền chài ở đó nghe tiếng liền chèo ra, vớt được cả hai mẹ con. Cũng rất may là có nhiều đồng nghiệp của anh Cường ở công ty vận tải đi ngang qua thấy vậy, liền đưa hai mẹ con đi cấp cứu. Anh Cường sau khi bơi vào bờ thì được đưa về nhà, thay quần áo và sưởi ấm. Tất cả sự việc chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút, song Cường thấy dài như cả một thế kỷ. Tới giờ anh vẫn không tin được là mình có thể cứu được cả vợ con, trong khi mà ba người vẫn xù xù quần áo. Cầu Đuống, nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông hy hữu. Chị Hạnh và cháu Ngọc sau khi được đưa vào bệnh viện đã được các bác sĩ tận tình chăm sóc. Cháu Ngọc chỉ bị ngâm trong nước lạnh một lúc nên ngay tối hôm ấy đã có thể về với ông bà. Chị Hạnh sau khi chiếu chụp cũng chỉ bị gãy một chiếc xương sườn. Tới thời điểm này chị đã tỉnh và đã ăn được cháo. "Dù không phải là vợ con thì tôi vẫn cứu thôi!" Có thể nói, sự việc anh Cường cứu được cả vợ con sau khi rơi từ cầu Đuống xuống dưới sông có phần trợ giúp lớn của “thần may mắn” và gia đình người thuyền chài. Song cũng không thể không nói đến bản lĩnh của người đàn ông này. Vốn nhà ở ngay tả ngạn của con sông Đuống, ngày nhỏ Cường cùng chị em, bạn bè coi con sông này là bạn. 7-8 tuổi Cường đã có thể bơi lặn như cá. Các kiểu bơi sải, bơi ếch, bơi bướm, bơi chó... Cường đều thành thạo. Lớn hơn một chút, trò chơi nhảy cầu là trò ưa thích của lũ trẻ ven sông. Ông Linh kể, ngày ấy thi thoảng đi làm về, ông lại thấy Cường tồng ngồng cùng lũ trẻ, hô 2-3 là rồi nhảy tùm tùm từ thành cầu xuống nước. Nhiều lần bị ông dùng roi mây đánh cho quắn đít mà cu cậu không chừa. Không ai ngờ, trò chơi của con trẻ sau lại hóa ra có ích. Khoảng đầu những năm 90, Cường đang cùng bạn bè chơi trò nhảy cầu thì thấy một con đò cứ chìm dần. Thế là a-lê-hấp cả bọn nhảy xuống, cứu được 4-5 người lên bờ. Còn vào một buổi chiều đông năm 1998, Cường đang tha thẩn ven sông thì thấy một cô gái trẻ bỗng nhiên lao tùm xuống nước. Không chần chừ, anh lao theo và cứu được cô gái ấy vào bờ. Hỏi chuyện thì được biết cô quê ở bên Bắc Ninh, vì thất vọng trong chuyện tình cảm nên muốn quyên sinh. Cường đưa cô gái về nhà mình, cho ăn uống rồi khuyên nên trở về nhà, đừng làm chuyện dại dột nữa. Cường bảo, cũng vì đã quen với dòng sông Đuống, nên khi sự việc xảy ra, anh không "ngại" con sông này lắm. "Kể cả người bị nạn lúc ấy không phải là vợ con tôi, tôi vẫn sẽ nhảy xuống cứu thôi. Cái tính mình từ xưa nó đã thế, không thể làm ngơ trước khó khăn của người khác" - Cường tâm sự. Mấy người hàng xóm cũng góp chuyện. Đoạn đường dẫn lên cầu hay xảy ra tai nạn giao thông, mà nhà Cường ở ngay gần đầu cầu, lắm khi người ta cứ hay thấy Cường tham gia đưa người bị nạn đi cấp cứu, thậm chí còn thu nhặt thi thể người bị nạn để cho người nhà họ đến nhận. Đồ đạc của các nạn nhân cũng được bảo quản cẩn thận. Bà Thắng cùng cô bé dũng cảm Bảo Ngọc. Hiện Cường đang làm việc tại Công ty Vận tải Đông Nam, vị trí điều hành xe, lương mỗi tháng được gần 3 triệu đồng, còn chị Hạnh thì đi làm may thuê. Cả gia đình sống chủ yếu từ thu nhập của chồng. Bố mẹ Cường đã ngoài 60 nhưng vẫn đi làm thuê. "Cái lúc đưa vợ chồng thằng Cường lên bờ cũng có kẻ gian thừa cơ móc mất tiền, điện thoại di động của các cháu. Nhưng mà thôi, của đi thay người. Chúng tôi cũng không truy tìm. Kể cả cái cậu lái taxi gây tai nạn, nếu có tìm ra thì cũng chỉ cần xin lỗi một câu là xong mà", bà Thắng góp lời. Khi chúng tôi lên xe trở về Hà Nội cũng là lúc Cường tay mang cơm, cháo, phích nước... vào cho vợ. Đã mấy hôm nay dù ngày hay đêm, lúc nào Cường cũng túc trực bên người vợ yêu của mình. "Mấy năm lấy nhau, toàn vợ phục vụ mình, giờ mới có cơ hội "báo đáp" - anh đùa vui khi tiễn chúng tôi ra ngõ...

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/2/126509.cand