Người có vị thế phát ngôn càng phải thận trọng

'Phát biểu của mỗi một ĐBQH đều sẽ tác động lớn tới dư luận. Vì vậy phải đặt câu hỏi, phát ngôn 'BOT không ảnh hưởng đến người nghèo' có phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân chưa?', ông Trần Quốc Thuận nói.

Sau phát ngôn dậy sóng dư luận “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo”, Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trả lời một số báo “không bênh BOT mà bênh cái phải”. Song dường như “thanh minh” trên cũng không làm yên dư luận.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bày tỏ sự không đồng tình với phát biểu của ông Nguyễn Đức Kiên.

Ông Trần Quốc Thuận.

PV: Có ý kiến cho rằng, cách lập luận của ĐBQH Nguyễn Đức Kiên trong phát ngôn gây sốc “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo” là không thuyết phục. Còn cá nhân ông nhìn nhận vấn đề như thế nào?

Ông Trần Quốc Thuận: Trước đây, một vị lãnh đạo từng phát biểu “tăng thuế VAT không ảnh hưởng đến người nghèo” – tôi nhớ thời điểm đó, vị lãnh đạo này cũng chịu phản ứng gay gắt từ dư luận. Vừa qua, nghe ông Kiên nói “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo”, tôi lại liên tưởng tới sự việc trên. Cá nhân tôi thấy, cả hai phát biểu trên đều trái với quy luật biện chứng.

Mọi thứ không thể tách rời mà chúng thường lệ thuộc vào nhau, tác động lẫn nhau. Làm sao lại chỉ những người ăn nhà hàng mới trả VAT, hay chỉ những người có ô tô đi mới trả phí BOT? Điều này không hợp lý. Cách nói như vậy khiến mọi việc không rành mạch. Cách nói ấy cũng không xứng tầm, không đúng với thực tiễn phát triển của xã hội.

Tôi thực sự lấy làm tiếc và không hiểu tại sao ông Kiên lại có thể phát biểu như vậy.

PV: ĐBQH Nguyễn Đức Kiên còn là Phó Trưởng đoàn Thường trực, đoàn Giám sát của ủy ban Thường vụ Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT. Liệu phát biểu như vậy có thể gây ra hiểu lầm về sự khách quan hay không?

Ông Trần Quốc Thuận: Tôi nghĩ rằng, việc giám sát BOT không chỉ là giám sát giá đầu tư thấp hay cao, chất lượng các dự án tốt hay gian dối... dù đây đều là những việc rất cần thiết. Một việc không thể bỏ qua là cần giám sát và thấy được những tác động ngược lại từ BOT tới xã hội như thế nào.

Tôi nghĩ, tình trạng trục lợi từ BOT là điều cần phải làm rõ. Tôi biết ông Kiên từ khá lâu. Trải qua nhiều nhiệm kỳ Quốc hội, tôi thấy ông là một trong những đại biểu có phát biểu thẳng thắn, tư tưởng đổi mới, nổi tiếng là “ông nghị nói ngược”. Nhưng con người thật khó toàn diện.

Tôi không có quyền yêu cầu ông rút lại lời nói của mình, nhưng thiết nghĩ ông cũng nên nhìn sự việc lại một cách biện chứng hơn. Cũng như điều quan trọng nhất trong đấu tranh chống tham nhũng là thu hồi được tài sản tham nhũng, điều quan trọng nhất khi giám sát BOT phải làm rõ tiền trục lợi từ BOT rơi vào túi ai? Nhóm lợi ích nào đang sở hữu và chia nhau số tiền đó? Chính những thành phần trục lợi BOT đã khiến người dân bức xúc.

Bởi vậy, tôi muốn nhấn mạnh, giám sát BOT không chỉ giám sát thất thoát, hư hại mà phải làm rõ tác động của nó lên toàn bộ xã hội.

PV: Thưa ông, lời nói của một chính khách, nhất là đại biểu Quốc hội đại diện cho ý chí, nguyện vọng của hàng triệu cử tri. Nhưng liệu những cử tri đó có nghĩ “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo”?

Ông Trần Quốc Thuận: Ông Kiên là ĐBQH trong nhiều năm, kinh qua nhiều chức vụ, đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng. Cá nhân tôi tin ông là người thẳng thắn.

Nhưng tôi nghĩ, ĐBQH thì phải nhìn mọi việc một cách tổng thể, biện chứng hơn. ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước trong Quốc hội. Phát biểu của mỗi một ĐBQH đều sẽ tác động lớn tới dư luận. Vì vậy phải đặt câu hỏi, phát ngôn “BOT không ảnh hưởng đến người nghèo” có phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân chưa?

Tôi thực sự thấy tiếc về những phát ngôn kiểu này. Lời nói của mình đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân thì nên đứng ở vị trí của nhân dân để phát biểu.

PV: Những năm công tác ở Văn phòng Quốc hội, ông có khi nào gặp phải tình huống lỡ lời và thấy mình cần phải nói lại? Nếu có, ông xử trí thế nào?

Ông Trần Quốc Thuận: Tôi cũng đã qua nhiều vị trí, chắp bút ký nhiều văn bản nhưng tự hào chưa ký điều gì bị phản ứng. Đó cũng là kết quả của sự cố gắng. Cần nghiêm khắc nhận thức rằng, chữ mình viết ra, một dấu chấm, phẩy cũng cần đúng, vì nếu không, sẽ có rất nhiều người không thể hiểu được văn bản mình muốn truyền đạt.

Hiện nay, một số cán bộ cũng ăn nói tùy tiện. Tôi nghĩ, khi phát biểu, hãy đứng về phía nhân dân để có sự đồng cảm. Đừng nói chỉ để làm vừa lòng người này hay người kia. Kể cả các ĐBQH cũng vậy, họ đang làm nhiệm vụ của một đại biểu dân cử, vậy nên phải suy nghĩ cẩn trọng hơn trong mỗi lời nói của mình.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Dương Thu

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ong-kien-noi-ve-bot-nguoi-co-vi-the-phat-ngon-phai-than-trong-a339182.html