Người con của Bãi Trành

Mặc dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Yến trông vẫn khỏe mạnh, hoạt bát. Thuộc thế hệ tiên phong xây dựng nông trường Bãi Trành, ông Yến nhập ngũ, lênh đênh cùng những chuyến tàu vận tải trên biển thuộc Đoàn 125 chi viện vũ khí cho chiến trường, trực tiếp chiến đấu.

Ông Yến chăm sóc cây trồng trong vườn nhà.

Đến khi miền nam hoàn toàn giải phóng, ông xuất ngũ về nông trường Bãi Trành công tác. Quê ông Yến ở Hưng Nguyên (Nghệ An), nhưng từ lâu ông Yến đã coi xã Bãi Trành, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) là quê hương thứ hai của mình. Ông Yến làm đội trưởng sản xuất ở nông trường Bãi Trành cho đến khi về hưu vào năm 1990. Không chịu nghỉ ngơi, ông tham gia công tác Đảng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; tham mưu giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở địa phương. Thấy bà con trong thôn trồng mía, sắn cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến nhưng tuyến đường chính ra đồng lại bị chia cắt bởi con khe, việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ông đề xuất với cấp ủy đưa ra cuộc họp để người dân bàn, thảo luận dân chủ, động viên bà con, chủ yếu là người dân tộc Tày, Thái trong thôn tình nguyện hiến 1.600 m 2 đất, góp công, góp của, kiên cố hóa giao thông nông thôn, đường làng, ngõ xóm; thống nhất chủ trương xây dựng cầu cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi. Với vai trò tiên phong, gương mẫu, ông Yến bàn với các thành viên trong gia đình ứng trước hơn 20 triệu đồng để mua vật liệu, tổ chức thi công. Bốn hộ khó khăn bên bờ hữu khe thôn 10 cũng tình nguyện đóng góp 40 triệu đồng bởi lâu nay nhóm hộ này luôn trở thành "ốc đảo" mỗi đợt mưa nguồn, lũ dữ. Theo đó, chiếc cầu dài 15 m, rộng 2,5 m đổ bê-tông cốt thép dày 15 cm cùng hai dầm đỡ được triển khai xây dựng, sớm đưa vào sử dụng. Tuyến đường liên thôn dài 2,3 km, rộng 2,5 m được đổ bê-tông kiên cố; ngõ vào mỗi nhà do các hộ tự làm. Từ đó, con em địa phương tới lớp, tới trường thuận lợi hơn; chính vụ thu hoạch sắn, mía không còn gặp cảnh nông sản ùn, ứ, lưu bãi, làm giảm chất lượng, giá trị thu hoạch. Tiếp đó, ông Yến cùng với người dân trong thôn ra quân phát quang cành cây, góp sức cải tạo lưới điện 0,4 kV nhằm giảm tổn thất điện năng; nâng điện áp cuối nguồn, bảo đảm an toàn khi vận hành và chất lượng điện phục vụ sản xuất, đời sống. Nhờ năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ, thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt gần 18 triệu đồng/năm/người. Thôn 10 đã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân trong thôn ngày càng được cải thiện.

MAI LUẬN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/23094302-nguoi-con-cua-bai-tranh.html