'Người con thứ 9' của Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn

Trong lời giới thiệu cuốn sách Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV - Một thời để nhớ của ông Nguyễn Mộng Chữ do Nhà xuấn bản Thanh Hóa ấn hành năm 2018 có viết rằng: 'Trong nhiều tài liệu đã công bố, Tướng Nguyễn Sơn có 8 người con. Nhưng tôi nghĩ rằng, ông có 9 người con. Đứa con thứ 9 đã sinh ra ở Thanh Hóa, lớn lên tiến bước không ngừng trong lòng Đảng, lòng dân, cống hiến hết mình cho Tổ Quốc, xứng đáng với ý nguyện của bố. Đứa con đó là 'Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV' '.

Ngôi trường được Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn thành lập dưới chân núi Nưa, thuộc địa phận xã Tân Ninh, huyện Nông Cống, (nay Triệu Sơn, Thanh Hóa) chỉ tồn tại trong 5 năm (1948-1952) nhưng đã đào tạo tiền đề ra nhiều tướng lĩnh tài ba Quân đội nhân dân Việt Nam và nhiều văn nghệ sỹ nổi danh trong nền văn học, âm nhạc cách mạng. Trường Thiếu sinh quân (TSQ) Liên khu IV đã là hồi ức hào hùng của một lớp thế hệ quân nhân “chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh” và nhiều văn nghệ sỹ “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”.

Người thầy đầu tiên

Năm 2013, tại Lễ kỷ niệm 65 năm trường Thiếu sinh quân Liên khu IV, ông Đinh Quang Thiệu, Trưởng Ban liên lạc TSQ Liên khu IV tại Hà Nội đã phát biểu: “65 năm trước đây, thực hiện chủ trương của Tổng Quân ủy TƯ, Bộ Tư lệnh quân khu IV, đứng đầu là Tướng Nguyễn Sơn đã quyết định thành lập trường Văn hóa Quân sự cho Thiếu niên trong bộ đội Quân khu vào tháng 11 năm 1947. Lễ khai giảng được tiến hành vào sáng mùng 6 tháng Giêng năm 1948 tại làng Bồ Hà, sau hành quân về đóng quân tại Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Nông Cống, (nay Triệu Sơn, Thanh Hóa). Tướng Nguyễn Sơn đặt tên là Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV”.

Khu trưởng Nguyễn Sơn (người dắt xe đạp) đến thăm Trường Thiếu sinh quân ở Liên khu IV (năm 1948). Ảnh tư liệu

Trong ký ức không thể phai mờ của ông Nguyễn Mộng Chữ, cựu học viên TSQ Liên khu IV đã kể tường tận về những nội dung được đào tạo tại trường nhân dịp họp mặt kỷ niệm. Về văn hóa, TSQ đào tạo chương trình Trung học Phổ thông. Học sinh sau khi mãn khóa, xét đủ điều kiện và đủ tuổi tòng quân sẽ chuyển qua các trường huấn luyện cán bộ quân đội. Ngoài ra, Trường TSQ có thêm một số môn cần thiết như ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp), vẽ, âm nhạc, chương trình học tập theo phương châm “Học đi đôi với hành”.

Cũng trong cuốn sách Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV - Một thời để nhớ của ông Nguyễn Mộng Chữ do Nhà xuấn bản Thanh hóa ấn hành năm 2018 có đoạn viết rằng, Trường TSQ dạy học theo phương pháp “tư duy gợi mở”, Tướng Nguyễn Sơn gọi là phương pháp “khởi phát”, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn, nêu vấn đề, gợi ý cho học sinh suy nghĩ xây dựng bài hình thành ra các định luật, định lý, công thức…

Cũng trong Lễ kỷ niệm 65 năm trường Thiếu sinh quân Liên khu IV, Thượng tướng Trần Văn Quang, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Thiếu tướng Hồ Thanh Minh; Thiếu tướng Hoàng Bát… và rất nhiều tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc lại râm ran chuyện về “Bác Sơn”. Từ năm 1946, hơn 1000 học sinh Trường TSQ đều gọi Tướng Nguyễn Sơn bằng danh từ gẫn gũi “Bác Sơn”. Trong câu chuyện của các vị tướng già về “Bác Sơn” nhắc nhiều về việc Tướng Nguyễn Sơn kêu gọi hệ thống thầy giáo cho Trường TSQ thời đó. Trong đó có ông Nguyễn Tiễn Lãng, được Tướng Nguyễn Sơn đứng ra bảo lãnh về dạy Pháp văn cho Trường TSQ. Để cảm tạ thâm tình của Tướng Nguyễn Sơn, ông Lãng đã làm việc rất tốt, có nhiều đóng góp cho Trường TSQ, đến năm 1950, ông được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Giáo dục Trường TSQ Liên khu IV. Hay như trường hợp ông Đinh Ngọc Liên (còn gọi là Quản Liên, vốn là chỉ huy đội kèn Bảo An) cũng được mời về khôi phục lại đội kèn - tiền thân của lực lượng quân nhạc hiện nay…

Cho đến những năm sau này, Giáo sư Trương Tửu vẫn kể cho nhiều thế hệ sinh viên Ngữ văn về câu chuyện “mắc lỗi” khi ông còn làm giáo viên dạy văn học ở Trường TSQ. Khi xem vở của học sinh chuyên khoa Văn Trường TSQ, Tướng Nguyễn Sơn thấy thầy Trương Tửu phân tích Kiều bị bệnh “ủy hoàng” và phê phán Kiều mềm yếu. Bác Sơn đã quyết định tổ chức một buổi giảng Kiều cho toàn Trường TSQ. Trong bài giảng của mình, Tướng Nguyễn Sơn đề cao giá trị nhân văn của Truyện Kiều, nêu bật giá trị nghệ thuật bậc thầy của Tố Như. Suốt hai buổi giảng, Tướng Nguyễn Sơn nói vo nhưng cuốn hút cả thầy và trò Trường TSQ như nuốt từng lời. Sau buổi giảng, thầy giáo Trương Tửu đã gặp Tướng Nguyễn Sơn thừa nhận sự khiếm khuyết của mình và được biết rằng, trong những ngày bôn ba ở Thanh Hóa, Tướng Nguyễn Sơn đều có cuốn Kiều trong ba lô. Tướng Nguyễn Sơn nói với thầy giáo Trương Tửu khi đó rằng, mỗi khi khó khăn ông lại đọc Kiều để có thêm động lực trong hành trình cách mạng vô cùng gian khổ và ác liệt của mình.

Hơn nửa thế kỉ sau, những học sinh Trường TSQ thời đó đã từng nghe buổi giảng Kiều của Tướng Nguyễn Sơn như Giáo sư Phan Văn Hoàn, Nhà giáo Nhân dân – Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Nhà giáo Nhân dân – Giáo sư Nguyễn Trường Lịch, Tiến sỹ Phan Từ Phùng… đã vận động thành lập Hội Kiều học nhằm quảng bá tinh hoa truyền Kiều ra thế giới.

Ông Phạm Ngọc Thạch đại diện Chính phủ trao bằng Ủy viên quân sự cho tướng Nguyễn Sơn nhân Lễ thụ phong quân hàm Thiếu tướng (ngày 8-10-1948). Ảnh tư liệu

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã có mặt trong Lễ kỉ niệm 70 năm TSQ Liên khu IV vào ngày 6/1/2018, ông khiêm tốn, chân thành và cởi mở “Chúng ta thấy tự hào là thành viên của Trường TSQ Liên khu IV, và tự hào hơn cả là chúng ta có một người thầy, người chỉ huy là Tướng Nguyễn Sơn. Bản thân tôi không dám coi mình là người kế tục, mà luôn coi mình là học trò của Tướng Nguyễn Sơn, nhân cách Nguyễn Sơn là một nhân cách rất đặc biệt, để lại cho chúng ta một di sản quý báu, một tầm nhìn, một sự khai phá để có được như ngày hôm nay. Chúng ta thật sự tri ân Tướng Nguyễn Sơn”.

“Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV được thành lập sớm nhất toàn quân với quy mô lớn. Lúc đông nhất, trường có 25 lớp, từ bậc tiểu học đến bậc chuyên khoa, quân số khoảng 1.000 em. Năm 1951 là thời điểm có đông giáo viên nhất, gồm 41 thầy cô và 32 cán bộ quản lý”.

Trích Thư chúc mừng ngày 14-12-1997 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân Kỷ niệm 50 năm Thành lập trường TSQ Liên khu IV.

Tự hào Thiếu sinh quân

Ngày 6-1-2018, tại Hà Nội, những “học sinh Thiếu sinh quân” râu tóc bạc phơ gồmThiếu tướng Hồ Thanh Minh; Thiếu tướng Hoàng Bát…… Anh hùng Lao động Nguyễn Xuân Lang; GS. TS. Lê Minh Ngọc; Đồng chí Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng; GS. Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã đồng thanh hát vang bài hát “Bài ca Thiếu sinh quân” của nhạc sỹ Phạm Duy trong Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV.

Sau ca khúc hào hùng đó, các tướng lĩnh, giáo sư… lại nhớ về ký ức. Những năm học tập tại Trường TSQ đã trưởng thành và đi học tiếp ở các trường chính trị, lục quân, pháo binh, công binh…, rồi tỏa đi chiến đấu khắp các chiến trường chống Pháp và sau này là chống Mỹ, rồi có mặt ở khắp các chiến trường Bắc, Trung, Nam cho đến Lào, Campuchia và lập nhiều chiến công. Theo thống kê không đầy đủ có 40 liệt sĩ vĩnh viễn không về…

Khu trưởng Nguyễn Sơn đang giảng bài cho lớp học Thiếu sinh quân ở Liên khu IV (1948). Ảnh tư liệu

Trường TSQ Liên khu IV đã đóng góp cho cách mạng những anh hùng lao động, sĩ quan cấp cao, tiến sĩ, giáo sư, bộ trưởng, thứ thưởng và các cấp cán bộ khác. Có thể kể đến như: Nguyễn Hoàng Lưu mày mò sáng chế thước Logarit tròn, giúp pháo binh Trung đoàn 68, Sư đoàn 304 tính nhanh, bắn trúng trở thành quê hương của phong trào thi đua “Ba nhất” trong quân đội; Hoàng Đăng Sơn góp phần không nhỏ trong việc phá bom từ trường của Mỹ, được tặng Giải thưởng Nhà nước; Thiếu tướng Hồ Thanh Minh, Phó Tư lệnh Bộ đội Phòng không Không quân đã có công góp phần tổ chức phi đội máy bay A37 ném bom sân bay Tân Sân Nhất và Dinh Độc Lập ngụy quyền Sài Gòn trước thềm 30/4/1975 đại thắng; Thiếu tướng Hoàng Bát; Đồng chí Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Anh hùng Lao động Nguyễn Xuân Lang; GS. TS. Lê Minh Ngọc; Đồng chí Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng; GS. Nguyễn Mại; Học giả Vũ Tuân Sán, GS. Nguyễn Đình Chú, GS. Nguyễn Trường Lịch…

Ngoài hàng trăm người thành đạt về chính trị, quân sự, khoa học, kinh doanh... còn có cả những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ đã thành danh. Với tâm huyết, tình cảm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc, các cựu Thiếu sinh quân Liên khu IV đã cùng với chính quyền Xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đặt Tấm bia lưu niệm mang tên Trường Thiếu sinh quân Liên khu IV tại “Vườn cây tình nghĩa” vào những năm cuối thế kỷ XX.

Dù nhiều năm qua rồi kể từ ngày chia tay nhau bên sông chảy dưới chân núi Nưa, nơi thành lập Trường TSQ, dù người còn thì ít người mất đã nhiều, nhưng những câu chuyện về “bản lĩnh TSQ”, “tâm hồn TSQ”, “anh bộ đội Cụ Hồ”, “học sinh Bác Sơn” ngày ấy sẽ mãi còn được kể lại cho các thế hệ con cháu nghe để hiểu hơn những năm tháng gian khổ song rất đỗi hào hùng của dân tộc ta đã đi qua.

Ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh phong Nguyễn Sơn quân hàm Thiếu tướng. Trước đó, năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công tướng Nguyễn Sơn làm Khu trưởng Liên khu IV.

HÀ THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/nguoi-con-thu-9-cua-luong-quoc-tuong-quan-nguyen-son-775378