Người "Cộng sản bé con" của nhà tù Hỏa Lò năm xưa

GiadinhNet - Người Pháp gọi ông là "Cộng sản bé con" bởi ông ít tuổi nhất trong những tù chính trị đặc biệt nghiêm trọng của nhà giam Hỏa Lò.

Trong những ngày cả nước kỉ niệm 65 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc Khánh 2-9, chúng tôi may mắn gặp lại ông ngay tại khu di tích nhà giam khét tiếng một thời này. Ông là Tạ Quốc Bảo, hiện là Trưởng ban liên lạc nhà tù Hỏa Lò. 2 lần chết đi sống lại Mỗi lần trở lại khu di tích Hỏa Lò, ông Bảo lại mang theo những cảm xúc khác nhau. Nhiều khi, ông lần từng kỷ vật, từng phòng giam và hồi tưởng lại những kỷ niệm về đồng đội đã từng bị tù đày nơi này. Ông Bảo bị Sở Mật thám Pháp bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò khi mới 16 tuổi. “Tội” của ông là làm liên lạc cho Xứ ủy Bắc Kỳ. Theo trí nhớ của ông Bảo, thời đó, ông tham gia đưa tài liệu và dẫn các đồng chí hoạt động cách mạng tìm nơi trú ẩn. Kỉ niệm về thời trai trẻ đấu tranh đòi độc lập dân tộc khiến ông nhớ nhất đó là vào năm 1943, ông cùng đồng đội treo cờ Tổ quốc ở khu vực Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Công việc được tiến hành bí mật vào buổi đêm. Lá cờ được buộc vào 1 đầu dây treo trên cây đa cao, cuộn truyền đơn vào bên trong, đầu dây kia buộc với 1 viên gạch nhỏ và thả xuống dưới đường. Sáng hôm sau, người đi đường vướng phải viên gạch, lá cờ bung ra, truyền đơn rơi tung tả... Mật thám Pháp nhốn nháo và điên cuồng vây ráp. Nhiều người bị bắt bớ, trong đó có một người cùng đi treo cờ với ông. Người này sau đó do không chịu nổi đòn roi, tra tấn của địch nên đã khai ra toàn bộ sự việc. Ông Bảo bị bắt và đưa vào nhà tù Hỏa Lò. Ông bị nhốt cùng khu giam giữ với nhiều đồng chí như: Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh, Lê Tất Đắc, Đỗ Mười... Chúng tôi cùng ông vào khu nhà giam ở Hỏa Lò mà ông gọi là "Nhà dài". Đây là nơi ông Bảo không bao giờ quên, bởi cả 2 lần cận kề với cái chết đều xảy ra ở đây. Ông kể, vào tù, ông mới thực sự biết thế nào là đói rét. Người tù phải mặc những bộ quần áo cũ nát in rõ 2 chữ M.C (Maison Centrale), có khi chỉ khẽ chạm vào là rách. Còn những bữa ăn mới thực sự khủng khiếp. Ông Bảo rưng rưng nhớ lại: "Cơm thì được thổi từ gạo mốc, sạn, ăn cùng cá mắm đã có dòi. Có khi là đậu phụ ôi, chua loét. Còn rau thì thường là rau muống dài cả mét mà anh em vẫn gọi đùa là "dải rút". Thi thoảng cũng được ăn thịt nhưng thường là thịt trâu bị bệnh chết". Trong khi đó, mỗi ngày, một tù nhân chỉ được 3 gáo dừa nước cho đủ các sinh hoạt từ tắm, gội, rửa mặt và... giặt. Sinh hoạt khổ sở như thế nên ghẻ lở là căn bệnh kinh niên với tất cả anh em trong tù. Với cách "chăm sóc" đặc biệt ấy, bản thân ông Bảo từng 2 lần suýt chết với chế độ dinh dưỡng của nhà tù. Lần thứ nhất, ông bị đau bụng, chạy ra đến nhà vệ sinh thì lăn đùng ra không biết gì nữa. Anh em tù gọi cai ngục ầm lên là có người sắp chết nhưng bọn chúng kiên quyết không mở cửa. Chúng bắt các anh em khỏe mạnh khiêng ông Bảo lên cửa sổ và cho thò chân, tay ra ngoài. Tư thế treo người lên như thế khiến ông Bảo tím ngắt. May mắn là ông cũng được tiêm thuốc. Tuy nhiên bệnh tiến triển ngày một nặng, khi sức khỏe của ông Bảo suy kiệt, chúng mới mở cửa tù cho ông ra ngoài chữa bệnh. Một lần khác, ông Bảo lại bị kiết lị bởi những món ăn “đặc biệt” của Maison Centrale. Những cơn đau bụng bào gan, bào ruột khiến ông chỉ còn da bọc xương. Một lần, ông bị lịm đi, chúng đưa ông xuống một căn phòng mà anh em vẫn gọi là "Nhà hấp hối". Đây là căn phòng dành riêng cho những người sắp chết. Khi được nằm trong căn phòng này, ông Bảo bỗng mở mắt. Hình ảnh đầu tiên ông nhìn thấy là một người mặc áo chùng đen cầm thánh giá đang lầm rầm cầu nguyện. Thấy ông Bảo cựa mình, linh mục khẽ hỏi: "Anh có cần tôi rửa tội không?". Ông Bảo nói rắn rỏi: "Ông hãy về mà rửa tội cho người Pháp của các ông đi!". Đối mặt với kẻ thù Sau Cách mạng tháng Tám nổ ra ông Bảo mới được ra khỏi Hỏa Lò. Ngay sau khi thoát khỏi chốn lao tù, ông Bảo tiếp tục bước vào con đường cách mạng. Kỉ vật của ông về một thời đấu tranh giải phóng dân tộc thì nhiều vô kể, nhưng thứ mà ông quan tâm nhất vẫn là những khẩu súng. Ông vẫn nhớ, lần đầu tiên mình được cấp 1 khẩu súng lục là khẩu St.Etienne. Khẩu súng này ông được cấp đúng dịp 19/8/1946. Ông cùng 1 đồng chí khác mang theo khẩu súng đi trên đường số 1 (khu vực Bắc Ninh) để chờ đón bảo vệ xe của một đồng chí lãnh đạo cấp cao. Đang đi trên đường thì bất ngờ nhận được tin Pháp tấn công. Ông Bảo và người đồng đội vội mang xe đạp giấu xuống ruộng lúa và nằm đợi. Lúa rậm rạp nên che lấp cả xe và hai người, chỉ còn hai nòng súng hướng về phía địch. Ông Bảo và người đồng đội đã xác định sẽ chiến đấu đến cùng và chấp nhận hy sinh bởi không có lực lượng hỗ trợ. Rất may, quân Pháp đi qua nhưng không phát hiện ra ông và người đồng đội. Chúng tiến về phía Bắc Ninh và giết chết nhiều người, trong đó có 1 đồng chí Tỉnh ủy viên và 1 đồng chí Bí thư huyện ủy. Cũng chính khẩu St.Etienne đã cùng ông đi qua nhiều trận càn của địch. Có lần, ông bị địch phát hiện ra khi đang dưới hầm trú ẩn tại huyện Thuận Thành (Bắc Ninh). Ông cùng đồng đội bật cửa hầm xông ra chống trả quyết liệt. Trận ấy, khẩu súng cũng đã giúp ông và đồng đội bảo toàn được tính mạng và 2 con dấu của Ủy ban và Huyện ủy Thuận Thành. Sau này, ông Bảo được cấp thêm 5 khẩu súng nữa. Khẩu nào ông cũng nhớ rõ tên: Mab, Cole, Mac, Mauser... Khẩu Mac chính là khẩu ông thường dùng nhất khi công tác ở Bộ Nội vụ. Những khẩu súng khác, ông đều giao lại cho những người kế nhiệm và chỉ giữ lại khẩu Mac. Sau này, khi về hưu ông vẫn còn giữ lại khẩu Mac và tặng lại cho Công an huyện Đông Anh. Khi tặng lại khẩu súng này, ông dặn đi dặn lại các chiến sỹ trẻ phải giữ nguyên chất thép của khẩu súng, đừng để nó han gỉ. Lời dặn ấy của ông như để mong khẩu súng sẽ được giữ gìn và những chiến sỹ trẻ sẽ giữ được "chất thép" dù là ở trong thời bình. Hoàng Phương

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20100901112842694p0c1000/nguoi-cong-san-be-con-cua-nha-tu-hoa-lo-nam-xua.htm