Người cựu binh già hơn 20 năm chuyện trò với đồng đội đã khuất

Ông bảo tôi chừng nào ông không còn đi lại được nữa, ông mới nghỉ công việc ở nghĩa trang. Rằng việc ông làm không chỉ để ấm lòng đồng đội đã mất, mà còn ấm lòng ông mỗi khi ông nhớ về họ.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Tư Kỳ đảm nhiệm nhiều chức vụ cao ở địa phương, đến năm 1992 thì nghỉ công tác, một phần do bệnh tật, vết thương bom đạn hành hạ, phần khác ông muốn làm một việc mà ông đã tâm nguyện từ lâu. Đó là chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã, chăm sóc những phần mộ của đồng đội ông.

Tôi về Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trạch (Triệu Phong, Quảng Trị) theo lời giới thiệu của các cựu chiến binh Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 để viết về người cựu chiến binh, thương binh, người quản trang suốt một đời tận tụy vì đồng đội. Đập vào mắt tôi quang cảnh rất thanh bình và sạch sẽ, một bên cổng lớn có ghi dòng chữ: “Người quản trang: Phan Tư Kỳ. Số ĐT: 016442922…”. Tôi bấm điện thoại gọi cho ông, chừng 5 phút sau, ông đã có mặt, đón tôi bằng chiếc xe máy cũ kỹ…

Trước khi dẫn tôi về thăm nhà, ông không quên thắp nén nhang cho đồng đội, dọn sạch cỏ dại vừa mới mọc ở một số phần mộ. Ông bảo, mộ phải sạch sẽ, hương khói thường xuyên, nhưng khuôn viên thì phải có cây có cỏ; thiên nhiên phải như ở nhà mình vậy!

Rồi ông giải thích: Phần lớn các anh ở đây đều sinh ra từ những nếp nhà rơm rạ, lớn lên trên đất, vui đùa trong vườn tược nhà mình với cây với cỏ, nên bây giờ cũng vậy, phải có cây có cỏ cho các anh vui đùa! Tôi quan sát thấy những hàng mộ thẳng tắp được đúc đổ bằng bê-tông láng bóng, trên các phần mộ đều có hương, hoa và rất sạch sẽ. Song khuôn viên xung quanh lại khác, cỏ cây xanh mướt như một tấm thảm, được chăm chút, cắt tỉa rất tỉ mẫn. Nơi đây yên nghĩ vĩnh hằng 610 liệt sĩ, là con em ở địa phương và cả nước.

Người thương binh Phan Tư Kỳ chăm sóc, hương khói cho đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trạch.

Nhà ông Tư Kỳ ở cách nghĩa trang liệt sĩ xã non một cây số. Ngôi nhà ba gian được sửa chữa, xây mới một phần cách đây mấy năm khá rộng rãi, song trong nhà hầu như không có vật gì giá trị ngoại trừ những tấm bằng khen, huân, huy chương của ông và người vợ, bà Lê Thị Dàn.

Ông tự hào kể về tuổi trẻ được sát cánh cùng bộ đội chiến đấu bảo vệ quê hương. Năm 1968, cậu thiếu niên Phan Tư Kỳ 15 tuổi đã được cấp trên tin tưởng giao làm nhiệm vụ văn phòng và liên lạc cho du kích, bộ đội. Cuối năm đó, ông bị địch bắt trong một trận càn và đưa về nhà lao Quảng Trị giam giữ, tra tấn. Tuy nhiên, không khai thác được gì, hơn nữa tuổi còn nhỏ, nên chúng đã phải thả ông ra.

Trở về địa phương, ông bí mật tiếp tục hoạt động cho cách mạng. Đến ngày 10-5-1972, ông được cấp trên giao đảm nhận chức vụ Xã đội phó Triệu Trạch. Một thời gian ngắn sau thì ông đảm nhận chức vụ Xã đội trưởng.

Trong Lịch sử Đảng bộ huyện Triệu Phong có ghi: Từ năm 1972 đến 1975, ông Phan Tư Kỳ, Xã đội trưởng Triệu Trạch đã tham gia chiến đấu và trực tiếp chỉ huy lực lượng dân quân, du kích xã chiến đấu 84 trận, trong đó có 17 trận hợp đồng chiến đấu với các đơn vị chủ lực đánh tập kích diệt địch…

Tôi hỏi ông Tư Kỳ nhớ trận đánh nào nhất? Người cựu binh đã 64 tuổi, song khi nhắc tới kỷ niệm chiến tranh, sự bạo tàn của kẻ thù một thuở, máu ông như đang sôi lên trong huyết quản. “Là trận đánh ngày 18-11-1972”, ông bảo với tôi.

“Hôm đó, từ 6h sáng máy bay địch đã rền trời, chúng rải bom từ Long Quang tới Lệ Xuyên, cứ mỗi tốp 3 chiếc, sau 15 phút thì có một tốp. Sau rải bom liên tục hơn 3 giờ đồng hồ, đến hơn 9h, pháo của địch từ các trận địa xung quanh, như Phường Lang, xã Hải Ba (Hải Lăng); Gia Đẵng, xã Triệu Lăng; Ngô Xá, xã Triệu Trung (Triệu Phong) bắn cấp tập tới các chốt của ta ở trên, mục đích đánh bật ta ra khỏi những chốt này, giành lợi thế chiếm giữ toàn bộ khu vực Triệu Phong.

Bấy giờ, ta ở chốt Long Quang mũi chính diện có các đơn vị C4, C10 thuộc K14, Tiểu đoàn 814; C5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64 cùng lực lượng dân quân, du kích địa phương phối hợp. Cánh sườn là toàn bộ du kích đảm nhiệm. Tôi lúc đó chỉ huy tiểu đội gồm 7 nam, 6 nữ chốt giữ ở cánh sườn. Sau khi đã rải bom, bắn pháo, chúng điều động một đại đội thủy quân lục chiến cùng 8 xe tăng yểm trợ, đánh xé cánh sườn do tôi chỉ huy, ở hướng Thạnh Hội (Tám Cát), xã Triệu Vân.

Chúng bắn tới 35 phát đạn DK75 vào những điểm nghi ngờ quân sự trên tuyến chốt Long Quang. Chúng tôi lúc đó ẩn nấp dưới những căn hầm đào sâu dưới lòng đê nên tránh được loạt đạn này. Tiếp đó, chúng dùng xe tăng bắn đại liên 50 theo kiểu bắn găm từ cao xuống mục tiêu phía trước để yểm trợ cho lực lượng bộ binh tiến vào chốt. Khi chúng còn cách hầm chừng 5m, chúng tôi đã dùng lựu đạn đánh cận chiến, và dùng B40 bắn xe tăng. Trận đánh hôm đó, ta đã bắn cháy 3 xe tăng của địch, tiêu diệt được toàn bộ đại đội này”.

Người lính mưu trí, dũng cảm Phan Tư Kỳ đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, hạng Ba và Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhì. Ông vinh dự 8 lần được phong tặng Danh hiệu Dũng sĩ, trong đó 5 lần đạt Danh hiệu Dũng sĩ ưu tú và 3 lần Dũng sĩ diệt xe cơ giới.

Ông Tư Kỳ kể về trận đánh ngày 18-11-1972.

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ cao ở địa phương, đến năm 1992 thì nghỉ công tác, một phần do bệnh tật, vết thương bom đạn hành hạ, phần khác ông muốn làm một việc mà ông đã tâm nguyện từ lâu. Đó là chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã, chăm sóc những phần mộ của đồng đội ông, những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất này.

Ngày ngày, người cựu binh ấy làm khá nhiều việc ở nghĩa trang, từ việc hương khói đến việc quét dọn, làm đẹp cho các phần mộ và nghĩa trang. Ông bảo nơi đây yên nghĩ 610 liệt sĩ, song có tới 290 liệt sĩ chưa xác định được tên. Đó là điều khiến ông luôn trăn trở, cảm giác như đang “nợ” đồng đội điều gì, phải cố gắng tìm ra tên của các anh.

Bởi vậy, ngoài công việc tình nguyện kể trên, ông còn đi thăm hỏi những đồng đội còn sống, xâu chuỗi các thông tin để xác định danh tính cho các liệt sĩ.

Ông cũng đã giúp cho hơn 50 gia đình thân nhân liệt sĩ tìm được hài cốt người thân của mình. Trong đó, có những trường hợp ông vừa tìm ra mộ vừa xác định được danh tính liệt sĩ, như liệt sĩ Nguyễn Công Thành, Lục Thế Bảo thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B; liệt sĩ Võ Xuân Tự, quê Hải Phòng…

Ông bảo tôi chừng nào ông không còn đi lại được nữa, ông mới nghỉ công việc ở nghĩa trang. Rằng việc ông làm không chỉ để ấm lòng đồng đội đã mất, mà còn ấm lòng ông mỗi khi ông nhớ về họ!

Năm 1986 - 1987, nhân dân trong xã Triệu Trạch đã đóng góp trên 1.000 ngày công và 70 tấn lúa cùng với sự đầu tư của Đảng và Nhà nước đã tiến hành xây mới Nghĩa trang Triệu Trạch.

Năm 2012, Nhà nước hỗ trợ 1,3 tỉ đồng, đồng chí Đinh Thế Huynh, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư TW Đảng - Trưởng Ban Tuyên giáo TW, nay là Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư TW, cũng là cựu chiến binh Đại đội 20, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325 đã từng chiến đấu tại xã Triệu Trạch, đã kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ 2 tỉ đồng, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trạch khang trang hơn, to đẹp hơn.

Năm 2015, Đại tá Nguyễn Quang Tiệp, nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 48 - là cựu chiến binh ở Quỳnh Phụ, Thái Bình đã cùng đồng chí Lê Minh Tân, lúc đó là Đại tá, Cục phó Cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng - là con trai đồng chí Lê Triệu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9 - Trung đoàn 64 - Sư 320B từng chiến đấu tại xã Triệu Trạch, cùng các đồng chí cựu chiến binh đã từng chiến đấu tại đây, hỗ trợ 900 triệu đồng để xây dựng mới hai hồ sen phía trước nghĩa trang và một số công trình khác cho nghĩa trang này.

Theo Phan Thanh Bình/cand.com.vn

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nguoi-cuu-binh-gia-hon-20-nam-chuyen-tro-voi-dong-doi-da-khuat-161145/