Người dân cả nước chào đón năm mới Đinh Dậu

Tối 30 Tết, các địa phương đều có chương trình nghệ thuật, hội vui xuân... để chào đón năm mới, nhưng chưa đủ sức hấp dẫn người dân. Nhiều tụ điểm vui chơi vắng hơn so với mọi năm.

24h: Tại Huế, khi chuông đồng hồ điểm 24 tiếng, người Huế bắt đầu thắp hương cúng giao thừa, cầu nguyện điều tốt đẹp năm mới. Nhiều người theo đạo Phật còn gõ chuông đầu năm để cầu bình an. Không có pháo hóa, khắp thành phố Huế mở nhạc xuân trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.

Mâm cỗ cúng giao thừa ở ngoài trời của một gia đình Huế. Ảnh: Võ Thạnh.

23h40: Tại Hà Nội, nhiều người dẫn đã mang đồ cúng Giao thừa ra đường chuẩn bị thắp hương.

Chỉ còn 20 phút nữa là tới giao thừa, nhiều gia đình trên phố cổ Hà Nội đã mang lễ cúng ra ngoài trời chuẩn bị thắp hương. Ảnh: Giang Huy.

Thông thường, người Hà Nội sẽ có một mâm cỗ cúng gia tiên và một mâm cỗ cúng đất trời đặt ở trước cửa nhà. Ảnh: Giang Huy.

22h50: Tại Cần Thơ, năm nay cũng không bắn pháo hoa nhưng người dân vẫn đổ về Trung tâm quận Ninh Kiều thưởng ngoạn đèn nghệ thuật trên đường Hai Bà Trưng, Hòa Bình, Nguyễn Trãi, và cầu đi bộ... Trên đường hoa xuân Cần Thơ Đinh Dậu 2017 dài 310 m, được kết hợp bởi 80.000 giỏ hoa tươi các loại cùng 40-50 mô hình, tiểu cảnh thu hút rất đông người tham quan, xem chương trình văn nghệ.

22h20

: Đón năm mới Đinh Dậu, nhiều gia đình ở Hà Nội đã chuẩn bị sẵn đĩa xôi, chân giò để cúng giao thừa. Người dân quan niệm, năm con gà kỵ cúng gà, phải thay bằng chân giò lợn. Các gia đình thường dặn trước người bán để dành cho chân trước, đến 30 Tết chỉ ra lấy về làm sạch và cúng.

Chị Nguyễn Linh Tâm chuẩn bị cúng giao thừa. Ảnh: Gia Chính.

22h15

: Khác với mọi năm, đêm cuối năm đường Sài Gòn vắng vẻ hơn. Song, bên trong các quán cà phê, nhà hàng, khu chợ vẫn còn nhộn nhịp người mua bán, ăn uống. Trời đã khuya, chị Thu Trang (ngụ Tân Bình) vẫn vội vã đi mua bó hoa ly trưng Tết. "Do bận buôn bán nốt ngày cuối năm nên giờ tôi mới có thời gian sắm Tết", chị nói rồi vội lên xe kịp về nhà chuẩn bị.

Một quán cà phê trên đường Út Tịch (quận Tân Bình) vẫn đông khách. Nhân viên quán cho biết sẽ mở cửa cả đêm để phục vụ. Ảnh: Quỳnh Trần

Tại ga Sài Gòn, 21h, vẫn còn những vị khách cuối cùng chờ được lên tàu. Nhân viên đường sắt cho biết, chuyến tàu cuối cùng của năm sẽ khởi hành lúc 22h. Cũng bận rộn với việc buôn bán ngày cuối năm, cả gia đình chị Hà hơn chục người vội vã mang theo hành lý cho kịp chuyến tàu về Quảng Ngãi. "Giờ khởi hành, khoảng trưa mai là chúng tôi về đến nhà, vẫn kịp ăn Tết", chị Cười nói tạm biệt và cho biết mùng 10 Tết mới quay lại TP HCM.

Những hành khách cuối cùng ở ga Sài Gòn trong năm. Ảnh: Quỳnh Trần

Trong khi đó, nhiều gia đình quây quần bên mâm cơm tối 30 Tết. "Mọi năm đều đưa vợ và hai con ra trung tâm quận 1 đón giao thừa nhưng năm nay do không có pháo hoa nên chọn ở nhà. Tôi mua ít thực phẩm, rồi làm nấu vài món để anh em ngồi lại với nhau, đón giao thừa", anh Nguyễn Gia Hàng (41 tuổi, ngụ Hóc Môn) chia sẻ.

Gia đình anh Hàng quây quần bên mâm cơm tối. Ảnh: Xuân Ngọc

Chương trình văn nghệ trên đường hoa ở Cần Thơ. Ảnh: H.P

22h: Tại Đà Nẵng, trời ấm áp. Người dân bắt đầu đổ ra đường, tuy nhiên không đông như những năm trước vì thành phố không bắn pháo hoa. Nhiều quán nhậu vẫn đông nghẹt khách. Tại khu vực chợ hoa xuân trước quảng trường đường 2 tháng 9, hàng trăm người dân chen nhau vào mua hoa giảm giá, khiến giao thông qua đoạn đường này rối loạn.

Ven sông Hàn, nhiều người dân bắt đầu đổ đến những điểm trang trí hoa xuân để dạo chơi, chụp ảnh... Thành phố Đà Nẵng sẽ cho cầu Rồng phun lửa, nước trong suốt 4 đêm từ 28 tháng chạp đến mùng 2 tháng giêng. Cầu quay sông Hàn cũng quay 90 độ từ 23h đến 24h các ngày mùng 1 và mùng 2 Tết để phục vụ người dân, du khách.

21h20

: Tối 30 Tết cũng là ngày thứ sáu, nhưng Hà Nội không tổ chức phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm. Đông nhất lúc này là khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, nơi sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Đường Đinh Tiên Hoàng bên Hồ Gươm, các phương tiện được đi lại bình thường. Ảnh: Giang Huy.

21h15

: Tại Hà Tĩnh, cơn mưa nặng hạt bắt đầu lúc 19h30 đã phá vỡ kế hoạch ra đường đón năm mới của nhiều người dân. Dọc các tuyến đường, củi được cất trữ để đốt vào đêm giao thừa bị ướt nên không thể nổi lửa.

Ở một số nơi như thị trấn Nghi Xuân (huyện Nghi Xuân), thị xã Hồng Lĩnh, nhiều tiểu thương, người bán hàng vẫn đang tranh thủ bán những cây đào, quất và bóng bay trang trí để kịp về nhà.
“Năm nay hầu hết mặt hàng ế ẩm, từ thực phẩm cho đến các đồ chơi cho trẻ em như bóng bay đều tiêu thụ rất khó khăn. Tôi còn gần 10 quả bóng bay, nán lại đến khoảng 21h để gỡ gạc thêm chút ít vì số vốn bỏ ra khá lớn so với thu nhập của gia đình”, chị Thu (37 tuổi) ở thị trấn Nghi Xuân nói.

Người bán bóng bay ở thị trấn Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tranh thủ bán số hàng còn lại để kịp về đoàn tụ với gia đình. Ảnh: Đức Hùng

21h10

: TP HCM, đường hoa Nguyễn Huệ đông nghịt người. "Không có pháo hoa thì cũng hơi buồn, nhưng tôi vẫn quyết định đưa vợ con ra phố đi bộ để ngắm đưởng hoa và đón giao thừa như mọi năm. Ở đó nhiều người cho có không khí, tụi nhỏ cũng thích chứ ở nhà thì buồn lắm", anh Khải, nhà ở Nhà Bè, chia sẻ.

Hòa cùng dòng người du xuân, hơn chục bạn trẻ ở Sài Gòn còn mang theo khẩu hiệu, băng rôn kêu gọi người dân, du khách không xả rác trên đường hoa Nguyễn Huệ. Một số bạn còn gùi thùng rác di động trên lưng khiến nhiều người thích thú, hưởng ứng.

Quảng trường trước tượng đài Lý Thái Tổ. Ảnh: Giang Huy.

Nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng được người dân góp tiền trang trí đèn điện. Ảnh: Nguyễn Đông.

Đường vào công viên châu Á rực sáng. Ảnh: Nguyễn Đông.

21h: Quảng Trị tưng bừng lễ hội Bài chòi

Đêm 30 Tết, tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ hội Bài chòi cho người dân địa phương tham gia vui chơi, đón Tết trong không khí tưng bừng, phấn khởi.

Hàng nghìn người dân đổ về xem lễ hội Bài chòi.

Hàng nghìn người dân đã đổ về đây trong trật tự và háo hức chơi trò chơi dân gian độc đáo này. Từ lâu, Bài chòi đã là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của những làng quê miền Trung, kéo dài từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân ở những làng quê này lại rộn ràng dựng chòi kê ván để chơi Bài chòi. Riêng tại TP Đông Hà (Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Quảng Trị), năm nay là năm đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị chủ trương tổ chức lễ hội Bài chòi cho người dân vui Xuân đón Tết.

Lễ hội không chỉ tạo nên không khí phấn khởi, từng bừng cho ngày Tết, mà qua đó còn phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của vùng đất này. Dưới đây là một số hình ảnh trong lễ hội Bài chòi đêm 30 Tết tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Quảng Trị.

20h40: Những năm trước, rất nhiều người dân tập trung về khu vực Ngọ Môn, kinh thành Huế (Thừa Thiên Huế) để thưởng thức màn pháo hoa chào đón năm mới. Năm nay không có pháo hoa, thay vào đó là chương trình nghệ thuật lúc 20h, nhưng rất ít người đến xem.

Đông nhất ở cố đô Huế là Hội vui xuân ở công viên Lý Tự Trọng nằm bên cạnh dòng sông Hương.

Đường vào Ngọ Môn vắng tanh.

Khu vực công viên Lý Tự Trọng, nơi trưng bày 10 con gà khổng lồ lại đông khách.

20h35: Ở Đồng Nai, dòng người bắt đầu đổ về đường hoa xuân ven sông Đồng Nai ở công viên Nguyễn Văn Trị, TP Biên Hòa. Nhiều bạn trẻ diện trang phục mới hào hứng chụp hình kỷ niệm trong không khí xuân mới, nhất là khu vực tiền cảnh chú gà khổng lồ làm bằng gốm.

Tại Quảng trường tỉnh Đồng Nai, chương trình ca nhạc đặc biệt Chào xuân Đinh Dậu 2017 do Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Đồng Nai tổ chức phục vụ miễn phí người dân, công nhân xa quê bắt đầu thu hút đông đảo người đến. Song, trên các tuyến phố khác ở Biên Hòa, chỉ lác đác bóng người.

20h30: Từ 20h tối 30 Tết, hàng chục nghìn người đã tập trung tại phố đi bộ Nguyễn Huệ để tham quan đường hoa xuân và màn trình diễn 3D trước tòa nhà UBND TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Người dân chụp hình lưu niệm bên linh vật của năm Đinh Dậu tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Thành Nguyễn

20h20

: Hà Nội trời se lạnh, khô ráo, nhiệt độ ngoài trời khoảng 20 độ C. Do năm nay không bắn pháo hoa nên phố đi bộ quanh Hồ Gươm không đông đúc. Nhiều đôi trai gái, gia đình trẻ dắt con nhỏ thông thả dạo phố.

Trong khi đó, nhiều gia đình sau bữa cơm tối thì quây quần bên chiếc tivi để xem chương trình Táo quân bắt đầu lúc 20h.

Đại gia đình nhà ông Nguyễn Gia Ngư ở Chương Mỹ, Hà Nội quây quần xem Táo quân. Ảnh: Gia Chính.

20h30: Khu vực hồ Hoàn Kiếm của Hà Nội cũng đã rất đông đúc.

Các gia đình sau bữa cơm tất niên cùng dồn tới Hồ Gươm chờ đón giao thừa.

2 công nhân cty điện lực Hoàn Kiếm kiểm tra điện áp đảm bảo cấp điện an toàn

20h15

: Sài Gòn về đêm trời bắt đầu se lạnh. 20h, khi người dân còn quay quần bên gia đình sau bữa cơm tối, đường phố vắng hơn thường lệ. Ở những khu vực chợ hoa, người đông đúc hơn tranh thủ mua thêm hoa, cây cảnh về trang trí trước giờ giao thừa.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đêm nay và những ngày đầu năm mới thời tiết sẽ rất đẹp, thuận lợi cho người dân du xuân, đón Tết.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu cho biết, do năm nay không bắn pháo hoa nên thành phố đã chỉ đạo tổ chức, nâng chất các loại hình vui chơi, giải trí để phục vụ người dân dịp Tết. Cụ thể, trong khu trung tâm có đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, đường trang trí đèn nghệ thuật...

20h00

: Tết Đinh Dậu, thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, cả nước không bắn pháo hoa. Để nghênh đón năm mới, các địa phương có nhiều chương trình thay thế.

Tại Hà Nội, pháo hoa sẽ được chiếu trên màn hình led tại các điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật gồm: Vườn hoa Lý Thái Tổ, sân vận động Mỹ Đình, trung tâm quận Hà Đông, quận Tây Hồ, thị xã Sơn Tây. Trước phút giao thừa là màn đếm ngược 30 giây.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bên cạnh Hồ Gươm rợp bóng bay. Ảnh: Giang Huy.

Thanh Bình - VNE - Dân trí

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nguoi-dan-ca-nuoc-chao-don-nam-moi-dinh-dau-426754/