Người dân lưu giữ giấy chứng nhận hiến đất mở đường do ông Nguyễn Bá Thanh ký

Đã gần 17 năm trôi qua nhưng gia đình ông Phan Hiền (93 Lê Duẩn) vẫn trân trọng lưu giữ Giấy chứng nhận do nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh ký ngày 20/11/2000, chứng nhận gia đình ông đã hiến 11,10m2 đất để mở rộng đường Lê Duẩn.

Trân trọng lưu giữ

Dịp 29/3/2017 - kỷ niệm 42 năm giải phóng Đà Nẵng cũng đánh dấu ngày cầu quay Sông Hàn tròn 17 tuổi. Đã có rất nhiều bài báo viết về việc Đà Nẵng vận động mọi tầng lớp nhân dân TP cùng các nhà hảo tâm trong và ngoài nước chung tay đóng góp xây dựng nên cây cầu vừa là biểu tượng văn hóa, vừa là công trình đột phá về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khai phóng cho sự phát triển vượt bậc của bờ Đông sông Hàn và khu vực ven biển Đà Nẵng hiện nay.

Giấy chứng nhận hiến đất mở đường Lê Duẩn do ông Nguyễn Bá Thanh ký đang được gia đình ông Phan Hiền trân trọng lưu giữ (Ảnh: HC)

Giấy chứng nhận hiến đất mở đường Lê Duẩn do ông Nguyễn Bá Thanh ký đang được gia đình ông Phan Hiền trân trọng lưu giữ (Ảnh: HC)

Cùng với việc khởi công xây dựng cầu Sông Hàn hồi tháng 9/1998, Đà Nẵng cũng tiến hành mở rộng tuyến đường Lê Duẩn nối từ chân cầu phía Tây đến ngã ba Cai Lang dài hơn 2km. Tuy nhiên không có nhiều thông tin trên báo chí về việc đây là công trình được xây dựng theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nghĩa là người dân hiến đất, không nhận tiền đền bù, để góp phần cùng nhà nước mở rộng tuyến đường này.

Trong bài “Đường Lê Duẩn: Đổi thay ngoạn mục” trên báo Đà Nẵng ngày 28/1/2015, nhà báo Tiểu Yến kể lại, ông Nguyễn Thành Long, sinh năm 1942, trú tại 27B Thống Nhất (nay là 95 Lê Duẩn) từng hiến đất mở rộng đường Lê Duẩn theo chủ trương nêu trên và gần đây lại tiếp tục chấp nhận giải tỏa một phần để đưa tuyến đường Lê Duẩn trở thành phố chuyên doanh thời trang, khiến nhà của ông vốn có chiều dài 17m rộng rãi, thoáng mát chỉ còn lại 11m.

Mới đây, bạn đọc Phan Nguyệt đã cung cấp cho PV Infonet Giấy chứng nhận của UBND TP Đà Nẵng chứng nhận ba của chị là ông Phan Hiền (ở số 93 Lê Duẩn, phường Tân Chính, quận Thanh Khê) đã hiến 11,10m2 đất để mở rộng đường Lê Duẩn theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Giấy chứng nhận do ông Nguyễn Bá Thanh, khi đó là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký ngày 20/11/2000. Dù đã gần 20 năm trôi qua nhưng giấy chứng nhận này hiện vẫn được gia đình chị Phan Nguyệt bọc nhựa, cất giữ rất trân trọng.

Về một thời đã qua

Bây giờ đi mua sắm trên phố chuyên doanh Lê Duẩn rực rỡ ánh đèn và ken dày các cửa hàng, cửa hiệu thời trang, hẳn nhiều nam thanh nữ tú khó có thể hình dung nổi, gần 20 năm trước, đây chỉ là con đường rộng 9m, dài hơn 2km, nối dài từ ngã ba Cai Lang đến giáp đường Trần Phú với phần lớn là dân tản cư tránh bom Mỹ từ Quảng Nam ra và một số ít hộ dân sống từ thời Pháp thuộc.

Theo một số tài liệu ghi lại, thời Pháp thuộc, đường này mang tên Rue Pigneau de Béhaine - vị giám mục người Pháp qua truyền giáo tại Việt Nam thời Nguyễn Ánh - mà người dân thường gọi là Bá Đa Lộc. Đến năm 1950, đường Rue Pigneau de Béhaine đổi tên thành đường Thống Nhất và đến năm 1987 thì được đổi tên thành đường Lê Duẩn như hiện nay.

Hình ảnh tư liệu đăng kèm theo bài viết này chính là dốc Cầu Vồng (khối phố Cầu Vồng, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, Đà Nẵng) nằm giữa đoạn Lê Duẩn – Ông Ích Khiêm và Lê Duẩn – Ngô Gia Tự. Coi “thê thảm” vậy nhưng theo nhiều người trong ngành GTVT Đà Nẵng thì đây có thể xem là “nút giao thông khác mức” đầu tiên trên địa bàn TP, phía trên là đường bộ, bên dưới là đường sắt.

Ông Phạm Hữu Đăng Đạt, người có nhiều bài viết về chuyện xưa của xứ Quảng kể lại, tương truyền việc quân Pháp cho xây dựng đoạn Cầu Vồng tránh tàu lửa cũng có nguyên nhân của nó. Một lần nọ, vị quan đầu tỉnh có việc đi ô-tô ngang qua đoạn này thì vừa lúc có đoàn tàu vào ga Gare de Tourane Central hú còi, báo hiệu sắp đi qua.

Nhân viên gác barie vội vàng đóng chắn ngăn mọi người băng qua đường sắt để chuẩn bị cho đoàn tàu đi qua. Vị quan ngồi trong xe thấy vậy tỏ ra hậm hực, nghĩ mình đường đường là quan lớn mà gã nhân viên gác barie quèn cũng không nể mặt cho qua trong khi còi tàu hú còn xa, đâu phải đã sắp đến.

Khi tàu lửa đi khỏi, gã lính hầu theo lệnh quan xông tới trừng mắt quát nhân viên gác barie: “Sao thấy xe quan đi qua mà vẫn đóng cổng, bộ không sợ sao?”. Người gác cổng thưa lại: “Tui không đóng cổng thì giờ ni quan đã chết mất rồi. Tàu lửa qua, nó có biết quan mô mà tránh. Lúc đó, ai chịu tội? Quan chớ vua qua tui cũng đóng”.

Dốc Cầu Vồng cách đây gần 20 năm (Ảnh tư liệu)

Nghe viên gác cổng nói thế, gã lính hầu cứng họng không biết đáp sao đành quay lại bẩm sự tình với quan. Quan nghe xong cái lý ấy không biết nói gì nhưng thời gian sau lệnh xuống cho dân các xã Hải Châu, Thạch Thang, Thạc Gián và Tân Chính gánh đất đổ cao xây cái cầu tránh xe lửa mà dân gian thường gọi là Cầu Vồng.

Do tuyến đường không mấy rộng rãi, lại thêm dốc Cầu Vồng khá cao, nằm gần ngã tư Lê Duẩn – Ông Ích Khiêm đông đúc nên khá nguy hiểm cho các phương tiện khi đổ dốc, lại đầy bụi mỗi lần tàu chạy qua nên dù là con đường nối tiếp cửa ngõ phía Bắc TP đến bến phà sông Hàn thưở nào thì không khí mua bán, lưu thông trên đường Lê Duẩn xưa vẫn không thể sánh với các tuyến đường Hùng Vương, Trần Phú, Bạch Đằng...

Cho đến chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, tuyến đường sắt ngang qua dốc Cầu Vồng đây vẫn còn hoạt động. Người viết bài này (vốn sinh ra, lớn lên trong một con hẻm cách đó vài chục mét) vẫn nhớ như in là đã chứng kiến những đoàn tàu chở vũ khí, khí tài ra cảng Tiên Sa vào thời điểm đó. Nhưng lần hồi, tàu hỏa không còn đi qua đây nữa, tuyến đường sắt bị bỏ hoang rồi bị tháo dỡ.

Hầm Cầu Vồng cũng chung cảnh ngộ bị bỏ phế, ngày càng ngập bùn lầy, rác rưởi. Các khu nhà dân thấp bé quanh đó suốt năm này qua năm khác phải chứng kiến cái dốc lừng lững chắn ngay trước mặt, hễ trời mưa là nước từ trên dốc tràn vào nhà; khi có xe lớn chạy qua thì bụi bặm từ trên dốc cũng thốc vào nhà. Cảnh nhếch nhác, ô nhiễm, cơ cực cứ thế bám lấy người dân như một định mệnh...

Vĩ thanh...

Chỉ đến khi Đà Nẵng quyết định xây cầu Sông Hàn, nâng cấp mở rộng đường Lê Duẩn và phá dỡ Cầu Vồng thì định mệnh đó mới chịu từ bỏ người dân nơi đây. Mỗi một cái mới được sinh ra đều phải trải qua những cơn “đau đẻ”. Vấn đề là người dân có được nhìn thấy một cách rõ ràng “cái mới” đó là vì lợi ích chung ngay từ khi nó còn phôi thai hay không để sẵn sàng chấp nhận cùng chung những cơn “đau đẻ”?

Ngày ấy, người Đà Nẵng đã từng rất đồng thuận với việc xóa sổ dốc Cầu Vồng để ra đời cây cầu quay Sông Hàn. Cách đây gần 20 năm, nếu nói các hộ dân trên hai con đường đất chạy dọc hai bên dốc Cầu Vồng sẽ có ngày ra mặt tiền đường Lê Duẩn mà giá đất, giá cho thuê mặt bằng hiện vào Top những tuyến đường đắt nhất Đà Nẵng thì có lẽ sẽ có người cho là... bị hâm, hay ảo tưởng. Nhưng bây giờ thì điều đó đã thành sự thật.

Để có được sự đổi đời, cùng với quyết định đúng đắn của lãnh đạo Đà Nẵng lúc đó thì cần nói đến việc người dân trên tuyến đường này đồng lòng thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khi đó, Đà Nẵng mới tách ra từ tỉnh QNĐN, ngân sách còn hết sức khó khăn (khi còn là TP “cấp huyện” thuộc tỉnh QNĐN, ngân sách dành cho Đà Nẵng hàng năm thậm chí còn thấp hơn ngân sách Hải Phòng dành cho Công ty Vệ sinh môi trường của TP này!).

Với nguồn lực như vậy, nếu người dân không cùng TP quyết liệt vào cuộc thì đường Lê Duẩn rất khó có được diện mạo khang trang, tươi mới như hiện nay. Và nếu như thế thì cầu Sông Hàn cũng khó phát huy hết tác dụng của nó như đã thấy. Nên có thể nói, với việc đồng thuận thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, người dân ở khu vực dốc Cầu Vồng nói riêng, đường Lê Duẩn nói chung không chỉ tự đem lại sự “đổi đời” cho mình mà còn góp phần đem lại cả sự “đổi đời” cho khu vực bờ Đông sông Hàn!

Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm Đà Nẵng giải phóng (29/3/2005), ông Nguyễn Bá Thanh từng nêu rõ: “Sau 8 năm (kể từ ngày Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương - PV), có thể khẳng định: Cái được lớn nhất của Đà Nẵng chính là được lòng dân. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả, Đà Nẵng đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội và chính sự đồng thuận đó trở thành nguồn lực to lớn, ủng hộ, cổ vũ sự nghiệp xây dựng và phát triển TP, là bệ phóng để Đà Nẵng tăng tốc và cất cánh. Cả hệ thống chính trị tuy còn nhiều bất cập nhưng vẫn luôn hướng về dân, gắn bó với dân và ngày càng có trách nhiệm với dân hơn”.

Chuyện về dốc Cầu Vồng, đường Lê Duẩn... chính là những biểu hiện sinh động cho sự đồng thuận và cất cánh đó của Đà Nẵng.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nguoi-dan-luu-giu-giay-chung-nhan-hien-dat-mo-duong-do-ong-nguyen-ba-thanh-ky-post218245.info