Người dân miền Tây Nghệ An tiếp tục hái lá chua ke bán cho thương lái

Những ngày này người dân nhiều huyện miền Tây Nghệ An bắt đầu vào rừng hái lá chua ke bán cho thương lái. Chưa ai hiểu rõ tác dụng thực sự về lá của loài cây thân gỗ này, nhưng vì có nhu cầu nên người dân kéo nhau vào rừng thu hái kiếm tiền.

Trên tuyến đường Châu Thôn - Tân Xuân không khó để bắt gặp hình ảnh lá cây chua ke phơi đầy đường.

Cây chua ke còn được người dân địa phương gọi là cây giang, một loài cây thân gỗ mọc nhiều trong các tán rừng. Mùa Thu là thời điểm người dân hái lá bán cho tư thương.

Tại xã Quang Phong, hằng ngày có nhiều người vào rừng hái lá chua ke về nhập. Trong ảnh là một nhóm phụ nữ ở bản Páo 2 vừa đi hái lá về. Họ ngồi nghỉ ven đường đợi người đến thu mua.

Người dân cho biết, để hái được 1 bì lá chua ke với khoảng 15kg họ phải đi mất 2-3 tiếng đồng hồ. Mỗi ngày một người chỉ có thể hái được 2 bì.

Bà Lô Thị Tuấn, ở bản Pảo 2 cho biết lá chua ke tươi được tư thương thu mua với giá 1.500 đồng/kg. Với khoảng 30kg chua ke hái được, một người chỉ thu được 45.000 đồng.

Ngay tại các bản có nhiều hộ dân cũng thu mua lá chua ke rồi nhập cho thương lái

Người ta phơi lá chua ke tươi ngay trên đường và thường xuyên quét đảo để nhanh khô.

Lá chua ke tươi có đặc điểm mỏng, nhiều xơ, hơi xót nhám

Một ngôi nhà ở bản Pảo 1 trở thành 'trung tâm' thu mua, tập kết lá chua ke. Lá chua ke khô được bán với giá 5.000 đồng/kg.

Những đứa trẻ tìm niềm vui ngay trong không gian tràn ngập lá cây chua ke.

Hiện nay chưa ai biết công dụng thực sự của loài cây này. Tuy vậy theo kinh nghiệm của một số người dân bản địa, đây là một loại dược liệu có thể sắc nấu để uống nhằm 'làm mát' cơ thể, tốt cho hệ tiêu hóa.

Đối tượng thu mua chua ke theo người dân cho biết, chủ yếu là ở huyện Quỳ Hợp lên. Họ mua lá khô sau đó bán sang Trung Quốc.

Một người dân gom lá chua ke sau 1 ngày phơi giữa đường.

Hiện tượng tư thương thu mua lá chua ke đã diễn ra từ vài ba năm nay. Và thực tế theo nhiều người cho hay, việc thu hái chỉ được tiến hành khi lá cây đã già nên không ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng của cây thân gỗ nhỏ này.

Lá cây chua ke phơi trên cầu bản Tang.

Điều đáng lưu tâm hơn cả là việc phơi lá cây giữa đường ít nhiều gây phiền toái cho người và phương tiện tham gia giao thông.

N.Lân - Đ. Tuấn

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/mien-tay-nghe-an/201610/nguoi-dan-mien-tay-nghe-an-tiep-tuc-hai-la-chua-ke-ban-cho-thuong-lai-2742864/