Người đàn ông bị đột quỵ vì bị tăng huyết áp nhưng uống thuốc không đều

Người đàn ông có tiền sử tăng huyết áp phát hiện 2 năm, nhưng không duy trì thuốc hằng ngày, tiền sử đau đầu- chưa kiểm tra mạch máu.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận và điều trị 1 trường hợp chảy máu màng não do vỡ phình động mạch. Đây là một loại đột quỵ.

Người bệnh T.Q.Y, nam, 44 tuổi trú tại xã Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc, có tiền sử tăng huyết áp phát hiện 2 năm, nhưng không duy trì thuốc hằng ngày, tiền sử đau đầu- chưa kiểm tra mạch máu.

Bệnh nhân ở nhà đột ngột xuất hiện tình trạng rối loạn ý thức, đau đầu, nôn nhiều, được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu. Chụp CT có hình ảnh chảy máu dưới nhện, sau chuyển Trung tâm Đột quỵ.

Tại đây, các bác sỹ khảo sát CT mạch máu não, kết quả cho thấy, người bệnh bị chảy máu màng não, có giãn não thất, kèm 01 túi phình ở động mạch thông trước.

Người bệnh được chẩn đoán “chảy máu màng não do vỡ phình mạch thông trước/ tăng huyết áp”.

Người bệnh đã được hội chẩn với kíp can thiệp mạch máu thần kinh của trung tâm Đột quỵ, được chỉ định nút coil xử lý túi phình.

Khi chụp mạch máu não của bệnh nhân, các bác sĩ xác định đây là 1 túi phình kích thước 2x 3cm, cổ 2mm. Các bác sỹ can thiệp đã hội chẩn chuyên môn, mục tiêu nút kín túi phình. Ca can thiệp thành công, chụp kiểm tra lại thấy nút kín hoàn toàn túi phình.

Sau can thiệp 3 ngày, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt, người bệnh tỉnh táo, gọi hỏi biết, cử động được tay chân gần như bình thường.

Theo BSCKI. Nguyễn Anh Minh - Đơn vị Cấp cứu - điều trị tích cực, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, phình mạch não là hiện tượng mạch máu não phình to hoặc căng phồng lên, thường xảy ra ở những vị trí thành mạch bị yếu. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc phinh mạch não như: Tăng huyết áp, thuốc lá, nghiện rượu, lạm dụng chất gây nghiện, nhiễm khuẩn, chấn thương,…

Theo nghiên cứu, khoảng 5% dân số sẽ có phình mạch não. Hầu hết các phình chưa vỡ triệu chứng rất nghèo nàn: đau đầu dai dẳng, nếu phình to chèn ép thần kinh thì có thể có thêm 1 triệu chứng khác: nhìn mờ, sụp mi, yếu-liệt nửa người và người dân thường bỏ quên các triệu chứng đó. Tuy nhiên, khi túi phình vỡ lại rất nặng, nguy cơ tử vong cao, và hầu hết các trường hợp tới giai đoạn này mới phát hiện mình có phình mạch não, các biểu hiện có thể thấy: suy giảm ý thức, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, đau gáy, cứng gáy, co giật,… Lúc này, việc điều trị cũng hết sức khó khăn, có thể để lại di chứng nặng cho bệnh nhân và thậm chí tử vong.

Bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt những bệnh nhân có triệu chứng đau đầu dai dẳng, nên chụp phim có dựng mạch máu não (MRI sọ não, CTA) để kiểm tra mình có phình hay di dạng mạch não không. Những người bệnh có chảy tiền sử túi phình, việc kiểm soát huyết áp là một yếu tố quan trọng để phòng tránh túi phình vỡ.

Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, việc phát hiện sớm túi phình, có kế hoạch điều trị sớm sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong, cũng như tàn phế cho bệnh nhân.

Diệu Thu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-an-ong-bi-ot-quy-vi-bi-tang-huyet-ap-nhung-uong-thuoc-khong-eu-a664703.html