Người đàn ông Nhật xây hầm phòng tên lửa hạt nhân Triều Tiên

Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên càng khiến Yoshihiko Kurotori quyết tâm xây hầm trú ẩn hạt nhân ở hậu viên.

Một cô gái Nhật đi qua màn hình phát tin tức về lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 4/7 tại Tokyo, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sáng cùng ngày. Ảnh: AFP.

Sau thảm họa sóng thần hồi tháng 3/2011, Yoshihiko Kurotori quyết định xây hầm trú ở hậu viên. Nhà ông ở huyện Wakayama, cách bờ biển Thái Bình Dương chỉ một km, là nơi các nhà khoa học cảnh báo chắc chắn sẽ bị động đất và sóng thần tàn phá trong vài thập kỷ tới và ước tính khiến 320.000 người thiệt mạng, theo Guardian.

"Chứng kiến đống hoang tàn nơi từng là nhà ở của nhiều người, tôi nghĩ phải tự bảo vệ mình", Kurotori nói. "Hàng xóm hỏi tôi đang làm gì khi thấy thợ tới đào đất. Họ cho rằng tôi chỉ phí tiền nhưng tôi lại nghĩ không tiền nào mua được mạng sống cả".

Ông mở cánh cửa sắt nặng ra, để lộ một căn phòng bé xíu có tường bằng bê tông cốt thép dày 35 cm. Giữa phòng là một thiết bị thông gió trị giá 160.000 USD, đảm bảo lọc phóng xạ và khí độc thần kinh như VX hay sarin để giữ an toàn cho người bên trong.

Tuy nhiên, vài năm sau, nguy cơ trước một thảm họa nhân tạo xảy ra khiến người giáo viên nghỉ hưu này cho rằng mình hoàn toàn đúng khi bỏ ra hơn 71.000 USD xây cái hầm.

Việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa, đỉnh điểm là vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi đầu tháng 7 khiến người dân bất an và mở ra cuộc phòng thủ dân sự chưa từng có ở quốc gia này kể từ Thế Chiến II.

9 thành phố đã diễn tập sơ tán sau khi tên lửa Triều Tiên phóng xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản hồi tháng 3, nhiều thành phố nữa dự kiến sẽ sớm diễn tập.

Trong buổi diễn tập, tiếng còi cảnh báo của chính phủ hú lên 30 giây qua tivi, giục người dân tìm nơi trú ẩn trong các tòa nhà bê tông vững chãi hay trốn xuống các hầm trú ẩn. Những người mắc kẹt trong nhà nên nằm úp mặt xuống sàn, dưới các vật chắc chắn và tránh xa cửa sổ.

Doanh thu từ việc bán hầm trú hạt nhân, máy lọc khí và mặt nạ khí gas tăng lên.

Công ty của Seiichiro Nishimoto là đơn vị xây hầm trú cho ông Kurotori. Nishimoto cho biết đơn đặt hàng hầm trú đã tăng lên đáng kể từ đầu năm. Công ty có trụ sở tại Osaka, đã bán được hơn 10 hầm trú trong hai tháng qua, gấp đôi số đơn hàng doanh nghiệp từng bán trong một năm.

"Đa số khách hàng lo ngại về nguy cơ Triều Tiên tấn công hạt nhân", giám đốc Nishimoto, 80 tuổi, nói. "Tôi nghĩ chúng tôi phải xây hầm trú khắp Nhật Bản. Mọi người hay kêu tốn kém nhưng loại nhỏ nhất không đắt hơn một chiếc xe hơi gia đình".

Ông đã nhận thêm ba đơn đặt hàng nữa tuần trước và đang đàm phán với một chủ chung cư lắp đặt hầm trú lớn.

Nobuko Oribe, giám đốc công ty Oribe Seiki Seisakusho, cho biết doanh nghiệp đã nhận được gấp đôi đơn đặt hàng trong tháng 4 và tháng 5 so với cả năm 2016.

"Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng lắp hầm, mà chính phủ sẽ không tài trợ khoản này", Oribe nói. "Chúng tôi đã trải qua thảm họa Hiroshima và Nagasaki. Bây giờ, sau hơn 70 năm, mọi người lại lo lắng về tấn công hạt nhân lặp lại".

Nỗi sợ tấn công hạt nhân đã ăn sâu vào tâm lý người dân một quốc gia hai lần bị vũ khí nguyên tử tấn công. Tuy nhiên, theo ông Kurotori, sau hơn 7 thập kỷ hòa bình, người dân Nhật đã dần mất cảnh giác.

"Vấn đề của người Nhật là lúc nào cũng yên tâm sẽ không có chiến tranh xảy ra", ông nói. "Họ cho rằng chính phủ sẽ lo lắng mọi thứ và chừng nào hiến pháp chống phát động chiến tranh còn tồn tại thì chúng tôi vẫn ổn".

"Nhưng hãy nhìn xem, Nhật Bản đang bị bất ổn bao vây, trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, trong vấn đề Biển Đông".

Ông Kurotori đeo mặt nạ phòng độc. Ảnh: Guardian.

Ông Kurotori năm nay 75 tuổi, không chắc mình còn sống để chứng kiến động đất hay sóng thần Nankai dự kiến xảy ra trong vòng 30 năm.

"Đời ăn nhau chữ may, ta sẽ chẳng biết được chuyện gì sắp xảy ra", ông ngẫm nghĩ. "Có thể là ta có mặt ở đâu đó không đúng lúc đúng chỗ".

"Tôi không biết mình sẽ ở đâu khi Triều Tiên tấn công. Tôi cũng hiểu tại sao hàng xóm cho rằng tôi lo lắng quá đà. Nhưng tất cả những gì tôi muốn làm là nâng cao cơ hội sống. Tôi thấy làm vậy chẳng có gì sai cả".

Theo VnExPress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nguoi-dan-ong-nhat-xay-ham-phong-ten-lua-hat-nhan-trieu-tien-202805/