Người đàn ông với hai bản án, VKSND đều kháng nghị…

Đó là trường hợp của ông Mông Sài Hồ, SN 1952, trú tại xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Cho rằng, cả 2 vụ án liên quan đến mình có nhiều uẩn ức, ông này đã gửi đơn đến báo PL&XH.

Cay đắng vì bị con trai tố…

Người đàn ông này không khỏi chua xót khi lần đầu tiên vướng “đáo tụng đình” là từ lời tố của vợ chồng người con trai cả, anh Mông Văn Dũng. Sau khi “dựng vợ” cho con trai lớn, ông Mông Sài Hồ cho vợ chồng anh này mượn khu đất để làm ăn. Năm 2012, cần đất chia cho các con, vợ chồng ông lấy lại thì anh Dũng không chịu.

Ngày 18-12-2012, cụ Dương Thị Chai (mẹ ông Mông Sài Hồ) và bà Âu Thị Thìm, vợ ông, yêu cầu anh Dũng thu dọn, trả lại mặt bằng thì tối đó, ông bị con trai dùng tuýp nước đánh vào đầu đến ngất xỉu. Được cảnh sát 113 tỉnh Lạng Sơn đưa đi cấp cứu tại BV huyện Cao Lộc, ông này phải khâu 7 mũi. Bỏ qua chuyện đó, ngày 18-7-2013, gia đình ông tiếp tục họp bàn về việc san lấp mặt bằng diện tích đất trước cửa nhà. Bàn xong, bà Thìm dặn anh Dũng thu dọn tài sản. Sáng hôm sau, khi gia đình tiến hành tháo dỡ bức tường bao, san ủi mặt bằng, vợ chồng anh Dũng có mặt và không có ý kiến gì. Tuy nhiên vài ngày sau thì họ có đơn gửi CA huyện Cao Lộc tố cáo bố mình về hành vi hủy hoại tài sản.

Không chỉ ông Sài Hồ, cả em trai của anh Dũng cũng bị vướng vào vụ án này. TAND huyện Cao Lộc đã tuyên ông Mông Sài Hồ 6 tháng tù treo về tội “Hủy hoại tài sản”, Mông Văn Đông 4 tháng tù với cùng tội danh. Dù hai bố con kêu oan nhưng HĐXX phúc thẩm của TAND tỉnh Lạng Sơn bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm. Ngay sau đó, VKSND cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 43/2015/HSST ngày 30-6-2015 của TAND huyện Cao Lộc và Bản án hình sự phúc thẩm số 40/2015/HSPT ngày 24-9-2015 của TAND tỉnh Lạng Sơn. VKSND cấp cao đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án nêu trên để điều tra lại.

Bà Âu Thị Thìm trao đổi về các vụ án mà chồng mình là “nhân vật” chính. Ảnh: H.Đỗ

Ấm ức vì hàng xóm “vu”chiếm đất

Bản án hình sự trên chưa ráo mực thì ngày 29-1-2016, TAND huyện Cao Lộc lại xét xử vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất mà bị đơn là ông Mông Sài Hồ; nguyên đơn là ông Vũ Đức Hiền, SN 1952, hàng xóm.

Như trình bày của ông Hiền, năm 2013, ông nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa số 52, 58, 65 tờ bản đồ số 9 bản đồ địa chính thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, của gia đình ông Mông Văn Phùng. Năm 2013, mảnh đất này, ông Hiền được UBND huyện Cao Lộc cấp sổ đỏ. Ngày 21-1-2015 thì xảy ra tranh chấp với hộ ông Mông Sài Hồ. Nguyên đơn yêu cầu TAND huyện Cao Lộc công nhận quyền sử dụng 171,9m2 của 3 thửa đất trên và 3 cây bạch đàn, 4 cây nhãn, 2 cây xoan, 1 biển quảng cáo kèm yêu cầu bồi thường thiệt hại 40 triệu đồng do không được sử dụng đất.

Giải quyết vụ án dân sự này, ngày 12-8-2015, TAND huyện Cao lộc trưng cầu Cty CP Tư vấn tài nguyên số 1 Lạng Sơn giám định vị trí, diện tích cụ thể 3 thửa đất. Khi có kết quả giám định, ông Hiền thay đổi yêu cầu khởi kiện, đề nghị tòa công nhận quyền sử dụng đất cho ông đối với một phần thửa đất số 52 (39,7m2), toàn bộ diện tích thửa số 58 (53,5m2), toàn bộ thửa số 65 (59,4m2) theo sơ đồ và tọa độ thửa đất do Cty CP Tư vấn tài nguyên số 1 Lạng Sơn đo đạc và yêu cầu chủ sở hữu phải tháo dỡ công trình trên đất.

Ông Mông Sài Hồ không đồng tình với lý lẽ rằng, nguồn gốc các thửa đất là của tổ tiên để lại cho cụ Mông Tiến Anh, bố ông. Gia đình ông quản lý, sử dụng diện tích đất từ năm 1981và được UBND xã Hợp Thành quyết định cấp đất. Nhưng do không bảo quản tốt, giấy tờ đã hư hỏng. Bị đơn khẳng định, trên diện tích đất này không có cây cối. Các cây mà ông Hiền trình bày nằm ngoài thửa đất, chỉ có 1 biển quảng cáo của nguyên đơn cắm xuống thửa đất của hộ này. Vì vậy, bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, yêu cầu hủy 2 sổ đỏ đã cấp cho hộ ông Phùng, Hiền.

Trong khi đó, cụ Mông Tiến Anh cho hay, năm 1955, khi tha hương vào Lâm Đồng sinh sống, cụ không chia đất cho ai, chỉ để lại cho vợ (cụ Dương Thị Chai) quản lý, chứ chưa chia đất cho ông Mông Sài Hồ.

Anh Hoàng Văn Du, người được tòa xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày, năm 2014, anh có xây một nhà tạm. Nay, ông Hiền yêu cầu anh tháo dỡ phần nhà tạm mà ông cho rằng đã lấn chiếm vào diện tích đất tranh chấp thì anh không đồng ý. Bởi, trước khi xây dựng, ông Phùng đã kè đá, anh chỉ xây trên diện tích đất nhà mình. Đất này, anh được hộ ông Mông Sài Hồ cho năm 2014.

Có lời khai tương tự, anh Hoàng Trọng Nhu nói, sau khi tiến hành giám định thửa đất, xác định trên thửa số 65 có một phần nhà vệ sinh của gia đình anh xây dựng vào năm 2013. Anh khai, khi xây không ai có ý kiến vì lúc đó, ông Hiền đã xây dựng kè đá. Do đó, anh không đồng ý phá dỡ vì không lấn chiếm đất của ông Hiền.

Dù vậy, HĐXX sơ thẩm của TAND huyện Cao Lộc đã xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận quyền sử dụng 152,6m2 đất thuộc một phần thửa đất số 52, 58, 65 tờ bản đồ số 9 bản đồ địa chính thị trấn Cao Lộc; buộc anh Du phải tháo dỡ phần nhà tạm xây dựng lấn chiếm trên thửa đất số 52; buộc anh Nhu tháo dỡ một phần nhà vệ sinh xây dựng lấn chiếm trên thửa đất số 65 và một phần nhà vệ sinh xây dựng trái phép trên đất hành lang giao thông. Bác yêu cầu của ông Mông Sài Hồ, bà Chai về việc hủy quyết định cấp sổ đỏ cho các hộ…

Ông Mông Sài Hồ kháng cáo toàn bộ bản án. VKSND tỉnh Lạng Sơn cũng có kháng nghị vì cho rằng, quá trình xét xử, tòa cấp sơ thẩm đã vi phạm về thu thập tài liệu, chứng cứ và xác định tư cách đương sự. Cụ thể, VKSND tỉnh khẳng định, TAND huyện Cao Lộc chưa xác định diện tích đất tranh chấp có một phần nhà tạm mà anh Hoàng Văn Du xây trên một phần thửa đất số 52, một phần nhà vệ sinh của anh Hoàng Trọng Nhu xây trên một phần thửa đất số 65 nhưng buộc hai người tháo dỡ.

Yêu cầu khởi kiện buộc tháo dỡ tài sản trên đất tranh chấp là yêu cầu khởi kiện bổ sung. Bản án sơ thẩm đã buộc anh Du, Nhu phải tháo dỡ tài sản trả lại diện tích đất tranh chấp nhưng không thông báo thụ lý bổ sung cho hai người này biết về yêu cầu khởi kiện của ông Hiền với phần công trình xây dựng trên đất tranh chấp. Điều này dẫn đến việc xác định anh Du, Nhu là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là xác định sai tư cách đương sự.

VKSND còn chỉ rõ những sai sót về việc tòa tuyên nghĩa vụ nộp tiền chi phí định giá đối với ông Mông Sài Hồ, xác định thiếu quan hệ xã hội… Từ đó, VKSND tỉnh Lạng Sơn đề nghị TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên hủy án sơ thẩm.

Ngày 23-8-2016, TAND tỉnh Lạng Sơn đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án dân sự này theo kháng nghị của VKSND tỉnh. Nhưng sau khi kéo dài thời gian nghị án và dự kiến tuyên án vào ngày 26-8-2016 thì TAND tỉnh Lạng Sơn bất ngờ thông báo, sẽ xem xét thẩm định tại chỗ diện tích đất tranh chấp tại các thửa 52, 58, 65 tờ bản đồ số 9 bản đồ địa chính thị trấn Cao Lộc, của anh Du, anh Nhu (?).

Luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn LS TP Hà Nội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, phân tích: “Vụ án được xét xử phúc thẩm theo quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh Lạng Sơn. Nhưng HĐXX lại ra quyết định đo đạc lại phần đất của các đương sự (anh Hoàng Trọng Nhu, Hoàng Văn Du) mà tại phiên phúc thẩm, ông Hiền đã rút yêu cầu khởi kiện liên quan đến phần tranh chấp trên với họ là vượt quá phạm vi, thẩm quyền của HĐXX”.

Đáng nói, ông Long khẳng định, đơn khởi kiện của ông Hiền xác định sai tư cách chủ thể. Theo Công văn số 401/UBND ngày 24-9-2013, UBND thị trấn Cao Lộc, nguồn gốc đất là của cụ Mông Tiến Anh, cụ Dương Thị Chai… Cụ Mông Tiến Anh chưa làm thủ tục chuyển quyền toàn bộ khu đất trên cho cụ (Dương Thị Chai). Như vậy, chủ sở hữu hợp pháp của khu đất này là cụ Mông Tiến Anh. Ông Hiền lại khởi kiện ông Mông Sài Hồ, con trai cụ Mông Tiến Anh, là sai chủ thể.

Do đó, luật sư đồng quan điểm với VKSND tỉnh, cần phải hủy bản án sơ thẩm.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/ban-doc/nguoi-dan-ong-voi-hai-ban-an-vksnd-deu-khang-nghi-117461