Người dân tộc Mường với 7 'bao tải' tài liệu làm nên 'bảo tàng ngôn ngữ '

Đây là tiết lộ của ông Lưu Xuân Lý (Hà Lý) trong cuộc giao lưu tại Ngày hội sách 2017 diễn ra ở Thư viện Quốc gia Việt Nam tuần qua.

Theo đó, nhà nghiên cứu dân gian Bùi Thiệu, đã có công bỏ ra 40 năm sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân tộc Mường. Nhà nghiên cứu Bùi Thiện là người cùng quê với ông Lưu Xuân Lý (còn có bút danh Hà Lý), vì tin tưởng và có lẽ kỳ vọng số “tài sản chữ nghĩa” này sẽ có ích khi chuyển đến cho người đồng hương. Thế là một ngày đẹp trời, khi đó ông Hà Lý còn chưa làm giám đốc NXB Văn hóa dân tộc thì nhà nghiên cứu Bùi Thiệu gửi đến 7 bao tải tài liệu vừa đánh máy mổ cò, vừa viết tay với khoảng 4.000-5.000 trang. Khi tiếp nhận số tài liệu khá lớn này, ông Hà Lý đánh giá đây là một di sản khổng lồ và là những tư liệu vô cùng quý giá. Thế là suốt gần 4 năm trời, ông Hà Lý đã tỉ mẩn lựa chọn, chỉnh lý… số tư liệu đó một cách cẩn trọng và sau đó đánh máy lại toàn bộ để hoàn chỉnh thành một cuốn sách có dung lượng hơn 1.000 trang với tên gọi: “Diễn xướng nghi lễ - Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch Hội xuất bản Nguyễn Kiểm và đồng tác giả Hà Lý trong buổi giao lưu.

Cuốn sách “Diễn xướng nghi lễ - Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường” đã được Hội xuất bản Việt Nam trao giải Vàng sách hay. Đánh giá về giá trị nội dung tác phẩm, ban tổ chức giải thưởng cho biết lý do trao giải cao nhất: Tác phẩm “Diễn xướng nghi lễ - Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường”viết về diễn xướng, nghi lễ của dân tộc Mường. Đây là một công trình có thể ví như một dạng bách khoa toàn thư về văn hóa cổ truyền người Mường dựa trên 7000 trang di cảo của nhà nghiên cứu văn hóa người Mường Hòa Bình để lại.

Rất tiếc, khi cuốn sách được vinh danh thì tác giả Bùi Thiện đã mất, không kịp chứng kiến và nhìn thấy công sức của mình đã được ghi nhận xứng đáng.

Đồng tác giả của cuốn sách, ông Hà Lý cũng cho biết, sở dĩ ông quyết định bắt tay thực hiện cuốn sách bởi nhìn thấy giá trị văn hóa, chứ ngay cả tiền nhuận bút hay tiền giải thưởng của cuốn sách cộng lại cũng không đủ trang trải cho việc đánh máy. Nói về giá trị của cuốn sách, người tuyển chọn cho biết thêm: Có điều rất kỳ lạ là người Mường ở rất nhiều vùng miền gần như là có cùng ngôn ngữ và có cùng cội nguồn với người Kinh nhưng mà lại không có chữ viết. Văn hóa dân gian của người Mường được bảo tồn ở hình thức diễn xướng. Diễn xướng, ngoài ngôn ngữ của dân ca thì có một diễn xướng quan trọng là diễn xướng nghi lễ. Và diễn xướng trong nghi lễ thì dường như người Mường đã bảo toàn khoảng 4- 5 vạn câu thơ để truyền lại cho thế hệ sau. Có 3 thể loại rất quan trọng gồm: hát Mo, hát Trượng, hát Mỡi. Tất cả nghi lễ này gắn với tâm linh và phải diễn xướng thành thơ.

Xưa nay chúng ta hiểu Mo Mường là sử thi "Đẻ đất đẻ nước", nhưng sử thi đó chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng diễn xướng nghi lễ gắn với vòng đời tang ma của người Mường. Nguyên Mo Mường đã có khoảng 12 nghìn câu thơ. Còn "Trượng" thì như một loại hình diễn xướng khác, thường cầu phúc, cầu an… cũng hàng chục nghìn câu thơ.

Sách được vinh danh giải Vàng sách hay năm 2016 (hàng trên, ngoài cùng bên phải) của Hội xuất bản Việt Nam.

Tất cả những cái này hình như đâu đó là những giá trị người Việt, Kinh, Mường hiện nay. Ví dụ nghi lễ ở đền Hùng có rất nhiều nghi lễ và cách thức giống của người Mường như đánh trống đồng, sự tích làm trống đồng. Hoặc trong ngôn ngữ tồn tại từ “tre pheo”, người Mường gọi cây tre là pheo… hay nhiều từ cổ ngày xưa cũng có sự tương đồng và ảnh hưởng đến nhiều vùng miền – ông Hà Lý đưa ra một vài ví dụ.

Đánh giá về giá trị văn hóa từ cuốn sách đối với hôm nay, người tuyển chọn Hà Lý nhận định: Trong Mo Mường nhiều sử kiện không cần lấy văn tự, lấy giấy sách ra đọc. Và diễn xướng này, ngoài giá trị văn hóa, văn học còn có giá trị nhận thức. Trong cuốn sách này nếu dịch ra văn chương có thể viết được mấy quyển sách về những truyện cổ tích, sự tích… và nhiều vấn đề khác nữa.

Nói về những người làm nên cuốn sách có giá trị văn hóa to lớn này, nhà sử học Dương Trung Quốc trân trọng và biết ơn họ. Dù họ có thể khó khăn về điều kiện vật chất, nhưng bằng tình yêu quê hương, dòng tộc của mình, mà dành mấy chục năm sưu tầm và cất giữ nguồn tư liệu để làm nên cuốn sách. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, trong lịch sử có rất nhiều con người như thế. Việc anh Hà Lý đầu tư thời gian để có được cuốn sách đã chứng minh giá trị của văn hóa được gìn giữ và trao truyền.

Còn ông Nguyễn Kiểm – phó chủ tịch thường trực Hội xuất bản Việt Nam đánh giá hơn 1.000 trang sách của cuốn sách mà độc giả được cầm trên tay như thế này nhưng sức nặng của nó có thể nói là bằng hàng ngàn năm. Cuốn sách mang đến một hình dung không gian sống của tổ tiên ta vô cùng bao la chứ không chỉ gói gọn trong địa giới hành chính quốc gia. Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc thì có thể cộng đồng người Việt là sự kết hợp, phát triển nhanh từ người Việt cổ, người Mường kết hợp sự di dân của khu vực xung quanh… đây có thể là một giả thiết khoa học lịch sử. Cái không gian hàng ngàn năm ấy và những giá trị văn hóa tinh thần gói gọn trong hơn 1.000 trang sách như một bảo tàng bằng ngôn ngữ giúp cho chúng ta sau này hình dung lại những gì ông cha đã đi qua, yêu mến, say đắm và trăn trở.

Tôn vinh sách, văn hóa đọc... những con người như ông Bùi Thiện, Lưu Xuân Lý thật đáng trân trọng và cần nhiều lắm trong cuộc sống hôm nay.

Cuốn sách “Diễn xướng nghi lễ - Di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường” do ông Lưu Xuân Lý (Hà Lý), nguyên Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc, nguyên Giám đốc NXB Văn hóa Dân tộc (Bộ VHTTDL) tuyển chọn, chỉnh lý dựa trên di cảo của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Thiện.

Nhị Xuân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/nguoi-dan-toc-muong-voi-7-bao-tai-tai-lieu-lam-nen-bao-tang-ngon-ngu-236207.html