Người dân tự đàm phán mua điện tái tạo với doanh nghiệp, giá điện sẽ cạnh tranh

Theo chuyên gia, việc có cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các dự án năng lượng tái tạo với khách hàng lớn giúp thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, song cần đẩy nhanh tiến độ của thị trường điện.

Đề xuất cơ chế mua bán điện trực tiếp

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA). Tại dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương xây dựng mô hình này theo hai phương án, gồm qua đường dây riêng và lưới quốc gia (tức qua EVN). Nguồn cung ứng là các nhà máy năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) công suất trên 10 MW nếu nối lưới hoặc không giới hạn công suất nếu qua đường dây riêng.

Dự thảo Nghị định về cơ chế DPPA tập trung vào 2 chính sách: mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua đường dây truyền tải riêng và mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua lưới điện quốc gia.

Cùng với dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương cũng gửi kèm báo cáo đánh giá tác động về chính sách với những phân tích cụ thể về 2 phương án đối với mỗi chính sách.

Đối với chính sách mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án 2 vì có nhiều tác động tích cực. Cụ thể về kinh tế sẽ tạo động lực và khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo; tạo ra cơ hội việc làm mới cho người dân; giảm chi phí vận hành trung gian, tăng tính hiệu quả trong việc sử dụng điện.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp cho phép khách hàng chủ động chọn nguồn cung cấp điện.

Phương án 2 về mặt xã hội – môi trường, sẽ giúp khách hàng chủ động lựa chọn nguồn cung cấp điện; có quyền kiểm soát hơn về nguồn điện và các dịch vụ kèm theo. Khuyến khích sử dụng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần vào mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng gây ô nhiễm.

Dự thảo quy định bên mua trong cả hai trường hợp là tổ chức, cá nhân dùng điện sản xuất từ cấp điện áp 22 kV trở lên, lượng tiêu thụ bình quân hàng tháng từ 500.000 kWh. Những khách hàng có nhu cầu sử dụng ít hơn, như doanh nghiệp sản xuất nhỏ hay hộ gia đình chưa được mua bán trực tiếp.

Ngay sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương sẽ triển khai các công tác rà soát, tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện Dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét phê duyệt.

Theo Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ chế DPPA sẽ giúp giải quyết cung cầu năng lượng tái tạo. Đây có thể là giải pháp gỡ khó cho nhiều dự án năng lượng tái tạo chậm thời điểm giá FIT (giá ưu đãi cố định). Ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển, có thể sử dụng năng lượng tái tạo để thực hiện các trách nhiệm ESG (các yếu tố liên quan tới định hướng phát triển xanh bền vững của doanh nghiệp) trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, với mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, VCCI cho rằng tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể. Do đó, VCCI đề nghị mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu tham gia, thay vì giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn.

Cùng lý do mua bán qua đường dây riêng ít tác động hệ thống, VCCI cho rằng yêu cầu công trình nguồn điện phải phù hợp với quy hoạch là "không thực sự cần thiết". Trường hợp vẫn lo ngại tác động tiêu cực khi công suất dư thừa phát lên hệ thống, tổ chức này đề xuất bổ sung quy định các bên phải lắp thiết bị chống phát ngược lên lưới. Ngoài ra, hiện dự thảo quy định khách hàng mua trực tiếp qua hình thức này phải đầu tư hạ tầng lưới điện, có đội ngũ quản lý, vận hành lưới. Theo VCCI, việc này nên để hai bên tự thỏa thuận, trách nhiệm có thể thuộc về đơn vị phát điện, hoặc khách hàng.

Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, việc có cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các dự án năng lượng tái tạo với khách hàng lớn giúp thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, song cần đẩy nhanh tiến độ của thị trường điện để cơ chế phát huy hiệu quả.

"Chúng ta không thể chơi một cuộc chơi mà một mặt vừa đòi hỏi thị trường hóa, vừa phải giảm bớt thị trường độc quyền của EVN. Vì vậy, khi đi vào vận hành cơ chế mới sẽ cần tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện, tiến tới thị trường điện cạnh tranh", ông Sơn nói.

Cú hích trong cạnh tranh ngành năng lượng

Theo chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình, một hợp đồng mua bán điện trực tiếp là hợp đồng mà bên mua cam kết mua một phần, hoặc toàn bộ điện của một nhà máy điện (thường là nhà máy điện gió, điện mặt trời, hay các dạng năng lượng tái tạo khác, thậm chí cả điện hạt nhân).

Các hợp đồng mua bán điện ở nước ngoài thường có thời hạn dài 10-15 năm, đảm bảo bên bán tìm được nguồn cung cấp tín dụng cho đầu tư vào năng lượng tái tạo. Với thời hạn đó, bên bán đủ thuyết minh thời hạn hoàn vốn và có lãi nên dễ dàng tìm được ngân hàng cấp tín dụng. Với thời hạn dài, giá mua điện sẽ được chiết khấu tới mức thấp cho bên mua khi mà trên thị trường nhu cầu điện dự đoán sẽ tăng đột biến do nhu cầu xe điện, kéo theo giá điện tăng.

Ở Trung Quốc và Thái Lan, công ty điện lực phải trả phí trực máy cho các nhà máy điện khí theo kW/tháng, dù họ có phát điện hay không. Nhờ đó, các công ty điện lực có thể đảm bảo nguồn cung điện luôn ổn định.

Để thực hiện được cơ chế mua bán điện trực tiếp ở Việt Nam, theo chuyên gia Đào Nhật Đình, các công ty cần hợp đồng mua bán điện trực tiếp (ở Việt Nam gọi là DPPA) theo dạng kết nối trực tiếp sẽ có xu thế mua các nguồn thủy điện lớn của Việt Nam, vì giá rẻ và có nguồn điện ổn định quanh năm. Các nguồn thủy điện nhỏ và vừa cũng có thể được ngắm tới, vì nguồn rẻ và ổn định trong thời gian nhất định, còn lại họ mua điện lưới. Do đó, Chính phủ cần giữ các nguồn này cho hệ thống điện chung, không cho mua bán trực tiếp.

Chi phí truyền tải của Việt Nam hiện tại quá thấp so với các nước có hệ thống tương đương, có thể chưa phản ánh hết chi phí thực sự nếu hạch toán đầy đủ và độc lập theo khoảng cách, cũng như vị trí truyền tải. Do đó, hợp đồng DPPA có thể sẽ lợi dụng để hưởng chi phí truyền tải thấp.

Khi được thực thi, các hợp đồng DPPA cũng tạo ra áp lực lớn cho lưới điện buộc phải cân bằng với lượng điện năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng. Do đó, cần phải có các chính sách điều độ thích hợp với khả năng chịu tải của lưới điện.

Theo chuyên gia, hiện tại Việt Nam chưa áp dụng giá điện 2 thành phần, nên việc chuẩn bị và duy trì sẵn sàng công suất cung cấp cho trung tâm dữ liệu có DPPA với một số nhà máy năng lượng tái tạo trở nên cực kỳ tốn kém (nếu chỉ bán điện theo lượng điện năng cung cấp thực sự theo yêu cầu luôn đột xuất trong khung giá thị trường bị giới hạn). Không có phí công suất sẽ tạo ra kinh doanh không bình đẳng, vì EVN không có tiền duy trì công suất trực sẵn sàng phát điện.

Cơ chế DPPA từng nhiều lần được các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đề nghị Việt Nam sớm thí điểm, bởi họ cho rằng chính sách này sẽ tác động tích cực vào cạnh tranh ngành năng lượng. Một số tập đoàn lớn có nhu cầu tham gia có tổng sản lượng tiêu thụ bình quân tháng đều lớn hơn 1.000.000 kWh mỗi tháng.

Khảo sát cuối năm ngoái của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 20 doanh nghiệp lớn muốn mua điện trực tiếp, tổng nhu cầu gần 1.000 MW. Cùng đó, có 24 dự án năng lượng tái tạo với công suất 1.773 MW muốn bán điện qua cơ chế DPPA, 17 dự án có công suất 2.836 MW cân nhắc tham gia.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-tu-dam-phan-mua-dien-tai-tao-voi-doanh-nghiep-gia-dien-se-canh-tranh-169240507110929489.htm