Người dân Yên Bái nô nức đi lễ đầu năm

Với mỗi người dân Việt Nam nói chung, Yên Bái nói riêng đi lễ đầu năm là nét văn hóa truyền thống từ ngàn đời. Đi lễ không chỉ để cầu những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân bạn bè mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, để tâm hồn thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân.

Người dân đi lễ tại chùa Ngọc Am, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Người dân đi lễ tại chùa Ngọc Am, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Ngay trong đêm giao thừa, hàng trăm phật tử và du khách thập phương đã tới chiêm bái, hành lễ, tại Chùa Tùng Lâm (Ngọc Am) ở phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái. Bà Phạm Thị Hợp, tổ 1, phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Năm nào cũng vậy, sau khi chuẩn bị lễ gia tiên tôi lại cùng gia đình ra chùa dâng lễ, cầu năm mới mạnh khỏe, bình an”.

Được khởi dựng cuối triều Nguyễn (thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20), chùa Ngọc Am do một số nhà buôn và chủ thuyền vận tải đường sông người Việt ở Kẻ Chợ (Hà Nội), Trúc Phê (Hưng Hóa) và Bạch Hạc chở hàng lên bán ở Tuần Quán, Lào Cai, đỗ nghỉ ở bến Tuần Quán và suốt dọc sông lên tới điểm đầu thành phố Yên Bái. Họ dừng chân tại bến bãi trên, để cầu bình an, may mắn cho "nhân khang, vật thịnh”. Trên những cung đường sông nước, họ góp tiền dựng "am”.

Ngôi chùa này, ban đầu được bằng những vật liệu đơn sơ, như tranh, tre, nứa, lá đã góp phần từng bước hình thành đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần cho nhân dân nơi đây và khách buôn trên sông. Trải qua lịch sử hàng trăm năm, vượt qua thiên tai và chiến tranh, chùa đã trở thành chứng tích hiện hữu gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của thị xã Yên Bái trước đây và thành phố Yên Bái ngày nay. Chùa Ngọc Am, đã được Ủy ban nhân tỉnh Yên Bái công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2007.

Ngoài dịp mùng Một, ngày rằm, hàng năm, tại chùa diễn ra nhiều nghi lễ Phật giáo quan trọng, như: Lễ giỗ Tổ sư Thích Đàm Phúc (ngày 06 tháng Giêng), Lễ Phật đản (ngày 08/4 Âm lịch), Lễ Vu lan báo hiếu (Rằm tháng 7), tết Trung thu (Rằm tháng 8), tiệc Tất niên (Rằm tháng Chạp)…Vào những dịp này, nhà chùa thu hút đông đảo người nhân dân địa phương, bà con phật tử và du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái.

Trên hành trình du lịch tâm linh mùa xuân, đền Tuần Quán là một điểm đến. Ngôi đền tọa lạc tại bờ phải cửa ngòi Tuần Quán, chảy ra tả ngạn sông Hồng thuộc tổ Bách Lẫm, phường Yên Ninh. Đền Tuần Quán có tên gọi là Đền thần Diệp Phu nhân Bách Lẫm. Từ cuối thế kỷ 19 đến nay, đền chính thức có tên là đền Tuần Quán. Hàng năm vào mùa xuân, đền Tuần Quán tổ chức lễ Thượng Nguyên (15/ tháng Giêng Âm lịch); Chính tiệc, còn gọi là Hội mẹ (ngày 3/3 Âm lịch) ; mùa hạ (ngày 15/5 Âm lịch), đền tổ chức lễ giỗ quan lớn Tuần Chanh (tiệc vừa); mùa thu, có tiệc Đức Thánh Trần, còn gọi tiệc Cha (ngày 20/8 Âm lịch) và mùa đông có lễ tất niên (25 tháng Chạp Âm lịch).

Người dân thành kính dâng lễ tại đền Mẫu Thác Bà tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình.

Người dân thành kính dâng lễ tại đền Mẫu Thác Bà tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình.

Hòa vào dòng người đi lễ đầu năm, bất kì ai cũng cảm nhận được không khí linh thiêng, giao hòa của đất trời vào xuân. Chị Nguyễn Thị Vân, tổ 11, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho hay: "Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, bộn bề, nhưng tết đến, đi lễ như thế này giúp tôi thấy thư thái, quên đi những phiền lo của năm cũ để đón chào một năm mới rực rỡ, nhiều may mắn”.

Đi lễ để cầu an gia đạo và tận hưởng không khí xuân. Vì vậy, nhiều người dân và du khách đã lựa chọn điểm đến là đền Đông Cuông, huyện Văn Yên. Đông Cuông là ngôi đền cổ nằm bên dòng sông Hồng thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.

Từ lâu, Đông Cuông đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm ven sông Hồng. Ngôi đền là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ở đền Đông Cuông, hình tượng Mẫu Thượng ngàn cai quản 81 cửa rừng có sự pha trộn, chồng lớp bởi nhiều truyền thuyết ở các thời đại khác nhau. Ở đền Đông Cuông, Mẫu Thượng ngàn là bậc anh linh, quyền cao tối thượng nhưng gần gũi, bình dị trong đời sống tâm linh của người dân.

Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt, có vị trí quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng ngàn. Đền Đông Cuông là một trong hai đền lớn ở thượng lưu sông Hồng.

Tháng 1/2023, Lễ hội Đền Đông Cuông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài tuần rằm, mùng Một, "tứ thời bát tiết", đền Đông Cuông có hai lễ chính vào ngày Mão tháng Giêng và ngày Mão tháng Chín. Mỗi năm, có tới hàng vạn lượt khách hành hương tìm về đền dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh, cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an. Về Lễ hội Đền Đông Cuông, du khách như được sống lại những giờ phút lịch sử với lễ mổ trâu khao quân, lễ rước Mẫu sang sông và cùng tham gia các trò chơi dân gian.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, du khách Hà Nội cho hay: "Nhiều năm nay, mỗi dịp đầu xuân trong chuyến du xuân vùng Tây Bắc, gia đình tôi lại đi lễ từ đền Thượng, đền Bảo Hà, đền Đông Cuông. Đi được vậy tôi cảm thấy tâm an, mọi việc đều thuận lợi. Hiện đã có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nên đi lại khá thuận tiện”.

Yên Bái là tỉnh miền núi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa lâu đời, ngày càng thu hút du khách thập phương tới hành hương, chiêm bái. Khu vực thành phố Yên Bái và dọc sông Hồng là một dòng chảy văn hóa với nhiều danh thắng, di tích và là nơi tập trung các lễ hội tâm linh, tín ngưỡng như: đền Đông Cuông, đền Nam Cường, đền Tuần Quán, đền Nhược Sơn, chùa Am...

Cùng với đó là vùng sông Chảy là nơi hội tụ các di tích văn hóa - lịch sử như quần thể Di tích khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại (Lục Yên) hay ở hữu ngạn dòng sông Chảy là đền Mẫu Thác Bà thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình. Hàng năm, các lễ hội được duy trì tổ chức để khi Tết đến xuân sang lại rộn ràng người người đi du xuân lễ chùa cầu an, cầu may.

Minh Huyền

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/318301/di-le-dau-nam.aspx