Người đang đương chức thực hiện hành vi hối lộ nhà báo xử lý thế nào?

Tội đưa hối lộ là một trong những nguyên nhân gây nên tệ nạn hối lộ, gây tác hại nhiều mặt đến việc thực hiện chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Liên quan đến việc một nhà báo bị bắt khi nhận tiền của doanh nghiệp, sau khi bị bắt, nhà báo này tiếp tục khai nhận việc nhận tiền của một giám đốc Sở. Về việc này, tại cuộc họp báo thông tin tình hình kết quả công tác ngành công an 6 tháng đầu năm do Bộ Công an tổ chức, Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cho biết cơ quan công an đang tập trung điều tra làm rõ và không thể trả lời khi chưa có kết luận. Vậy, khi giám đốc Sở kia có hành vi đưa hối lộ sẽ bị xử lý thế nào?

Người đưa hối lộ với số tiền 200 triệu có thể bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm tù. Ảnh minh họa

Người đưa hối lộ với số tiền 200 triệu có thể bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm tù. Ảnh minh họa

Phóng viên Chất lượng Việt Nam đã có cuộc trao đổi với luật sư Trịnh Anh Dũng (Văn phòng luật sư Trịnh). Theo đó luật sư phân tích, một người chủ động đưa tiền hoặc lợi ích vật chất cho người có chức vụ, quyền hạn để người đó làm hoặc không làm một việc trái công vụ thì hành vi đó có dấu hiệu phạm vào tội đưa hối lộ.

Một người bị người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình đe dọa người khác buộc phải đưa tiền hoặc lợi ích vật chất trái với ý chí của họ, thì người đưa tiền hoặc lợi ích vật chất được xác định là người bị hại. Nếu có căn cứ xác định ông giám đốc Sở kia chủ động tiếp cận và đưa cho nhà báo số tiền 200 triệu để nhà báo không đăng bài về ông này thì hành vi đưa và nhận tiền có dấu hiệu phạm vào các tội đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Ngược lại, nếu có căn cứ chứng minh nhà báo chủ động tiếp cận ông giám đốc Sở đe dọa nếu ông này không đưa 200 triệu thì sẽ đăng bài viết về các tiêu cực của ông này, khiến ông này lo sợ buộc phải đưa cho nhà báo số tiền 200 triệu thì ông giám đốc được xác định là người bị hại bị chiếm đoạt tài sản.

Với số tiền đưa hối lộ 200 triệu đồng, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 điều 289 BLHS với khung hình phạt từ 13 đến 20 năm.

Tội đưa hối lộ được quy định tại điều 289 BLHS.

Điều 289 - Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;

e) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:

a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.

6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ".

Minh Châu

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nguoi-dang-duong-chuc-thuc-hien-hanh-vi-hoi-lo-nha-bao-xu-ly-the-nao-d124295.html