Người đảng viên bình dị

(CAO) Anh là Trần Thanh Chương - Trưởng Phòng CSHS công an tỉnh Đắk Lắk. Tôi gặp anh năm 2004, khi đó anh là người chỉ huy mới của đơn vị. Do chủ trương luân chuyển cán bộ lãnh đạo chỉ huy của công an tỉnh nên tôi có cơ may được gặp anh.

Anh Trần Thanh Chương trong một buổi đại hội

Tôi gọi đó là cơ may vì với tôi cũng như bao cán bộ chiến sỹ trẻ trong đơn vị, anh như một người cha đầy tình thương trách nhiệm, người anh tận tình. Năm đó tôi 25 tuổi, anh 50 tuổi. Tuổi anh đáng ra tôi phải gọi bằng chú, nhưng anh bảo ở đơn vị, nếu là công việc thì gọi anh bằng thủ trưởng, còn bình thường cứ gọi bằng anh cho thân mật. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là một người nhanh nhẹn, hoạt bát và rất đỗi hiền lành, thân thiện. Vì vậy có anh em trong cơ quan từng rỉ tai nhau nói nhỏ: “Ông sếp này hiền quá, làm sao chỉ huy lính hình sự vào sinh ra tử được?!”. Tất nhiên đó chỉ là ấn tượng ban đầu. Sau nhiều năm công tác, chiến đấu dưới sự chỉ huy dẫn dắt của anh, tôi có thể nhận xét ngắn gọn: Anh là một vị chỉ huy cảnh sát hình sự có lửa, có chất thép trong người. Trong 6 năm là Trưởng phòng cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, anh đã trực tiếp chỉ huy đơn vị triệt phá hàng trăm chuyên án, điều tra khám phá hàng ngàn vụ trọng án, bắt hàng ngàn đối tượng truy nã, trấn áp hàng trăm băng nhóm tội phạm, thu hồi hàng ngàn xe máy, ô tô và nhiều tài sản khác; mang lại niềm tin yêu, sự ủng hộ nhiệt liệt của quần chúng nhân dân. Bề dày thành tích của đơn vị đều mang dấu ấn sự chỉ huy quyết đoán, mưu trí, sáng tạo của anh. Vì thế mà suốt thời gian làm chỉ huy công an huyện Krông Buk cũ, nay là thị xã Buôn Hồ và Phòng CSĐT tội phạm hình sự, hai đơn vị nhiều năm liền đều đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, Đảng bộ cơ sở liên tục đạt danh hiệu “Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh”.

Nói một cách ví von, ở góc độ địa phương, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (mà chúng tôi quen gọi là Phòng CSHS) công an tỉnh Đắk Lắk cũng là một “thương hiệu” nổi tiếng. Mỗi tối thứ ba hàng tuần, khi Đài truyền hình tỉnh phát chương trình “An ninh trật tự” thì từ cụ già đến trẻ nhỏ đều yêu mến, đón xem, nhất là khi chiếu về lực lượng CSHS. Chương trình đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi gia đình, mỗi người dân Đắk Lắk. Nhiều người chẳng hề biết mặt, biết nhà ông Chương, nhưng mỗi khi nhắc đến lực lượng CSHS, hầu như mọi người ai cũng biết ông Trần Thanh Chương là chỉ huy. Có lần tôi và anh ngồi ăn tối ở vỉa hè đường, thấy bàn bên cạnh một nhóm thanh niên choai choai đang bàn tán sôi nổi về chủ đề CSHS, tôi lắng tai nghe xem người ta nói về lực lượng mình như thế nào. Nghe một lúc tôi thấy vài anh kể rất hăng về hình ảnh ông Trưởng phòng CSHS công an tỉnh Đắk Lắk như khắc tinh của tội phạm, mỗi khi tấn công trấn áp tội phạm như một vị chỉ huy oai phong lẫm liệt cầm quân ra trận. Tôi và anh đều phì cười. Anh vui vẻ nói nhỏ: Cậu thấy đó, người ta chẳng biết mặt mình nhưng cứ thêu dệt lên làm mình ngại quá!

Là Bí thư đảng ủy của đơn vị, anh thường tránh giáo điều, cứng nhắc, máy móc khi giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên và cán bộ chiến sỹ. Anh thường nói: Học tập, làm theo tấm gương của Bác trước hết cần thể hiện trong những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Nếu anh là điều tra viên, trước hết anh phải khách quan, tránh tiêu cực, không làm oan người ngay, không bỏ lọt tội phạm. Nếu anh là trinh sát, trước hết phải tìm tòi sáng tạo, rèn luyện tính độc lập tác chiến. Nếu anh là lái xe, trước hết phải trung thực, thật thà, yêu xe như con, quí xăng như máu. Nếu anh là cán bộ tham mưu, tổng hợp, anh càng phải tận tụy như con ong làm mật, con tằm nhả tơ. Mỗi lời Bác dạy, mỗi tư tưởng của Người, anh đều gắn với thực tiễn để giáo dục CBCS.

Với những thành tích đã đạt được trong cương vị là Thủ trưởng đơn vị và Bí thư đảng bộ, nhiều lần anh đã được các cấp khen thưởng, biểu dương, là tấm gương tiêu biểu về học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Về với đời thường, anh là một người chồng, người cha, người ông có trách nhiệm. Một tháng hơn hai mươi ngày làm việc là đủ chừng đó ngày anh sáng đi tối về, đều đặn như một chiếc đồng hồ, mặc dù từ nhà anh tới cơ quan dài chừng 40km. Trừ những hôm anh trực lãnh đạo, ở lại đơn vị. 6 giờ sáng anh có mặt tại cơ quan, làm việc xong 17 giờ 30 anh lại lên đường trở về nhà. Có lần lên cơ quan hơi muộn, vừa gặp chúng tôi ở tiền sảnh nhà làm việc anh đã oang oang: “Buổi sáng nay sương mù quá, mình chạy xe đến đèo Hà Lan, trời mù mịt chẳng thấy gì, phải đi chậm như đi bộ...”. Có buổi sáng sớm tôi trực ở lại cơ quan, bắt gặp anh mắt quầng thâm mất ngủ, tôi hỏi anh có chuyện gì mệt mỏi sao? Anh trả lời: Buôn Hồ đang có dịch cúm, bà xã mình cũng bị, phải nằm viện điều trị, đêm nào cũng phải thức canh cho bà ấy. Tôi tham gia: Vậy anh ở nhà chăm sóc cho bà xã. Anh chỉ cười: Không sao mình sắp xếp hài hòa được. Vài lần họp hành, đi công tác về muộn, tôi khuyên anh nên ở lại. Anh chỉ cười: Mình tranh thủ về thăm thằng cháu ngoại cho đỡ nhớ. Sáng sớm hôm sau tôi đã thấy anh có mặt ở cơ quan.

Trong góc độ một bài viết ngắn, tôi không có tham vọng ca ngợi về anh, không thần tượng hóa, không lồng ghép tình cảm cá nhân khi nhận xét về anh. Có lẽ ai từng gặp anh, từng tiếp xúc với anh mới rõ nhất. Có lẽ họ sẽ có những nhận xét sâu sắc, xác đáng hơn. Với tôi, anh luôn là một “Người đảng viên bình dị”. Anh là thế, giản dị cả trong lời ăn tiếng nói, bình thường mà lớn lao vô kể!

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=708&id=432236&mod=detnews&p=