Người 'đập vàng' cần mẫn của làng Kiêu Kỵ

60 tuổi nhưng có gần nửa cuộc đời gắn bó với nghề làm quỳ vàng, nghệ nhân Lê Văn Vòng (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được biết đến như là người tiếp nối và lưu giữ lại truyền thống nghề từ cha ông cho thế hệ con cháu mai sau.

Nghệ nhân Lê Văn Vòng đang bịt đai để đập quỳ

Hơn 20 năm trăn trở giấc mơ với nghề

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề quỳ vàng, nhưng với hoài bão tuổi trẻ, ông Lê Văn Vòng không tiếp nối nghề từ bậc cha chú mà bôn ba nơi xứ người để làm ăn. Thời bao cấp nghề làm quỳ vàng tưởng chừng bị mất đi vì những khó khăn bao trùm, thì đến năm 1993 nhà nước có chủ trương khôi phục lại nghề để phát huy những giá trị truyền thống. Lúc này trong làng hầu như không còn ai thành thạo nghề nữa, ông lại trở về quê hương để làm người dẫn dắt và khôi phục lại truyền thống của làng.

Lò sấy quỳ vàng luôn đỏ lửa

Làm quỳ vàng chưa bao giờ là một công việc đơn giản. Để làm ra được một lá quỳ phải mất tới 40 công đoạn lớn nhỏ, từ đập quỳ, nấu keo, mài mực, sấy quỳ,… mà hầu hết các công đoạn đều dùng búa đe để đập và giã quỳ.

40 công đoạn trên mới chỉ là công đoạn làm quỳ vàng, để hoàn thành một bức tượng dát vàng còn phải thêm rất nhiều công đoạn khác như: đánh bóng tượng, sơn lót, sơn cầm, thếp vàng, cần phơi tượng,…

Những người đàn ông khỏe mạnh sẽ đảm nhận việc bít đai đánh quỳ, để biến những miếng quỳ nhỏ 1x1 cm thành miếng quỳ 5x2 cm. Còn các chị em phụ nữa sẽ cắt miếng quỳ 5x2 cm ra từng các mảnh nhỏ và xếp vào giấy vỡ màu đen để những người đàn ông tiếp tục giã quỳ. Quy trình ấy cứ lặp đi lặp lại cho đến khi có được miếng quỳ mỏng như ý, mỗi ngày những người đàn ông này đều phải ngồi đánh quỳ liên tục từ 7 đến 10 tiếng đồng hồ.

Bởi vì đặc thù công việc là dùng búa đập quỳ trong gần 1 tiếng đồng hồ nên không hiếm các trường hợp bị búa đập vào tay, vào bàn tay tưởng chừng như vỡ nát, nhưng trên tất cả đó là sự say mê với nghề, lòng nhiệt thành đã luyện cho ông Vòng và tất cả các nghệ nhân làm nghề những cú đánh chuẩn xác. Hiện tại, sau 23 năm gắn bó và không ít lần bị thương ông Vòng có thể vừa đập quỳ vừa nói chuyện không chút khó khăn.

Không giống như những nghề khác có sự trợ giúp của công nghệ, nghề làm quỳ vằng phải làm thủ công ở mọi khâu, dùng sức người là chính và không có loại máy móc nào có thể thay thế. Công đoạn duy nhất có sự trợ giúp của máy móc là giã mực, bởi vì mực để quét vào giấy vỡ có keo không thể giã được bằng tay.

Ông Vòng cho biết: “Lá quỳ vàng rất dễ bị rách vì nó rất mỏng, khi dát vào tượng chỉ cần sơ suất một chút là phải làm lại cả quá trình nên yêu cầu cao nhất của nghề làm quỳ dát vàng là phải kiên nhẫn và cẩn thận tuyệt đối.”

Phát huy truyền thống cha ông

23 năm qua ông Vòng đã là người lưu giữ lại tất cả tinh túy của nghề làm quỳ vàng và truyền lại cho thế hệ con cháu. Ông là người đào tạo hầu hết các nghệ nhân làm nghề trong làng hiện nay, và bất cứ ai muốn học nghề đều tìm đến một một địa chỉ uy tín duy nhất.

Vợ ông Vòng đang cắt nhỏ quỳ để xếp vào giấy vỡ

Năm 1993 nhà nước có chính sách khôi phục lại các làng nghề truyền thống ở Hà Nội trong đó có làng nghề dát vàng Kiêu Kỵ. Được bố mẹ truyền dạy từ nhỏ ông Vòng cùng với những người học nghề bắt tay vào phục dựng lại nghề. Tính đến năm 2015 làng Kiêu Kỵ có 100 hộ trực tiếp sản xuất quỳ, nhưng chỉ có 10 hộ làm quỳ vàng, còn lại những hộ khác chủ yếu làm quỳ tân (thiếc), quỳ bạc, bạc túi, quỳ xanh,… bởi vì những loại quỳ này đơn giản, dễ làm và không mất nhiều công sức như quỳ vàng.

Năm 2004 Hà Nội tổ chức lễ kỉ niệm nửa thế kỉ chiến đấu và trưởng thành, ông cùng ông Nguyễn Anh Chung – Chủ nhiệm hợp tác xã Kiêu Kỵ được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Từ đó ông thường xuyên mở các lớp học để truyền lại nghề cho nhiều người hơn nữa và đem những “sơn son thếp vàng” của làng Kiêu Kỵ đi khắp đất nước Việt Nam.

Không chỉ làm cho khách tại nhà ông Vòng còn được mời đến những công trình lớn trên cả nước để trực tiếp làm quỳ dát vàng. Các tượng đài, các pho tượng trong chùa ở Thái Nguyên, Hải Phòng, Đồng Nai,… đều do bàn tay ông dát nên. Mới đây nhất, tháng 8/2015 ông cùng các học viên của mình mang hơn 1000 quỳ để thếp vàng cho công trình Tượng đài liệt sĩ tỉnh Thái Bình.

Tượng phật bà nghìn mắt nghìn tay do chính tay ông Vòng dát vàng

Bước vào đến đầu làng Kiêu Kỵ đã nghe thấy tiếng búa đe giã quỳ đập vào đá, nếu như không quen rất dễ bị đau đầu và ù tai. Xen giữa những ồn ào ấy, ông chia sẻ: “Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay, nghề làm quỳ vàng thu nhập không cao nhưng ổn định. Hơn nhất, đó là nắng không tới mặt, mưa không tới đầu và mình có thể chủ động hoàn toàn thời gian cho công việc, không bị áp lực.”

Phú quý sinh lễ nghĩa, đây là đạo lý từ xa xưa, ngày nay gia đình nào cũng chăm chút thờ cúng tổ tiên, từ đó cũng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề tâm linh và bắt đầu tôn tạo lại những di tích để người dân đến lễ bái. Quỳ vàng không chỉ để phục vụ cho việc dát tượng mà còn để dát hoành phi, câu đối, tranh phù điêu mà còn để cung cấp cho đại lý đồ thờ ở các tỉnh thành. Nhờ vậy, nghề làm quỳ ngày càng có nhiều cơ hội phát triển.

Hiện nay, Sở Công thương và Trung tâm khuyến công của huyện Gia Lâm đã có những hỗ trợ để Hợp tác xã Kiêu Kỵ mở lớp dạy nghề miễn phí cho học viên. Mỗi tháng có từ 1 đến 2 lớp học, những lớp này đều được ông Vòng trực tiếp giảng dạy. Hợp tác xã Kiêu Kỵ cũng đang có chính sách mở một khu sản xuất tập trung để các hộ gia đình hỗ trợ nhau trong quá trình làm nghề.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/con-nguoi-thuong-hieu/nguoi-dap-vang-can-man-cua-lang-kieu-ky-522798.bld