Người đầu tiên được ghép thận lợn biến đổi gen qua đời

Người đầu tiên được ghép thận lợn biến đổi gen đã qua đời, gần 2 tháng sau ca phẫu thuật lịch sử.

Truyền cảm hứng cho hàng triệu bệnh nhân

Trong thông báo hôm 11/5, gia đình Richard “Rick” Slayman, người được ghép thận lợn chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới cho biết, Rick đã qua đời.

“Gia đình chúng tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi đột ngột của Rick yêu dấu nhưng cũng vô cùng an ủi khi biết, anh ấy đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người. Hàng triệu người trên toàn thế giới đã biết đến câu chuyện của Rick. Chúng tôi cảm thấy được an ủi bởi sự lạc quan mà anh ấy mang lại cho những bệnh nhân đang tuyệt vọng chờ đợi được cấy ghép.

Đối với chúng tôi, Rick là một người đàn ông tốt bụng, nhạy bén, hóm hỉnh và hết lòng vì gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Chúng tôi vô cùng biết ơn đội ngũ chăm sóc của anh ấy tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Mass General Brigham, đặc biệt là bác sĩ Williams, bác sĩ Kawai và bác sĩ Riella, những người đã thực sự làm mọi điều có thể để giúp Rick có cơ hội thứ hai. Những nỗ lực to lớn của họ trong việc tiến hành cấy ghép xenotransplant (khác loài/dị loại-PV) đã giúp gia đình chúng tôi có thêm bảy tuần nữa với Rick, và những kỷ niệm trong thời gian đó sẽ vẫn còn trong tâm trí và trái tim chúng tôi.

Bệnh nhân Richard Slayman (Rick), người mặc áo khoác đen và e kíp phẫu thuật. Nguồn: MGH.

Sau khi cấy ghép, Rick cho biết một trong những lý do anh thực hiện ca phẫu thuật này là để mang lại hy vọng cho hàng nghìn người cần cấy ghép để có thể tiếp tục sống. Rick đã hoàn thành mục tiêu đó và niềm hy vọng cũng như sự lạc quan của anh sẽ còn mãi. “Di sản” của anh sẽ là di sản truyền cảm hứng cho bệnh nhân, nhà nghiên cứu và chuyên gia chăm sóc sức khỏe ở khắp mọi nơi.”, thông báo viết.

Trong một tuyên bố cùng ngày, ê kíp thực hiện ca cấy ghép tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH- thành viên sáng lập của hệ thống chăm sóc sức khỏe Mass General Brigham ở Boston, Mỹ), nơi thực hiện ca ghép tạng, bày tỏ đau buồn trước sự ra đi của ông Slayman và gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình bệnh nhân.

Nhóm nói rằng, họ không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông Rick qua đời do cấy ghép.

“Ông Slayman sẽ mãi được xem như ngọn hải đăng hy vọng cho vô số bệnh nhân cấy ghép trên toàn thế giới. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự tin tưởng cũng như sự sẵn lòng của ông trong việc thúc đẩy lĩnh vực cấy ghép dị loài.”, tuyên bố của MGH nói

Bệnh viện Đa khoa Massachusetts tiên phong trong kỹ thuật cấy ghép dị loài. Nguồn: MGH.

Richard Slayman, 62 tuổi, người đầu tiên được ghép thận lấy từ một con lợn biến đổi gen.

Bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối đã trải qua ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ, được thực hiện vào ngày 16/3, sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực của MGH cung cấp nội tạng sẵn có hơn cho bệnh nhân.

Sau ca ghép, MGH tuyên bố ca phẫu thuật thành công và bệnh nhân hồi phục tốt. E kíp phẫu thuật cho biết, họ tin rằng quả thận lợn sẽ tồn tại ít nhất 2 năm.

Hướng đến cung cấp nội tạng sẵn có hơn cho bệnh nhân

Richard Slayman là bệnh nhân còn sống đầu tiên được thực hiện ca phẫu thuật lịch sử này. Trước đó, thận lợn được ghép tạm thời cho người hiến tặng chết não. Hai bệnh nhân nam cũng đã được ghép tim lợn, mặc dù cả hai đều chết trong vòng vài tháng.

Slayman đã được ghép thận tại bệnh viện vào năm 2018, nhưng ông phải chạy thận trở lại vào năm ngoái khi nó có dấu hiệu thất bại. Khi xảy ra biến chứng lọc máu đòi hỏi phải phẫu thuật thường xuyên, các bác sĩ đề nghị ghép thận lợn.

Ca phẫu thuật ghép thận lợn cho bệnh nhân Richard Slayman do MGH thực hiện ngày 16/3. Nguồn: MGH.

Quả thận do công ty eGenesis ở Massachusetts cung cấp được lấy từ một con lợn đã được chỉnh sửa gen để loại bỏ các gen có thể gây hại cho người nhận và bổ sung một số gen nhất định của con người để cải thiện khả năng tương thích.

Một số loại vi rút vốn có ở lợn có khả năng lây nhiễm sang người cũng đã được vô hiệu hóa.

Công bố trên tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu nói, những quả thận từ lợn được chỉnh sửa tương tự do công ty eGenesis nuôi đã được cấy ghép thành công vào những con khỉ, giúp chúng sống sót trung bình 176 ngày, trong đó một trường hợp kéo dài hơn 2 năm.

Các loại thuốc được sử dụng để giúp ngăn ngừa hệ thống miễn dịch của bệnh nhân đào thải nội tạng lợn bao gồm liệu pháp kháng thể thử nghiệm tegoprubart, được phát triển bởi công ty Eledon Pharmaceuticals.

Bệnh nhân Richard Slayman sau ca phẫu thuật lịch sử ngày 16/3. Nguồn: MGH.

Tiến sĩ Robert Montgomery, Giám đốc Viện cấy ghép NYU Langone (Mỹ), cho biết, ca phẫu thuật đánh dấu sự tiến bộ quan trọng, đưa lĩnh vực cấy ghép dị loài tiến gần hơn đến việc trở thành một giải pháp tiềm năng cho tình trạng thiếu nội tạng kinh niên trên toàn thế giới.

Theo mạng lưới chia sẻ nội tạng Mỹ, hơn 100.000 người ở nước này đang chờ nội tạng để cấy ghép, trong đó thận là nhu cầu lớn nhất.

“Các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng của Mass General Brigham không ngừng vượt qua các ranh giới của khoa học để thay đổi y học và giải quyết các vấn đề sức khỏe quan trọng mà bệnh nhân của chúng tôi phải đối mặt trong cuộc sống hàng ngày. Gần bảy thập kỷ sau ca ghép thận thành công đầu tiên, các bác sĩ lâm sàng của chúng tôi một lần nữa thể hiện cam kết cung cấp các phương pháp điều trị tiên tiến và giúp giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho bệnh nhân trên khắp thế giới.”, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Mass General Brigham, bà Anne Klibanski bày tỏ.

Văn Phong/MGH, AP

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/chuyen-la-bon-phuong/nguoi-dau-tien-duoc-ghep-than-lon-bien-doi-gen-qua-doi-157736.html