Người đỡ đầu cho... chữ quốc ngữ (Kỳ 1)

Trong năm 2016, đã có 2 cuộc hội thảo lớn về chữ quốc ngữ: lần đầu tổ chức tại Bình Định (đầu năm 2016), lần sau tại Quảng Nam (cuối tháng 8/2016). Tựu chung, nội dung của cả 2 cuộc hội thảo không có gì mới, chỉ là xác định lại ai là người phát kiến ra chữ quốc ngữ: Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) hay Francesco de Pina? Nhưng có một điều ít được đề cập, đó là người đã “đỡ đầu” để chữ quốc ngữ dần dần lộ diện: Cống Quận công Trần Đức Hòa.

Những giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam

(*) Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, các nhà truyền giáo Tây phương gọi Việt Nam bằng hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài.

Vào thế kỷ thứ 16, đạo Kitô thâm nhập vào Nhật Bản bởi một số nhà truyền giáo Dòng Tên từ Ma Cao đến. Ngày 14/2/1614 (đầu thế kỷ 17), Nhật hoàng Daifusana ban lệnh cấm đạo và trục xuất các nhà truyền giáo. Trong số các giáo sĩ bị trục xuất từ Nhật Bản có 4 vị thừa sai được lệnh của của Nhà Dòng, thay vì trở về Ma Cao thì chuyển hướng xuống Hội An của xứ Đàng Trong (*)

Ông Trần Đức Nghi, hậu duệ đời thứ 13 của dòng họ Trần Đức.

Họ gồm hai linh mục người Bồ Đào Nha là Francesco Buzomi và Diego Carvalho cùng hai trợ sĩ người Nhật là Jose và Paolo. Sau chuyến hải trình kéo dài gần một năm, ngày 18/1/1615 họ cập bến Hải Phố (Hội An). Lúc này ở Hội An, cộng đồng Nhật kiều theo Thiên Chúa giáo đã hình thành và các giáo sĩ này đã dùng tiếng Nhật để chăm sóc họ. Năm 1617 nhóm giáo sĩ này được tăng cường thêm linh mục Francesco de Pina và một tu sĩ, tiếp đó lại có thêm các linh mục Cristofono Borri và Pedro Marquez – chứng tỏ, việc truyền giáo ở Hội An có những kết quả khả quan. Chẳng may ít lâu sau, Đàng Trong bị thiên tai hạn hán, dư luận cho rằng do trời đất trừng trị vì có người bỏ thờ cúng tổ tiên, ông bà mà theo đạo mới nên đầu năm 1618 Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) ra lệnh trục xuất họ. Linh mục Marquez và một tu sĩ được các giáo dân Nhật kiều giúp che chở, trốn tránh ở Hội An. Còn các linh mục Pina, Buzomi, Borri và hai thầy dòng khác thì được quan Khám lý Cống Quận công Trần Đức Hòa, khi đó đang là Trấn thủ Quy Nhơn ra tận Hội An đón về Pulucambi (tức Quy Nhơn).

Quan khám lý Quảng Nam và nơi khai sinh ra chữ quốc ngữ

Linh mục Borri là người ghi chép khá đầy đủ, ông ghi: “Các cha Francesco Buzomi, Francesco de Pina và tôi rời Hải Phố đi Pulucambi với quan trấn tỉnh này. Suốt hành trình, quan trấn đối với chúng tôi hết sức lịch sự và nhã nhặn… Ông cho chúng tôi ở cùng đoàn, dành riêng cho chúng tôi và người thông dịch một chiếc thuyền, hành lý chúng tôi để ở một thuyền khác, chứ không ngổn ngang bên chúng tôi. Suốt mười hai ngày, đi trong những điều kiện thoải mái như thế, sớm chiều ghé vào các cửa khẩu hoặc phố xá tỉnh Quảng Nghĩa, nơi mà quan trấn có quyền như ở tỉnh Pulucambi…Chúng tôi giãi bày mong muốn ở thị trấn để dễ truyền đạo hơn là ở trong dinh nằm giữa cánh đồng, xa thị trấn tới ba dặm. Vì thương mến, quan trấn không muốn xa chúng tôi, nhưng hy sinh quyền lợi cho dân chúng và gạt lòng yêu thích qua một bên. Quan truyền xây cho chúng tôi một ngôi nhà tiện nghi trong thị trấn Nuocman…” (**)

(**) Trích trong Xứ Đàng Trong năm 1621 của giáo sĩ Cristophoro Borri, Hồng Nhuệ - Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM 2014.

“Nuocman” ở đây chính là Nước Mặn - một phố thị cảng sông nằm bên đầm Thị Nại của phủ Quy Nhơn (thế kỷ thứ 17-18). Nơi đây thuyền buôn phương Tây và các nước Đông Nam Á thường xuyên ra vào buôn bán. Cảng thị Nước Mặn xưa kia - nay là các thôn: An Hòa, Lương Quang (xã Phước Quang) và thôn Kim Xuyên (xã Phước Hòa) huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Các vị thừa sai Dòng Tên sang truyền giáo ở Đàng Trong từ năm 1615 chủ yếu tập trung ở ba điểm: Cửa Hàn (Đà Nẵng), Hội An - Thanh Chiêm (Quảng Nam) và Nước Mặn (Bình Định) nhưng ở Nước Mặn là trụ sở chính, có cha bề trên Buzomi. Cũng ở đây, linh mục Francesco de Pina mới có điều kiện học tiếng Việt để thành lập thí điểm truyền giáo tiên khởi. Sau đó linh mục Pina và các linh mục Buzomi, Borri khởi sự nghiên cứu, phân tích và phiên âm tiếng Việt đều ở Nước Mặn. Do đó, có thể coi Nước Mặn là nơi phát tích cho buổi đầu phôi thai chữ quốc ngữ. Và nếu như không cho sự bao che của Khám lý Cống Quận công Trần Đức Hòa (các giáo sĩ này phải bị trục xuất khỏi Việt Nam) thì liệu chữ quốc ngữ có đồng hành cùng dân tộc Việt suốt mấy trăm năm qua và tới tận mai sau ?

Một câu hỏi cũng cần được đưa ra là trong bối cảnh lịch sử với những luật lệ rất khắc nghiệt thời ấy, tại sao quan Khám lý Trần Đức Hòa lại dám bất chấp những hiểm họa mà ông và gia tộc có thể gặp phải khi trái mệnh trên để dung chứa các giáo sĩ Tây phương?

Theo nhiều tài liệu thì Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) có một bà phi đã sinh ra Hoàng tử Khê lúc Nguyễn Hoàng đã 64 tuổi, cho nên chúa rất sủng ái bà phi này. Đó là bà Minh Đức Vương Thái phi - sau này bà Minh Đức theo Kitô giáo và rất sùng đạo, chính linh mục Pina đã rửa tội cho bà. Đến các đời chúa kế tiếp vị thế của bà càng được củng cố khi con bà là Hoàng tử Khê chính là trụ cột của triều đình. Theo Đại Nam thực lục tiền biên vào năm 1626, Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) tuổi đã cao nên trao mọi chuyện trong nước cho Khê. Năm 1635, trước khi chết Chúa Sãi trối trăn, cậy Khê giúp đỡ ấu chúa (Nguyễn Phúc Lan) điều hành việc nước. Năm 1646, Khê mất. Sách trên chép rằng: “Khê là người họ thân của Chúa, giúp việc chính trị trước sau 41 năm, trải qua ba triều. Đức lớn, công to, làm chỗ dựa quan trọng của đương thời. Khi mất thọ 58 tuổi. Chúa thương tiếc lắm, tặng Tá lý tôn thần Bình chương quân quốc đại sự Tường quận công, thụy là Trung Nghị. Năm Gia Long thứ năm cho tòng tự ở Thái miếu. Năm Minh Mạng thứ 12 phong Nghĩa Hưng quận vương”.

Trong các ghi chép của mình, như Hành trình và truyền giáo, 1652 và nhất là trong Truyền giáo ở Đàng Trong, 1652 - giáo sĩ Alexande de Rohdes đã đề cập nhiều đến bà Minh Đức Vương Thái phi. Năm 1624, khi vừa đến xứ Đàng Trong ông đã được theo giáo sĩ Francesco de Pina ra Huế thăm bà vương phi theo Kitô giáo này, sau đó ông còn nhiều dịp thăm viếng bà. Việc quan Khám lý Trần Đức Hòa đón các giáo sĩ Dòng Tên từ Hội An vào Nước Mặn có thể là do bà Minh Đức Vương Thái phi tin tưởng vào uy tín của Cống Quận công – người từng là dưỡng tử của chồng bà và là nghĩa đệ với chúa Sãi đương quyền để cậy nhờ ông che chở cho các giáo sĩ? Hoặc là Cống Quận công can đảm, không sợ liên lụy đến chủ trương hạn chế truyền đạo của vương triều bằng nhãn quan khác thường: nhìn xa, trông rộng để tự tin vào việc làm của mình? Câu trả lời này vẫn đang để ngỏ. Nhưng nói gì đi nữa thì cũng phải xác định rằng: nhân vật Trần Đức Hòa là người có công đầu (khi che chở các giáo sĩ) để từ đó Giáo hội Công giáo Việt Nam và chữ quốc ngữ được khởi đầu và dần dần định hình.

HÀ ĐÌNH NGUYÊN

(Còn tiếp)

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/nguoi-do-dau-cho-chu-quoc-ngu-ky-1-d44852.html