Người đưa sử Việt vào tuồng

Tôi quen anh Nguyễn Sỹ Chức-Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa mấy mươi năm nay, từ ngày anh còn ở Đoàn ca kịch dân ca Phú Khánh, sau đó về Sở VH-TT. Nay anh là một trong những nhà biên kịch tuồng và dân ca kịch hiếm hoi của tỉnh và cả nước. Anh hay nói, anh bước vào biên kịch tuồng như một cuộc rong chơi, đến nay đã có 80 vở diễn, trong đó có 30 vở do anh tự tìm đề tài. Anh Chức sinh năm 1956, quê Thiệu Khánh, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Nơi ngôi nhà anh sinh ra và lớn lên cách núi Đọ không xa, một ngọn núi nằm bên tả ngạn sông Chu, được xem là nơi có nhiều vết tích người Việt cổ. Ngọn núi ấy có nhiều tảng đá đen lô xô, đứng trên đó nhìn xuống là con đường làng xa tít tắp với ruộng lúa bốn mùa tươi tốt. Tôi cũng đã tới quê anh, cùng anh lên núi Đọ. Anh kể thuộc lòng về sử, có thể để viết lên những kịch bản lịch sử, ngoài lòng đam mê, ngoài tài năng, anh còn chịu khó đi nhiều nơi và lắng nghe, học hỏi...

Năm 16 tuổi, Nguyễn Sỹ Chức vào quân đội, được phân về Đoàn ca kịch giải phóng khu Trung-Trung Bộ, được cho đi học và trở thành nhạc công. Chàng trai Thanh Hóa ấy hàng đêm theo đoàn đi biểu diễn, trong lòng có một nỗi đam mê là viết kịch bản sân khấu. Thế là anh tự tìm tài liệu, sách vở để học. Anh bảo, kiến thức để anh viết kịch bản chính là những cuốn sách sử liệu, nơi đó có bao nhiêu sự hấp dẫn, những bản anh hùng ca để tạo ra những vở tuồng hay. Sự ấp ủ và viết lách ấy cứ thế mà tuôn trào, cho đến sau ngày giải phóng, anh về công tác ở Nha Trang, tiếp tục học và tốt nghiệp đại học khoa ngôn ngữ học. Năm 1985 sự xuất hiện của một nhà biên kịch mới đã làm mọi người ngạc nhiên, khi ấy anh 29 tuổi. Đó là vở "Mối tình qua Tết Lirboong" viết chung với Nguyễn Thế Khoa, đoạt Huy chương vàng Hội diễn sân khấu toàn quốc. Thế nhưng, Nguyễn Sỹ Chức luôn nói: "Trong lòng tôi luôn có một kịch bản chưa hoàn tất". Những kịch bản anh viết, ngoài tình tiết, lời thoại như trút lòng, có cả những lời thơ rất đẹp. Ngoài công việc là chủ tịch Hội VHNT, phụ trách biên tập thơ, anh còn viết nghiên cứu. Những chuyến công tác dài ngày đến những vùng đất cùng anh, tôi ngạc nhiên khi thấy anh chẳng khác gì một nhà sử học khi thuộc từng tình tiết lịch sử từ thời Trần, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, thời Hồ... Có lẽ, việc đọc để có vốn lịch sử đã thấm nhuần kiến thức trong anh...

Ông Nguyễn Sỹ Chức.

Ông Nguyễn Sỹ Chức.

Cuộc hành trình của Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức tính từ cái mốc năm 1985 đến nay hơn 30 năm, không năm nào sân khấu không có tác phẩm anh dàn dựng, không hội diễn nào anh lại không có huy chương. Anh chong đèn ngồi bên bàn phím hàng đêm, trong tĩnh mịch ấy, anh tạo ra những số phận khóc, cười. Có thể kể: Vở tuồng "Giông tố bụi trần" do Nhà hát tuồng Đào Tấn, Bình Định dàn dựng năm 1991, kịch bản tuồng "Nhân quả" do Nhà hát tuồng Khánh Hòa dàn dựng năm 1997, kịch bản tuồng Trần Hưng Đạo do Nhà hát Bội TPHCM dàn dựng năm 2002. Các nhà hát ca kịch Huế, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bình Định, Hà Nội... đã dàn dựng rất nhiều kịch bản của anh: "Sóng dậy Lê Triều", "Nhạn cô thần", "Giọt nắng nhân tình", "Phù vân", "Danh phận", "Triết vương Trịnh Tùng"... Tất cả các vở kịch này đều đoạt giải cao của các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Trong lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, kịch bản sân khấu "Phù vân" của anh được dàn dựng và diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, được chọn là một trong những tác phẩm xuất sắc kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Đây là một trong những vở diễn tâm đắc của anh về giai đoạn lịch sử biến động giữa nhà Lý và nhà Trần. Bên cạnh đó, những kịch bản của Nguyễn Sỹ Chức cũng đã được Nhà xuất bản Sân khấu ấn hành, coi là tư liệu quý, như "Tác phẩm chọn lọc" dày 510 trang gồm nhiều kịch bản Sóng dậy Lê Triều, Nhạc Cô thần, Trần Hưng Đạo, Huyền thoại Mẹ xứ sở, Giọt đắng nhân tình, Danh Phận, Triết vương Trịnh Tùng, Nhân Quả, Thanh gươm giữ nước, Tây Sơn nữ tướng... Anh cũng mang về không biết bao nhiêu giải thưởng lớn nhỏ.

Hiện nay, tuồng và dân ca kịch đã bắt đầu có khán giả. Nhưng việc khan hiếm những kịch bản tuồng đang diễn ra bởi những người viết kịch bản tuồng chỉ đếm trên đầu ngón tay, họ lại viết ít, vài năm mới có một kịch bản. Nhưng với Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức, anh vẫn mải mê trên con đường mình đã chọn: đưa sử Việt vào tuồng với niềm đam mê và lòng yêu nước của một nghệ sĩ đa tài.

Khuê Việt Trường

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_158172_nguo-i-dua-su-vie-t-va-o-tuo-ng.aspx