Người dùng di động sẽ bị khóa dịch vụ nếu không cập nhật thông tin thuê bao

Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, nhà mạng sẽ phải ngừng cung cấp dịch vụ cho các thuê bao không đầy đủ thông tin trong. Nếu không thực hiện theo quy định, nhà mạng bị phạt tiền từ 800.000 đ đến 1.000.000 cho mỗi thuê bao.

Tất cả các thuê bao di động đều phải bổ sung thông tin

Nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, giảm thiểu tình trạng tin rác, các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo, ngày 24/4 vừa qua Chính phủ đã chính thức ban hành nghị định 49/2017/NĐ-CP (Nghị định 49), theo đó, “thông tin thuê bao” phải gồm có:

a) Số thuê bao; đối tượng sử dụng cho từng số thuê bao.

b) Thông tin trên giấy tờ tùy thân của cá nhân, bao gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; quốc tịch; số, ngày cấp, cơ quan cấp hoặc nơi cấp giấy tờ tùy thân; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với người có quốc tịch Việt Nam);

c) Nếu là thuê bao của doanh nghiệp, cần thông tin trên giấy tờ của tổ chức, bao gồm: tên tổ chức; địa chỉ trụ sở giao dịch; thông tin trên giấy tờ tùy thân của người đến giao dịch…

d) Bản số hóa toàn bộ các giấy tờ của cá nhân, tổ chức đã xuất trình khi đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

đ) Ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động); bản số hóa bản xác nhận thông tin thuê bao hoặc bản xác nhận thông tin thuê bao có chữ ký điện tử (đối với dịch vụ viễn thông di động trả trước);

e) Hình thức thanh toán giá cước (trả trước, trả sau);

g) Họ tên nhân viên giao dịch; thời gian thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; thời gian thực hiện mỗi lần cập nhật thông tin thuê bao (đối với các trường hợp cá nhân, tổ chức cập nhật lại thông tin thuê bao); địa chỉ và số điện thoại liên hệ của điểm cung cấp dịch vụ viễn thông.

Như vậy, so với trước đây, theo quy định mới thông tin thuê bao ngoài phải có thông tin về giấy tờ tùy thân của cá nhân, doanh nghiệp, hình thức thuê bao… phải bổ sung thêm một số nội dung mới như: ảnh chụp người đến trực tiếp giao dịch (người đứng tên sử dụng sim), thời gian đến thực hiện giao dịch, họ tên nhân viên giao dịch, địa chỉ điểm giao dịch.

Các nhà mạng di động sẽ phải cập nhật, sửa đổi thông tin cho toàn bộ gần 122 triệu thuê bao di động hiện có (cả trả trước và trả sau). Thuê bao sẽ phải đến phòng giao dịch hoặc các điểm ủy quyền đăng ký thông tin thuê bao của doanh nghiệp để bổ sung thông tin và chụp ảnh.

Tính tới hết tháng 2/2017, Việt Nam có gần 122 triệu thuê bao di động, trong đó có tới 97% là thuê bao trả trước.

Nhà mạng phải ngừng cung cấp dịch vụ cho các thuê bao thông tin không đầy đủ

Cũng theo Nghị định 49, nếu thuê bao di động có thông tin không đúng quy định, nhà mạng phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần. Sau 2 tháng khi được gửi thông báo nhắc cập nhật thông tin mà thuê bao không thực hiện, nhà mạng sẽ phải chấm dứt cung cấp dịch vụ cho thuê bao. Cụ thể: Nếu sau 15 ngày, thuê bao không cập nhật thông tin sẽ bị khóa một chiều và tiếp tục khóa chiều còn lại nếu 15 ngày tiếp theo thuê bao vẫn chưa cập nhật thông tin. Đồng thời nhà mạng gửi thông báo và thực hiện thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu trong vòng 30 ngày tiếp theo, thuê bao vẫn không cập nhật thông tin.

Nếu cung cấp dịch vụ cho các thuê bao có thông tin không đúng quy định, nhà mạng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đ đến 1.000.000 đ trên mỗi thuê bao. Số tiền phạt nhà mạng phải chịu ở nội dung này có thể lên tới 200.000.0000 đồng.

Đại diện một doanh nghiệp viễn thông cho biết để hoàn thành được các yêu cầu trong Nghị định 49, nhà mạng rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý trong công tác truyền thông tới người dùng cả nước để người dùng nhận thức rõ quyền lợi, nghĩa vụ của người dân theo nội dung Nghị định 49. Theo kinh nghiệm triển khai các chương trình khuyến khích thuê bao tới cập nhật thông tin trước đây, mặc dù được tặng tiền vào tài khoản hoặc hưởng các quyền lợi về dịch vụ khác song chỉ có khoảng 10% thuê bao được nhắn tới phòng giao dịch để đăng ký lại thông tin.

Ảnh hưởng tới hơn 120 triệu thuê bao di động, con số còn nhiều hơn cả tổng dân số Việt Nam, có thể nói Nghị định 49 rất cần được tuyên truyền rộng rãi cho người dân, giống như tuyên truyền về việc bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trước đây.

Hoàng Vũ

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201705/nguoi-dung-di-dong-se-bi-khoa-dich-vu-neu-khong-cap-nhat-thong-tin-thue-bao-568782/