Người giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc

Đó là đồng chí Bạc Thị Hoàn, dân tộc Thái, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, người đã dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Năm 2004, đồng chí Hoàn được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳnh Nhai với nhiệm vụ chuyên môn là tham mưu cho UBND huyện trong lĩnh vực văn hóa, góp phần tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước di chuyển ra khỏi lòng hồ thủy điện Sơn La. Đồng chí còn trực tiếp tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, trở thành hạt nhân phong trào, được bà con nhân dân quý mến. Hiện nay, đồng chí Hoàn là Chi hội trưởng Văn học nghệ thuật của huyện, tham gia sáng tác văn học, hát trên sóng Đài PT-TH tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam. Trong băng đĩa 100 bài hát hay của tỉnh Sơn La, riêng bà tham gia hát 13 bài. Chính lời ca, tiếng hát của bà góp phần rất lớn trong việc tuyên truyền vận động bà con nhân dân đi xây dựng quê hương mới. Với bà, dù đi đâu vẫn nhớ về quê cũ, cái hồn, nét văn hóa của đồng bào thì không bao giờ mất, nó sẽ luôn tồn tại phát triển.

Có một kỷ niệm đáng nhớ, khi tham mưu cho huyện di chuyển miếu thờ Nang Han, một vị Anh hùng của dân tộc Thái trắng ra khỏi vùng ngập. Có người cho rằng sao không tập trung vào di dân, việc gì phải di chuyển cái miếu cũ làm gì... Đồng chí Bạc Thị Hoàn lại nghĩ khác, nhờ kiên trì thuyết phục, ý kiến của bà được mọi người ủng hộ, cho nên hiện nay sau 10 năm di chuyển về địa điểm mới, Miếu thờ Nang Han được trân trọng đặt trên một ngọn đồi, mặt hướng ra lòng hồ rất đẹp. Ngày nay, đây là một trong những điểm đến gần gũi trong đời sống tâm linh của bà con nhân dân các dân tộc và du khách phương xa.

Khi về quê hương mới, bà Hoàn là người tích cực trong việc phục dựng lễ hội gội đầu của đồng bào dân tộc Thái trắng, cùng lãnh đạo huyện khôi phục lễ hội đua thuyền trên sông Đà. Từ ngày chuyển về địa điểm mới tại Phiêng Lanh, năm nào huyện Quỳnh Nhai cũng tổ chức lễ hội đua thuyền. Dưới chân cầu Pá Uôn có trụ cao nhất Việt Nam, các hoạt động vùng sông nước của đồng bào dân tộc Thái, huyện Quỳnh Nhai được phục dựng, tạo nên nét đẹp văn hóa đặc sắc.

Đồng chí Bạc Thị Hoàn tâm sự, bà cảm thấy rất hạnh phúc làm được nhiều việc có ích cho bà con các dân tộc, cho cộng đồng. Tới đây về hưu, nhưng bà dự định vẫn tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ. Bà vẫn luôn là hạt nhân của phong trào văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai.

CẦM SƠN (Sơn La)

Bãi xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường

Bãi rác Khuổi Mật ở phường Huyền Tụng, TP Bắc Cạn được đầu tư gần mười tỷ đồng để xử lý rác thải mới đưa vào sử dụng cách đây hơn hai năm, bao gồm các hạng mục: khu vực chứa rác thải, hệ thống thu gom nước, hồ chứa, hồ lắng, hồ sinh thái. Tuy nhiên, thời gian qua, nước từ bãi rác Khuổi Mật chảy ra bên ngoài ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống người dân địa phương. Mấy ruộng lúa của gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở tổ Khuổi Hẻo, thời gian qua bị nước từ bãi rác Khuổi Mật chảy vào, bà Liên bức xúc: Nước từ bãi rác chảy vào ruộng có mầu đen đặc, hôi thối, dù chưa bón phân mà lúa phát triển quá nhanh, bị “lốp”, chưa trổ bông đã bị đổ và có nguy cơ mất mùa. Một số người dân cho biết thêm: Khi lội xuống ruộng làm cỏ, chăm sóc lúa, về đến nhà là chân tay mẩn đỏ, ngứa ngáy rất khó chịu. Không đeo ủng, găng tay thì không dám lội xuống ruộng. Cứ thế này thì có lẽ phải bỏ ruộng.

Bãi rác Khuổi Mật gần khu dân cư, để nước có mầu đen đặc, hôi thối chảy ra bên ngoài không những làm hỏng ruộng của người dân mà còn có nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Nhiều hộ dân thuộc tổ Khuổi Hẻo, Khuổi Mật thường xuyên phải chịu mùi hôi, ruồi muỗi từ bãi rác; nước giếng sử dụng để sinh hoạt có mùi tanh, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống.

Đề nghị chính quyền TP Bắc Cạn chỉ đạo Công ty cổ phần môi trường đô thị Bắc Cạn (đơn vị quản lý và vận hành bãi rác Khuổi Mật) khẩn trương xem xét lại quy trình xử lý rác thải, sớm có biện pháp khắc phục tình trạng nước thải chưa bảo đảm tiêu chuẩn chảy ra ruộng cấy lúa, giảm thiểu mùi hôi, ruồi muỗi để cải thiện môi trường sống của nhân dân trong khu vực.

Lê Thế

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/bandoc/item/31501002-nguoi-giu-gin-ban-sac-van-hoa-cac-dan-toc.html