Người giữ lửa hộp quẹt suốt 30 năm trên đất Sài Gòn

Nơi góc vỉa hè đường Lê Lợi (Q.1, TP.HCM) có một người đàn ông suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề giữ lửa cho những chiếc hộp quẹt.

Chú Nghiêm, người đàn ông gắn bó với nghề giữ lửa cho những chiếc hộp quẹt hơn 30 năm ở Sài Gòn.

Cái duyên với nghề

Tôi tìm đến người đàn ông ấy theo sự chỉ dẫn của những chú xe ôm. Người được mệnh danh là “bác sĩ” chuyên chữa bệnh cho những chiếc hộp quẹt “cổ” đắt tiền và độc lạ.

Hình ảnh đầu tiên khi tôi gặp là một người đàn ông giản dị, giọng nói trầm nhưng rất ấm áp. Người đàn ông ấy là chú Hoàng Đình Nghiêm (SN 1964, quê ở Hà Nội).

Một chiếc hộp quẹt vừa được chú Nghiêm tháo từng bộ phận để sửa chữa.

Vốn là tay ngang bước vô nghề, nhưng với sự khéo léo mà hầu hết những tay chơi hộp quẹt “cổ” đều biết đến chú. Có thế mới thấy cái nghề nó chọn người chứ không phải người chọn nghề.

Nghề nào cũng đều có cái khó của nó

Chú Nghiêm quê gốc ở Hà Nội nhưng được sinh ra chính ở mảnh đất Sài Gòn, nên khi hỏi về những thăng trầm trong nghề ở nơi đất chật người đông chú rất rõ.

Đối với chú nghề giữ lửa như là một người bạn trong cuộc đời của mình.

Chú Nghiêm kể: “Ngày xưa nghề này rất thịnh nhưng quan trọng muốn để lại tiếng thì cần phải có sự yêu nghề, đam mê, uy tín hàng đầu. Bởi đối với nghề sửa hộp quẹt cổ này, khách hàng rất kỹ tính nên uy tín của người làm nghề cần phải có, vì có những chiếc hộp quẹt cổ giá trị mấy triệu có khi lên đến vài trăm triệu đồng.

Hằng ngày, công việc của chú Nghiêm bắt đầu từ 9 sáng đến 6 giờ chiều. Do kinh nghiệm lâu năm trong nghề nên chú Nghiêm chỉ cần nhìn và bật thử lửa thì biết ngay được bênh của chiếc hộp quẹt, mỗi chiếc hộp quẹt chú Nghiêm sửa nhanh nhất là khoảng 15 đến 20 phút còn lâu nhất là 1 đến 2 ngày bởi còn tùy thuộc vào bộ phận chi tiết của chiếc hộp quẹt.

Mỗi chiếc hộp quẹt được chú Nghiêm lấy giá tùy theo bệnh. Nếu bệnh nhẹ thì chừng dưới 100.000 đồng còn nặng thì cao hơn.

Nhịp sống Sài Gòn ngày càng năng động, không biết bao nhiêu con người đã đến và đi, bao nhiêu người đã chuyển dần sang nghề thích hợp hơn cho công việc mưu sinh. Những nghề xưa cũ không chịu nổi sức ép của thời gian nên dần dần biến mất, nhưng đối với chú Nghiêm thì ngược lại luôn gắn bó với nghề mà chú đã trót đam mê. Điều đó khiến cho Sài Gòn trở nên khác biệt và thân thương đến lạ thường.

Bài, ảnh: Mộc Nhiên

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/nguoi-giu-lua-hop-quet-suot-30-nam-tren-dat-sai-gon-d54052.html