Người Hiền Lương, chuyện Hiền Lương...

BẮC GIANG - Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bốn, nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, là bạn lính của tôi từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Sau mấy năm cùng nhau giữ chốt ở biên giới phía Bắc, tôi được quân đội cho về Hà Nội ôn thi vào Đại học rồi trở thành công dân Thủ đô từ đó đến nay. Nguyễn Văn Bốn ra quân sau đó ít lâu, trở về trường đại học, rồi tốt nghiệp về quê công tác, vừa tận tụy với nghề chuyên môn, vừa đam mê với nghiệp chữ nghĩa, bút hiệu là Văn Xương. Năm 2008, anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam...

Nguyễn Văn Bốn quê ở thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, là con thứ tư trong một gia đình nông dân có 6 người con. Nhà anh cách Cột cờ Hiền Lương - nay là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt - chỉ độ hai trăm mét. Những năm chiến tranh, nhà anh bị tàu bay và pháo hạm Mỹ đánh cho tan tành. Cả đặc khu Vĩnh Linh thời ấy đều bị như thế. Cũng may lúc đó, mấy anh chị em nhà Bốn đã được đi K8.

Từ phải qua trái: Nhà văn Nguyễn Văn Bốn, nhà thơ Nguyễn Hữu Thắng và tác giả cùng du khách trong “ngôi nhà bom”.

Xin nhắc lại cho bạn đọc trẻ rõ thêm: “K8” là mật danh chương trình sơ tán trẻ em vùng Vĩnh Linh và Quảng Bình ra các tỉnh phía Bắc, hồi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt. Nguyễn Văn Bốn cùng hai người anh trai được sơ tán ra huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, ngầm ý của cha mẹ cho ba đứa con trai đi K8 là để “giữ nòi giống”. Vài tháng sau thì người chị và hai em gái của Bốn cũng được sơ tán ra vùng Tân Kỳ ở Nghệ An. Bố và mẹ thì ở lại Vĩnh Linh, cùng lực lượng dân quân vừa sản xuất vừa chiến đấu và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.

Kể sao xiết nỗi nhớ quê nhà, nhớ cha mẹ, nhớ anh em... của những đứa bé lần đầu tiên phải xa cha mẹ hàng trăm cây số, biền biệt năm này qua năm khác; anh em ruột thịt ly tán mỗi đứa mỗi nơi, hàng năm trời không được gặp nhau... Sau này khi viết về những nỗi nhớ trên đây, Nguyễn Văn Bốn gọi đó là Khát vọng hòa bình của cả dân tộc trong những năm chiến tranh, là ước mơ Thống nhất non sông của mỗi người dân Việt Nam trong những năm đất nước bị chia cắt...

Có lẽ, vì hồi ức về những khát vọng thiêng liêng trên đây mà từ ngày có Lễ hội Thống nhất non sông tổ chức ở Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ở hai đầu cầu Hiền Lương, chưa dịp nào Nguyễn Văn Bốn vắng mặt. Sự kiện này được huyện Bến Hải thời còn tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức lần đầu tiên vào ngày 30/4/1985, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-1985). Sau ngày tái lập tỉnh Quảng Trị vào năm 1989, Lễ hội Thống nhất non sông trở thành Lễ hội cấp tỉnh.

Từ năm 2010, cứ 5 năm một lần vào dịp năm chẵn là Lễ hội cấp Nhà nước. Dù tổ chức cấp nào thì Lễ hội này vẫn gồm hai phần chính: Phần Lễ được tổ chức trang nghiêm dưới chân Cột cờ giới tuyến, có diễn văn chào mừng và lễ thượng cờ trang trọng. Phần Hội gồm các hoạt động văn hóa - thể thao truyền thống của cư dân đôi bờ sông Bến Hải... Hằng năm dù đi đâu gần xa, nhưng cứ đến dịp kỷ niệm Đại thắng mùa Xuân 30/4 là anh vẫn có mặt ở Hiền Lương, để được tham gia Lễ hội thống nhất non sông với bà con cô bác và đồng bào, đồng chí gần xa, để được hòa trong niềm vui chung của cả dân tộc, để sống lại nỗi nhớ cồn cào cháy bỏng của mình và bạn bè K8 thời thơ bé...

Lễ thượng cờ Thống nhất non sông tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Lại nhớ chuyện sau khi Hiệp định Paris được ký kết đầu năm 1973, số con em Vĩnh Linh và Quảng Bình đi K8 được trở về quê. Bấy giờ Nguyễn Văn Bốn mới là chàng trai vỡ giọng, nhưng ngoài giờ đi học cấp ba phổ thông, vẫn tham gia cùng chi đoàn thanh niên đi san lấp hố bom để hồi sinh đồng ruộng. Công việc này khá nguy hiểm vì sau chiến tranh, bom đạn chưa nổ còn lẫn trong đất đai khá nhiều. Và những vụ nổ thương tâm đã xảy ra. Một trong những vụ nổ thương tâm ấy được cả thế giới biết đến. Hôm đó là chiều 15/9/1973, Chi đoàn thanh niên thôn Hiền Lương đang đào đắp đoạn đường liên xã thì cô Nguyễn Thị Hương cuốc trúng một quả bom bi.

Bom phát nổ khiến mấy người bị thương, Hương bị nặng nhất. Đúng lúc ấy, đoàn xe của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Cuba Fidel Castro vào thăm Quảng Trị đi ngang qua. Chủ tịch Fidel cho dừng xe và bước vội đến hiện trường cách chỉ vài trăm mét. Sau khi tổ y tế đi theo đoàn sơ cứu cho những người bị thương nhẹ và báo cáo tình trạng của cô Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Fidel đề nghị dùng xe công vụ của đoàn chở bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh. Nhờ được cấp cứu kịp thời nên cô Nguyễn Thị Hương qua được cơn nguy kịch và dần dần hồi phục. Hiện nay bà Hương cùng gia đình đang sinh sống ở TP Đông Hà...

Chiến tranh và chia ly, dù vì bất kể lý do gì, cũng là điều hết sức tồi tệ và vô cùng bất hạnh. Là một đất nước đã phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết sự khốc liệt của chiến tranh. Những thảm cảnh bi thương đã lùi xa nhiều chục năm, nhưng di chứng của nó thì vẫn còn nhức nhối trong đời sống, thống thiết nhắc nhở mỗi người về giá trị vô bờ bến của cuộc sống hòa bình hiện nay. Hạnh phúc nào hơn được sinh sống và làm ăn trên một đất nước yên ổn, đang từng bước đổi mới và phát triển như đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta hiện nay?

Nhắc lại câu chuyện trên đây để nói về hiểm họa đạn bom vẫn còn rình rập sau chiến tranh. Có một người con của Vĩnh Linh đã nảy ra ý tưởng dùng vỏ các loại bom đạn để làm một ngôi nhà đặc biệt. Đó là anh Trần Văn Chức, sinh năm 1969, con trai của Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Quý, sinh năm 1929 ở thôn Nam Sơn thuộc xã Vĩnh Sơn.

Bà Quý có chồng và con trai là liệt sĩ, cùng 2 đứa con bị bom Mỹ giết hại. Bà tái giá với một người đàn ông có vợ và 3 con bị chết trong một trận bom B52, rồi sinh thêm được Nguyễn Công Chức. Hoàn cảnh ấy khiến anh nung nấu ý tưởng làm “ngôi nhà bom” để nhắc nhở mọi người về ký ức chiến tranh và khát vọng hòa bình.

Ý tưởng đó được lãnh đạo địa phương đồng tình. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, mảnh vườn gần 200 m2 của anh không đủ để trưng bày các hiện vật. Vậy là anh lại ngược lên Bến Tắt ở đầu nguồn Bến Hải, cạnh Nghĩa trang Trường Sơn, mua một vạt rừng hơn 10 nghìn m2 để dựng một “Ngôi nhà bom” mà cột là vỏ các loại bom Mỹ, xung quanh cũng dựng vách ngăn bằng các loại bom đạn Mỹ, bên trong trưng bày các hiện vật chiến tranh và các tài liệu, hình ảnh liên quan.

Khuôn viên xung quanh ngôi nhà là những mô hình thực địa thời chiến như: Hầm chữ A, bếp Hoàng Cầm, hào giao thông, trạm giao liên, chốt phòng không... Sau hơn 10 năm xuôi ngược sưu tầm hiện vật và kỳ công xây dựng, đến nay công trình đã cơ bản hoàn thành và đón du khách đến tham quan...

Tôi đã được nhà văn Nguyễn Văn Bốn và nhà thơ Nguyễn Hữu Thắng là cựu Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh, dẫn lên tham quan ngôi nhà đặc biệt ấy. Ngồi giữa đủ loại bom đạn đã bị vô hiệu hóa, vĩnh viễn câm lặng, tôi ước ao giá tất cả các loại bom đạn hiện có trên trái đất này cũng vĩnh viễn câm lặng, hành tinh này vĩnh viễn bình an. Và đó chắc chắn cũng là khát vọng của tất cả những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới!

Chiến tranh và chia ly, dù vì bất kể lý do gì, cũng là điều hết sức tồi tệ và vô cùng bất hạnh. Là một đất nước đã phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết sự khốc liệt của chiến tranh. Những thảm cảnh bi thương đã lùi xa nhiều chục năm nhưng di chứng của nó thì vẫn còn nhức nhối trong đời sống, thống thiết nhắc nhở mỗi người về giá trị vô bờ bến của cuộc sống hòa bình hiện nay. Hạnh phúc nào hơn được sinh sống và làm ăn trên một đất nước yên ổn, đang từng bước đổi mới và phát triển như đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta hiện nay?.

Nhà văn Mai Nam Thắng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nguoi-hien-luong-chuyen-hien-luong-094423.bbg