Người Huế chúng tôi là thế!

- Thấm thoát đã 35 năm sau ngày sông Hương nổi sóng trào, núi Ngự trở mình đứng dậy. Huế đã giải phóng 35 năm. Một chặng đường vừa đủ để con người Huế tự chiêm nghiệm về sự kiện ấy, một sự kiện làm nên sự đổi thay trong tâm tưởng.

Ngày giải phóng với người Huế cứ đơn giản là ngày hội ngộ của cha mẹ - con cái, anh – em, vợ - chồng. Ngày giải phóng là ngày tràn ngập nước mắt đoàn tụ. Và người Huế đón nhận ngày giải phóng, một cuộc sống mới với một thể chế chính trị mới khá bình thản như cách sống của họ. Không quá ồn ào nồng nhiệt, và không quá thủ phận, lạnh lùng. Người Huế với “sâu lắng lạ” cứ chiêm nghiệm dần về ngày lịch sử theo năm tháng. Trong một lần ngồi ngắm sen nở ở một khu nhà rường cổ có cái tên khá lạ “Thả om”, vô tình tôi nhắc đến ngày 26/3 với ông chủ. Nói chuyện nhiều về sự kiện ấy, rồi ông trầm ngâm: “Tui là lính ngụy ông ạ, đi lính gần chục năm, cũng cầm súng bắn rồi. Mà mỗi lần bắn, tui run cả người, vì không biết bên kia có anh ruột mình không” Anh ruột ông chủ là bộ đội giải phóng, ở bên kia chiến tuyến. Suy nghĩ của ông là sự đau đớn của người cầm súng trong hàng ngũ lính ngụy lúc bấy giờ. Chiến tranh đã chia lìa gia đình ông, anh em của ông. Ông chủ nhà rường cứ rơm rớm nước mắt: “Tui mang ơn ngày 26/3, mang ơn ngày giải phóng vì nhờ nó mà anh em tui gặp nhau, cùng quỳ lạy trước bàn thờ cha mình. Và thật hạnh phúc rằng anh tui không hy sinh. Nếu mà ông ấy có can hệ gì, tui ân hận cả đời vì nghĩ có phải viên đạn mình bắn ra đã trúng anh mình.” Sáng nay, 26/3/2010, tại sân Ngọ Môn, tôi thấy một mẹ già đứng lặng im giữa quảng trường. Tóc mẹ ướt. Áo chảy từng giọt nước mưa. Mẹ bảo với tôi, năm nào đúng giờ này, ngày này mẹ cũng đứng ở đây. Mẹ mang ơn ngày giải phóng. Gia đình mẹ 4 đời đi ở đợ, mẹ truyền con nối. Sau ngày giải phóng, mẹ, con mẹ và bây giờ là cháu gái mẹ đã được ngẩng cao đầu: không còn là con sen. Góc khuất quảng trường nơi mẹ đứng, tôi đã nhìn thấy màu đỏ tươi của Cờ Đỏ Sao Vàng. Cũng sáng nay, ở quảng trường Ngọ Môn, một nữ sinh Quốc Học, áo dài trắng tinh khôi, em ướt hết rồi mà vẫn đứng nghiêm. Buột miệng tôi nhắc: “Con mặc áo mưa đi, kẻo ốm”. Bé con cười: “Có chi mô chú, ba con ngày xưa trên rừng...”. Vâng, tôi hiểu. Em đang cố thể hiện rằng mình đủ can trường để đứng thẳng trước gió mưa, như cha em ngày trước. Chiều tối, được ngồi với các anh chị sinh viên tranh đấu ngày xưa. Nghe những bài ca tranh đấu máu lửa của Huế một thời, mới hiểu được tâm can người Huế với ngày giải phóng: Hòa Bình đã về trên non nước Việt Nam. Sự khao khát Hòa Bình đến cháy bỏng của người Huế đã làm cho sông Hương nổi sóng, núi Ngự chuyển mình đứng thẳng! Dường như hiểu được cái giá của Hòa Bình, người Huế bây giờ hỏi trăm người như một, đều ước một điều ước: đừng bao giờ có tiếng súng, đừng bao giờ phá vỡ sự ổn định được dựng xây trong suốt 35 năm qua. Yên ổn để làm ăn, yên ổn để tận hưởng Hòa Bình mà người thân của họ đã đánh đổi bằng máu xương, bằng sinh mạng chính mình. Người Huế tôi là thế. Ngày giải phóng đồng nghĩa với Hòa Bình, đồng nghĩa với sự An Lạc. Và cao hơn là đồng nghĩa với Độc Lập, Tự Do. Hôm nay chúng tôi kỷ niệm 35 năm NGÀY GIẢI PHÓNG. Quỳnh Thi

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1982/201003/Nguoi-Hue-chung-toi-la-the-1746611/