Người làm báo cần có thái độ chuyên nghiệp khi tham gia mạng xã hội

Hiện MXH là một địa chỉ để nhiều nhà báo phát ngôn và trở thành một địa chỉ tương tác giữa nhà báo và độc giả. Tuy nhiên, dù ở cương vị nào, người làm báo phải có trách nhiệm về phát ngôn của mình với vai trò dẫn dắt cộng đồng và trách nhiệm phụng sự xã hội... Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam.

Hiện có nhiều nhà báo, phóng viên, biên tập viên dựa vào các trang MXH để khai thác thông tin, tuy nhiên, không phải thông tin nào trên các trang MXH cũng chính xác. Vậy mỗi phóng viên, nhà báo nên có thái độ như thế nào trước những vấn đề được đăng tải trên các trang MXH, thưa ông?

Khi MXH lên ngôi, không ít nhà báo chỉ chăm chăm xào nấu lại các thông tin mà thiếu kiểm chứng, thay vì chỉ coi MXH một nguồn cung cấp thông tin. Theo tôi, để có một sản phẩm báo chí chất lượng, người làm báo phải sử dụng các biện pháp nghiệp vụ báo chí. Nghĩa là, những người làm báo phải có mặt ở nơi diễn ra sự kiện để tìm hiểu thông tin và thẩm định lại thông tin, từ đó, dựa vào kỹ năng để chọn lọc thông tin nhằm truyền tải đến độc giả thông tin chính xác, kịp thời…

Việc các nhà báo, phóng viên tìm hiểu thông tin trên các trang mạng xã hội hay các ấn phẩm điện tử là chuyện bình thường, phù hợp với sự phát triển công nghệ thông tin hiện nay. Tuy nhiên, theo tôi khi tiếp nhận các thông tin từ MXH, nhà báo cần phải có kỹ năng xử lý và nhận định phù hợp đối với từng thông tin cụ thể. Bên cạnh đó, phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp là người phụng sự một cơ quan báo chí cụ thể và có tôn chỉ, mục đích rõ ràng nên khi tiếp nhận thông tin trên các trang MXH cần phải có định hướng và thực hiện Luật Báo chí. Do đó, những thông tin đăng tải trên MXH, phóng viên, nhà báo chỉ nên sử dụng với mục đích tham khảo.

Trong Luật Báo chí 2016 cũng đã có những quy định chuẩn mực và trách nhiệm của người làm báo Việt Nam khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác. Như vậy, người làm báo khi tham gia MXH cần phải tuân thủ các quy định đã có trong Luật Báo chí 2016.

Trước những vấn đề nhạy cảm, thông tin thời sự được xã hội quan tâm và có ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội, hiện nay nhiều nhà báo sử dụng MXH để tương tác với bạn đọc. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Đúng là hiện nay, không ít nhà báo biến trang mạng cá nhân của mình trở thành nơi bày tỏ những quan điểm bản thân, đôi khi, những quan điểm này hơi thái quá. Đặc biệt, nhiều quan điểm cá nhân của nhà báo lại khác hẳn với quan điểm được bày tỏ trên tác phẩm báo chí do chính nhà báo ấy vừa viết và đã được đăng tải trên các trang báo.

Theo tôi, khi nhà báo tham gia comment - bình luận, status - đăng tải trạng thái trên trang MXH mà gắn với sự kiện thời sự đang diễn ra, ở khía cạnh nào đó chính là nhà báo đang tham gia vào các hoạt động của thông tin báo chí. Theo đó, khi bình luận một bài viết (comment), mỗi người làm báo phải hiểu những phát biểu của mình trên MXH dù ít, dù nhiều đều có định hướng dư luận nhất định. Do đó, khi tham gia bình luận hay đăng tải trạng thái trên MXH nhà báo cần có thái độ chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nhà báo phải luôn thấm nhuần một điều: Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Ngoài ra, không ai có thể cản trở hoạt động báo chí đúng pháp luật, đúng sự thật, khách quan, công tâm, cân bằng và công bằng… do vậy, nhà báo phải xử lý các thông tin phù hợp với lợi ích đất nước, quốc gia, dân tộc.

Thực tế, báo chí đang đối mặt với sự cạnh tranh của các trang MXH và nguy cơ mất dần uy tín trước công chúng báo chí, bởi những hiện tượng như: Thổi phồng thông tin, giật tít - câu view thật hấp dẫn, tranh cướp thông tin, quấy rối, bôi nhọ để kiếm tiền xảy ra hằng ngày. Đồng thời, gánh nặng tự chủ tài chính đã làm cho nhiều cơ quan báo chí lao đao… Do đó số lượng các bài báo viết về mặt trái xã hội ngày càng lấn lướt các trang báo, chương trình truyền hình. Thực tế này, đòi hỏi mỗi nhà báo phải hoạt động dựa trên chuẩn mực, đạo đức của nghề nghiệp.

Mỗi một nhà báo đều có trong tay một phương tiện sắc bén là cơ quan báo chí của mình. Trước những vấn đề đăng tải trên mạng xã hội có hiệu ứng xã hội rộng lớn, nhà báo nên có những phản ánh, phản biện độc lập, tôn trọng chính kiến của tác giả..., đó là hành xử đúng đắn và văn hóa của nhà báo. Tại Điều 3 trong 10 Quy định đạo đức của người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam quy định đã chỉ rõ: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai, xuyên tạc, che dấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc”.

Trước thực tế đó thì quy định về ứng xử của nhà báo trên các trang MXH hiện đã chặt chẽ chưa, thưa ông?

Tôi nghĩ, những quy định về ứng xử của nhà báo trên các trang mạng xã hội đã khá chặt chẽ, nếu như các nhà báo đều thực hiện đầy đủ những điều được và không được làm quy định Luật Báo chí 2016 và 10 Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Mặt khác, nhiều cơ quan báo chí đã bổ sung trong quy chế làm việc về việc tham gia MXH của nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong cơ quan khi tham gia MXH. Tôi đánh giá những quy định đó là kịp thời và hết sức cần thiết trước sự phát triển của các trang mạng xã hội.

Hiện những phát ngôn trên các trang MXH khá đa dạng, vậy các cơ quan quản lý nên quản lý những ứng xử của nhà báo trên mạng xã hội ở khía cạnh này như thế nào thì hợp lý, thưa ông?

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, mọi công dân đều có thể tham gia biểu đạt suy nghĩ của mình trên các trang MXH. Nhưng mỗi công dân Việt Nam đang sống trong một đất nước có pháp luật và văn hóa nên phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Để quản lý công dân, nhiều nước trên thế giới đã cấm MXH, hạn chế facebook… Đối với Việt Nam, tôi nghĩ Nhà nước quản lý trang MXH bằng công nghệ để ngăn chặn các phát ngôn không mang tính chất xây dựng, thiếu văn hóa, nói xấu, bôi nhọ... Đối với những phát ngôn của những người làm báo chuyên nghiệp đã được quy định trong Luật Báo chí. Ví dụ như: Cùng một vấn đề, nhà báo viết trên trang báo của cơ quan báo chí và viết MXH mà thể hiện quan điểm khác nhau là vi phạm Luật Báo chí 2016.

Xin cảm ông!

Đỗ Hòa (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nguoi-lam-bao-can-co-thai-do-chuyen-nghiep-khi-tham-gia-mang-xa-hoi.aspx