Người Mỹ ngày càng dễ chấp nhận hàng "Made in China"?

Theo khảo sát được tiến hành gần đây, 62% người tiêu dùng Mỹ cho biết họ sẵn sàng mua các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

"Made in China" là cụm từ chủ yếu được người Mỹ biết đến với các sản phẩm được sản xuất ra ở nước ngoài. Nhưng càng ngày cụm từ này càng được gắn liền với các sản phẩm có nguồn gốc từ các công ty Trung Quốc - và được phương Tây chấp nhận.

Cuộc khảo sát gần đây của Li-Ning, Tập đoàn sản xuất dụng cụ thể thao hàng đầu Trung Quốc cho thấy số lượng người tiêu dùng ở Mỹ sẵn sàng mua sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc ngày càng tăng.

Tập đoàn Li-Ning đã phối hợp cùng Tập đoàn Acquity, công ty tư vấn tiếp thị và thương mại điện tử để mở rộng thương hiệu kinh doanh trên thị trường Mỹ.

Theo nghiên cứu của tập đoàn này, đã có một sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng Mỹ về thương hiệu Trung Quốc trong 5 năm qua. Khoảng 62% người Mỹ cho biết hiện nay họ muốn mua sản phẩm từ các công ty Trung Quốc hơn so với năm 2007.

Trong đó, đồ điện tử là mặt hàng được đánh giá cao nhất trong số các chủng loại sản phẩm của Trung Quốc, với nhà sản xuất thiết bị Haier và Tập đoàn sản xuất máy tính nổi tiếng Lenovo.

Theo Li-Ning, hơn 50% số người được khảo sát tin rằng chất lượng của hàng hóa mang thương hiệu Trung Quốc sẽ được đánh giá cao hơn hàng hóa của Mỹ trong 5 năm tới.

Hai nhóm người tiêu dùng, những người có độ tuổi từ 18 đến 25 và những người có thu nhập hơn 225.000 USD mỗi năm, cho biết họ đánh giá cao thương hiệu Trung Quốc.

"Sự hài lòng của nhóm trẻ và nhóm có thu nhập cao là mục tiêu chiến lược quan trọng, tạo cơ hội để Trung Quốc khai thác thị trường và thiết kế riêng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng" Craig Heisner, Phó chủ tịch Tập đoàn Li-Ning cho biết.

"Giới trẻ dễ tiếp nhận các sản phẩm từ Trung Quốc" còn "những người lớn tuổi hơn thường có định kiến và lo lắng về việc các sản phẩm của Trung Quốc bị làm giả".

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa lọt vào top 100 thương hiệu hàng đầu thế giới năm 2011 do Interbrand bầu chọn. Trung Quốc vẫn là một "con rồng ẩn mình" và thương hiệu chỉ có thể được xây dựng theo thời gian bằng cách cải thiện các mối quan hệ với phương tiện truyền thông, thị trường tài chính và Chính phủ, Crocker Coulson, Chủ tịch Quan hệ đầu tư CCG, cố vấn cho nhiều công ty Trung Quốc cho biết.

Eric Schmidt, người sáng lập đồng thời là chủ tịch của China Entrepreneurs - công ty tư vấn tại Bắc Kinh cho biết các công ty Trung Quốc hiện đang cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ các đại gia phương Tây như Tập đoàn P&G (Procter & Gamble) về việc xây dựng thương hiệu.

Nguồn China Daily/DVT

Nguồn Gafin.vn: http://gafin.vn/20120616041413956p0c63/nguoi-my-ngay-cang-de-chap-nhan-hang-made-in-china.htm