Người nặng lòng với dải đất hình chữ S!

Là con rể Việt, gần 37 năm gắn bó với Việt Nam, hơn 14 lần đón Tết cổ truyền Việt Nam (trong đó có tới 7 năm trên cương vị Đại sứ), ông còn có một tình yêu đặc biệt với tiếng Việt, văn hóa Việt và luôn cảm thấy mình là người Việt Nam thực thụ, mang nhiều duyên phận với đất nước hình chữ S này… Nhân vật với rất nhiều điều thú vị ấy là ngài Đại sứ Palestine tại Việt Nam- Saadi Salama.

1. Tôi đã được gặp rất nhiều người Lào, người Campuchia, thậm chí là những người Nga nói tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt, nhưng một người Hồi giáo ở đất nước Trung Đông xa xôi như Palestine, sống ở mảnh đất Việt Nam lâu như vậy, giữ được một tình yêu lớn với Việt Nam lâu như vậy, thấu hiểu được mọi ngõ ngách đời sống văn hóa, đời sống ngôn ngữ của người Việt… thì có lẽ trong chặng đường làm báo của tôi đây là trường hợp đầu tiên. Và khi gặp ông, lời đầu tiên tôi muốn hỏi ông là về mâm cỗ Tết của người Việt!

Ngài Đại sứ thả cá chép trong ngày cúng Ông Công Công táo (Ảnh Zing.vn)

Ông nói rằng mình thực sự vô cùng ấn tượng với mâm cỗ Tết của người Việt. Kể cả khi điều kiện đất nước Việt Nam còn khó khăn, người dân quanh năm tiết kiệm, nhưng mâm cỗ ngày Tết bao giờ cũng đượ̣c chuẩn bị linh đình, chu đáo, công phu, kỹ lưỡng với nhiều thức ăn ngon, kỹ thuật chế biến cầu kỳ cùng cái tâm của người nấu… với ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt.

Ngài Đại sứ nhớ lại: Hồi đầu nhìn mâm cỗ Tết của người Hà Nội, tôi thấy ngỡ ngàng lắm, sao có nhiều món, nhiều thứ như thế? Tôi băn khoăn, tự hỏi và đi tìm câu trả lời cho mình- thì ra, mỗi món ăn ấy nó đều có ý tứ của người Việt cả, là ý nghĩa văn hóa ở trong đấy rồi…! Ngoài những món ăn không thể thiếu như xôi gấc đỏ mang màu của sự may mắn, bánh chưng xanh vuông vắn tượng trưng cho đất trời, được ăn kèm với dưa hành nén thì đó phải là thịt gà, là giò, là cá, là bát canh măng hay canh bóng Mâm cỗ Tất niên chiều 30 và mâm cỗ buổi sáng mồng 1 Tết là quan trọng nhất”.

Ông Saadi Salama đích thân di chợ Hoa Tết để chọn mua Đào (Ảnh Zing.vn)

Ông Đại sứ thích chuyện Táo quân, thần bếp của Việt Nam. Ống nói rằng vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ông không quên nhiệm vụ thả cá chép để “ông Táo lên chầu trời” như một người Việt Nam thực thụ. Ông rất thích đi chợ hoa Tết, đích thân mình chọn Đào (một cành cho gia đình và một cành cho Văn phòng Đại sứ). Và Tết của gia đình ông cũng đầy đủ mọi thứ, có chăng mâm cỗ Tết ở nhà ông phong phú hơn một chút nhờ các món đặc sản và hoa quả Palestine mà ông tự làm hay mang từ quê hương sang mời mọi người. Ông thích đi dự các lễ hội đầu xuân, đặc biệt là Hội Lim (Bắc Ninh) để được thưởng thức nhiều làn điệu Quan họ mà ông đã trót say mê…

Ông Đại sứ Palestine cùng tập hát Quan họ với các liền anh liền chị Bắc Ninh (ảnh do ĐSQ cung cấp).

2. Cơ duyên để tôi được gặp gỡ và trò chuyện cùng Đại sứ Palestine ấy là tại cuộc hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” được tổ chức vào đầu tháng 11/2016 tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông xuất hiện với tư cách là một người bạn thân thiết của Đài cùng bài phát biểu đầy biểu cảm và thú vị về ý nghĩa và giá trị của Tiếng Việt; chia sẻ về mục đích và cách học tiếng Việt giỏi của mình.

Ngài Đại sứ cho rằng: Với ông, tiếng Việt là tâm hồn, là trí tuệ, là cốt cách của một dân tộc từng chịu đựng nhiều khổ đau nhưng luôn kiên cường và bất khuất. Mục đích của ông khi đến Hà Nội, đến khoa tiếng Việt của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (năm 1980) là để học tiếng Việt thật giỏi, để biết rõ, hiểu rõ về lịch sử- văn hóa của một dân tộc từng làm chấn động địa cầu với những chiến thắng lẫy lừng năm châu. Động cơ đó đã tạo nên niềm say mê và miệt mài học tập trong ông.

Cũng với ông, tình yêu với ngôn ngữ xa lạ và phức tạp này không chỉ đến ngay trong những ngày đầu tiếp xúc với các thầy, cô, các nhân viên của khoa Tiếng Việt mà còn từ giọng nói trong sáng, truyền cảm, ấm áp của các phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam, phát ra từ chiếc đài nhỏ: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước cộng hòa XHCN Việt Nam”.

Ngài Đại sứ Palestine thể hiện tài năng nói tiếng Việt thành thạo của mình tại hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng”(Ảnh VOV).

Sau khi học xong bằng cử nhân tiếng Việt tôi nhận ra rằng, có động cơ đúng, có tình yêu thật sự mới học giỏi được tiếng Việt. Nhưng người học giỏi không phải biết nhiều mà phải biết rõ cái gì mình cần diễn đạt, phải hiểu rõ những cái mình muốn nói, muốn viết, bởi tiếng Việt là cả một nền văn hóa, là công cụ giao tiếp đặc thù mang tính dân tộc sâu sắc của người Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi thành thạo tiếng Việt cũng là nhờ có sự so sánh- đối chiếu với tiếng Arab. Cho dù thuộc 2 loại hình ngôn ngữ khác nhau, nguồn gốc khác nhau, môi trường ngôn ngữ khác nhau nhưng Tiếng Việt và tiếng Arab cũng có nhiều điểm tương đồng về cách biểu hiện, các phạm trù ngữ nghĩa về đạo lý làm người, về đạo đức, về nhân sinh, nhân ái, về hòa bình, hữu nghị, về đức tính cần cù, lao động… Điều này được thể hiện trong các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao”, Ngài Đại sứ tâm sự.

Người ta thường nói “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, vậy mà tôi thấy ông Đại sứ hiểu và rành rõi tiếng Việt còn hơn nhiều người Việt. Ông biết và hiểu về Truyện Kiều, thuộc thơ Hồ Xuân Hương; có thể dành hàng giờ để giải thích về nguồn gốc, truyền thống của các lễ hội Việt Nam cho các người bạn của mình. Là một người vui tính, hóm hỉnh, ông có thể kể chuyện tiếu lâm bằng tiếng Việt với cách nói tránh né những từ tục một cách rất tinh tế…

3. Từ vốn ngôn ngữ Tiếng Việt phong phú ấy của Ngài Đại sứ, tôi tự hỏi, dòng chảy ấy bắt đầu từ đâu? Ai đã khơi nguồn thêm cho tình yêu Việt Nam, tình yêu với văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt ấy? Và khi nghe ông kể tôi càng hiểu rõ điều đó.

Với tôi, hạnh phúc nào hơn, kết hôn khi mới 22 tuổi và giờ tôi đã ôm “khối tài sản ròng” gồm 1 vợ và 4 con. Vợ tôi (một phụ nữ Hà Nội xưa, chịu thương, chịu khó, chăm lo cho gia đình, chồng con) đã giúp các con hiểu được văn hóa truyền thống của Việt Nam và Palestine. Tôi thường giới thiệu với bạn bè đây là tinh hoa của quan hệ thông gia giữa Palestine – Việt Nam. Nói cách khác thì hai đất nước đã kết mối nhân duyên cho vợ chồng tôi” – ngài Đại sứ nói với giọng đầy tự hào.

Đại sứ Palestine cùng 2 cô con gái mang 2 dòng máu Việt Nam- Palestine (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tôi có một gia đình toàn cầu. Các con có thể nói thành thạo nhiều thứ tiếng; Tiếng Việt, tiếng Ả-rập, Anh, Pháp, thậm chí là tiếng Tây Ban Nha và Italia. 4 người con (3 gái, 1 trai) đều thành đạt. Nhưng dù đi đâu, chúng cũng luôn tự hào về quốc tịch Palestine và Việt Nam. Chúng mang hai dòng máu Palestine – Việt Nam. Và tôi tin rằng, các con tôi sẽ đóng vai trò trong tương lai để trở thành cây cầu hữu nghị kết nối hai đất nước”, ông Saadi Salama trải lòng.

Và tôi hiểu rằng, từ việc các thành viên của gia đình ông mỗi bữa sáng chào nhau bằng Tiếng Việt, cùng nhau đi Chùa cầu phúc, bình an… thì chính những con người này đã là sợi dây để kết nối ông sâu hơn, đằm hơn vào đời sống văn hóa của người Việt, luôn cho ông thêm một tình yêu đặc biệt với Việt Nam. Đấy còn chính là các Sứ giả văn hóa góp phần quan trọng thúc đẩy mối quan hệ bền vững, tốt đẹp giữa đất nước Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, chứ không phải chỉ đơn giản từ những cái bắt tay ngoại giao…

Thêm một điều thú vị về ông Đại sứ Palestine ở Việt Nam- Saadi Salama là trong chương trình “Ai là triệu phú” trên VTV, phát sóng tối 31/1 vừa qua (tức mùng 4 Tết), ông đã có màn thi gây sốt cộng đồng. Với câu hỏi “Bu là gì”, ông phân vân giữa 4 đáp án “A: Một loại khóa, B: Mẹ, C: Một điệu hát và D: Một loại gia vị” nên đã dùng quyền trợ giúp hỏi ý kiến khán giả trong trường quay. Kết quả, khán giả chọn các đáp án với tỷ lệ tương đương nhau khiến vị Đại sứ bối rối. Nhưng qua cách hỗ trợ khiến ông nghĩ “có lẽ mình đang được thử thách vốn tiếng Việt”, và cuối cùng với bản lĩnh và vốn tiếng Việt phong phú của mình ông quyết định không nghe theo trợ giúp của số đông mà chọn đáp án B và cũng là lựa chọn đúng, là người chơi chiến thắng khi đã vượt qua 12 câu hỏi của chương trình “Ai là triệu phú” giành được phần thưởng 40 triệu đồng…

Ngọc Lành

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nguoi-nang-long-voi-dai-dat-hinh-chu-s/