Người nâng niu những bộ hài cốt liệt sĩ

(ĐSCT) Khi biết mảnh đất của gia đình có hầm mộ tập thể với hàng chục liệt sĩ còn nằm lại, một gia đình đã tự nguyện đào tung khoảnh sân nhà mình đang ở, thậm chí đập nhà với tâm nguyện đưa hết hài cốt các liệt sĩ về nơi an nghỉ. Câu chuyện xúc động này của bà Nguyễn Thị Lý, ở phường 2, thị xã Quảng Trị.

Ngôi nhà đặc biệt Mỗi ngày rằm, lễ, tết bà Lý đều đến nghĩa trang LS để chăm sóc nhang khói Đó là căn nhà của gia đình ông Thanh, bà Lý ở thị xã Quảng Trị - nơi đang diễn ra cuộc tìm kiếm, cất bốc hài cốt những chiến sĩ đã chiến đấu và nằm lại trong chiến dịch giữ Thành Cổ năm 1972. Từ gần ba tháng nay, gia đình ông bà tạm gác mọi công việc mưu sinh thường ngày, tình nguyện tìm kiếm hài cốt. Một buổi trưa cuối tháng 7 oi bức. Chuông điện thoại reo liên tục, đầu dây bên kia giọng bà Lý thảng thốt: "Đã tìm thấy bộ hài cốt liệt sĩ đầu tiên, và xung quanh còn nhiều lắm!". Ngay lập tức chúng tôi có mặt tại gia đình bà Nguyễn Thị Lý ở số nhà 7/170 Trần Hưng Đạo. Lúc này mảnh sân nhà ông bà không khác nào một "chiến địa" ngổn ngang, toàn bộ cánh cổng, tường rào đều bị xới tung, những chiếc hầm được đào sâu để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. "Chuyện này nói ra nhiều người chắc không tin, suốt một thời gian dài tôi nằm mơ có người báo mộng thấy trước sân có một ngôi mộ lớn với nhiều hài cốt liệt sĩ. Ban đầu tôi cũng không tin, nhưng chuyện cứ lặp đi lặp lại đến ám ảnh. Linh tính mách bảo có điều gì đó thúc bách nên tôi quyết phải tìm cho bằng được", bà Lý nói về nguyên do cuộc tìm kiếm. Có một điều trùng hợp ngẫu nhiên là nhát cuốc đầu tiên bà Lý bổ xuống lại nhằm đúng ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7. “Hôm đó cũng đúng ngày giỗ của cha tôi nhưng có điều gì đó cứ thôi thúc và tôi đã quyết định đào ngay vào buổi sáng hôm ấy" - bà Lý nói. Ngay vị trí nhát cuốc đầu tiên bà đã tìm thấy những chiếc răng rồi xương ống, xương chân, tay... cùng một số di vật như bi-đông đựng nước, một chiếc xẻng cá nhân, thắt lưng... Đến gần xế trưa thì bà đã cất bốc được bộ hài cốt liệt sĩ đầu tiên. Miệng hố được gia đình bà đào mở rộng ra tận cổng, tường rào buộc phải đập đi để thuận tiện cho việc tìm kiếm. Do sân nhà bà đã được đổ hai lớp đất đỏ và lớp bê tông dày đến 50cm nên việc đào xới vô cùng vất vả. Bà một mình đào đến ngày thứ ba thì tìm được 7 bộ hài cốt liệt sĩ cùng với hàng trăm di vật đi kèm. Các bộ hài cốt này sau đó đã được tổ chức truy điệu và an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Quảng Trị. Bà Lý cùng hai người con rể là Huỳnh Quốc Phương và Đặng Quốc Huy tiếp tục đợt tìm kiếm thứ hai (từ 13 đến 15-8), tìm thấy thêm 3 bộ hài cốt. Ngày 21-8, ngay sau bữa cơm tối bà một mình câu bóng điện ra sân rồi giăng bạt kín hố che mưa tiếp tục công việc. Trong đêm tối trời mưa xối xả, bà lặng lẽ xới rà từng centimet đất. Nhưng khi đôi mắt ríu đi vì buồn ngủ thì bà bỗng phát hiện một chiếc xương ống chân, rà tiếp một đoạn nữa phát hiện xương sống lưng và một số di vật như mặt nạ chống độc, thuốc y tế, xi lanh... “Đến khoảng 4 giờ sáng thì tôi tìm được thêm 3 bộ hài cốt liệt sĩ nữa”. Cuộc tìm kiếm vào ngày hôm sau, bà Lý với sự giúp sức của các con tiếp tục phát hiện thêm 5 bộ hài cốt, nâng tổng số hài cốt liệt sĩ lên đến con số 18. Những câu chuyện cảm động Những bộ hài cốt liệt sĩ tìm thấy, bà Lý tự tay khâm liệm và đặt cẩn thận trước ban thờ được lập ngay trước nhà rồi cũng làm lễ mở cửa mả như người thân trong gia đình. Mỗi ngày bà đều đặn mua hoa quả, hương khói cho các anh. Đôi bàn tay sần sùi đến tươm máu của bà Lý run run thắp nén nhang trên ban thờ liệt sĩ, tâm sự: “Để các anh được ấm lòng là tôi thấy vui hơn cả. Các anh cũng giống người thân mình vậy” - chợt đôi mắt bà trầm ngâm: “Anh trai tôi cũng là chiến sĩ chiến đấu và hy sinh tại Thành Cổ mà đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy xác. Mỗi lần vào Thành Cổ thắp nhang bái vọng anh là tôi và mẹ lại khóc rưng rức!”. Hôm chúng tôi vào lại nhà bà Lý thì tình cờ gặp một đoàn khách từ Hà Nội vào thăm Quảng Trị, nhiều người trong đoàn là cựu chiến binh và trong đó nhiều người còn rất trẻ. Biết tin bà Lý tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ đã tự tìm địa chỉ đến thắp nhang. Chị Bùi Kiều Oanh, trưởng đoàn cứ ôm chầm bà Lý xúc động không nói nên lời. Nhiều người khác mắt bắt đầu rưng rưng... Có một cô gái còn rất trẻ, người gốc Bắc nhưng sống ở thị xã Quảng Trị biết tin bà Lý tìm được hài cốt liệt sĩ cũng đã tìm vào xin bỏ lễ vật khấn vái, thắp nhang cho các anh. Một cụ bà đã 90 tuổi ở thị xã Đông Hà cũng đã nhờ đứa cháu chở vào thắp nhang cho các anh. Và nhiều nữa, nhiều người hàng xóm và người lạ qua đường đã làm như thế. Đó tấm lòng biết ơn của những người đang sống, là sự tri ân với những người chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Thi thoảng đâu đó trên mảnh đất Thành Cổ này người ta lại tìm thấy hài cốt liệt sĩ mỗi khi đào móng nhà hay làm đường, đào giếng. Và người phát hiện bao giờ cũng tự mua quách mộ về an táng, thờ cúng trước khi báo cho chính quyền. Đó là chuyện bình thường. Có một điều người ta dễ nhận thấy khi đi ngang qua thị xã nhỏ bé này: ngoài sân mỗi gia đình bao giờ cũng có hai chiếc am thờ, một chiếc trong gia đình và một chiếc dành cho những vong hồn liệt sĩ. Thế mới biết, người dân sống ở mảnh đất thiêng này, dù là thế hệ nào đi nữa vẫn đau đáu tưởng nhớ đến các anh như một phần máu thịt, không thể quên.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=36672&mod=detnews&p=