Người nghệ sĩ vượt lên số phận

Là một trong những danh cầm kỳ cựu của âm nhạc Tài tử - Cải lương, dường như cả đời nhạc sĩ Hoàng Thành (trong ảnh) vẫn chưa trả hết "nợ dâu". Bởi lẽ, từ lúc tuổi thơ cho đến khi mái đầu đã bạc, cuộc đời ông luôn gắn liền với âm nhạc cổ truyền vùng đất phương Nam.

Sinh trưởng trong gia đình nghèo khó và không may sớm gặp bất hạnh. Năm hai tuổi, cơn sốt bại liệt đã vô tình cướp đi đôi chân của cậu bé Lê Văn Thuận (tên thật của nhạc sĩ Hoàng Thành). Mặc dù còn nhỏ tuổi, nhưng tâm hồn cậu bé Thuận đã biết đắm say với tiếng đờn cổ nhạc, nhất là khi nghệ nhân Văn Bông ở gần nhà (phường Cây Sung - quận 7 cũ, nay là phường 14 - quận 8 – TP Hồ Chí Minh) có nhã ý dạy đờn ghi-ta phím lõm cho ông. Sau một thời gian theo học thầy Văn Bông, ngón đờn của cậu bé tật nguyền ngày càng ngọt ngào, điêu luyện.Thấy ngón đờn Lê Văn Thuận có triển vọng, nghệ nhân Văn Đặng - một thầy đờn có tiếng ngụ cùng xóm dạy thêm cho sáu bài bản thuộc hơi điệu bắc; sau đó, nghệ nhân Minh Phụng ở Chánh Hưng - quận 8 bồi bổ thêm ba bài nam. Nhờ sự truyền dạy tận tình của các thầy, hơn 10 tuổi, hầu hết những cuộc đờn ca Tài tử ở vùng quận 8, Chợ Lớn đều có mặt của Lê Văn Thuận. Trong một buổi đờn hát giao lưu, cậu bé có hoàn cảnh đáng thương được thầy đờn Bảy Tuất ở xóm Đầm - quận 8 nhận làm đệ tử. Chẳng bao lâu, cậu bé đờn rành rọt 20 bài bản Tổ và các làn điệu, bài bản truyền thống khác của âm nhạc Tài tử -
Cải lương. Năm 1963, nghệ nhân Bảy Tuất đưa "đệ tử ruột" vào đờn chính thức cho sân khấu cải lương chuyên nghiệp tại gánh hát Bình Minh của ông.

Bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Thành là lối rao đờn mùi mẫn, gợi nhiều xúc cảm khi đệm đàn cho NS Thành Được ca bài vọng cổ "Danh nghĩa với tiền tài". Nhiều người trong nghề nhận xét rằng, ngón đờn của nhạc sĩ Hoàng Thành rất ngọt ngào, mùi mẫn. Với lối đờn vỗ êm, truyền cảm; hầu hết các nghệ sĩ đều "chịu" ngón đờn của ông vì rất dễ ca và dễ nhập tâm. Danh tiếng nhạc sĩ Hoàng Thành càng rực sáng hơn khi làm trưởng ban nhạc cho Đoàn cải lương tập thể Sài Gòn 2 và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang được giới mộ điệu yêu mến tài năng qua các vở tuồng: Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn Hào Hoa…

Những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, lúc tập vở "Tìm lại cuộc đời" do bộ ba tác giả: Huy Lam - Hoàng Khâm -
Điêu Huyền viết kịch bản, vì muốn giữ giọng cho ngày phúc khảo, NSƯT Mỹ Châu (đóng vai Lan) nhờ nhạc sĩ Hoàng Thành hạ thấp dây đờn xuống một cung (tức một quãng 8). Nhạc sĩ Hoàng Thành đã nghiên cứu lấy thanh gỗ chặn dây đờn để nhấn nhá chữ đờn từ "hò - đô" lên
"hò - la" hợp với chất giọng của hai nghệ sĩ Mỹ Châu và Thanh Tuấn mà không cần phải chỉnh dây lên xuống. Không ngờ, sáng tạo của nhạc sĩ Hoàng Thành lại thành công. Đêm phúc khảo vở diễn, với giọng ca trầm buồn của NSƯT Mỹ Châu cùng tiếng đờn mùi mẫn với kiểu dây đờn vừa được nhạc sĩ Hoàng Thành sáng tạo, khiến các nghệ sĩ đoàn Sài Gòn 2 và người ái mộ yêu thích. Kể từ đó, cổ nhạc miền nam có thêm kiểu dây đờn mới gọi là dây Mỹ Châu. Ngoài thang âm cổ nhạc vừa nêu trên, nhạc sĩ Hoàng Thành còn đóng góp cho âm nhạc cổ truyền Nam Bộ điệu Lý Mỹ Trà mà sau này nó được sử dụng khá nhiều trong các bài ca vọng cổ và nhiều vở diễn
cải lương.

Đến thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Hoàng Thành bắt đầu cầm bút biên soạn lời ca vọng cổ và kịch bản cải lương. Phong cách sử dụng ngôn từ của ông không khác gì phong cách diễn tấu ghi-ta phím lõm, luôn nhẹ nhàng, tình cảm. Nhạc là văn, nhân cũng là văn, vần điệu suôn sẻ, ngôn từ mộc mạc, dạt dào cảm xúc và đậm chất trữ tình. Tính đến nay, nhạc sĩ Hoàng Thành đã biên soạn gần 100 bài vọng cổ và hàng chục vở tuồng cải lương được nhiều người mến mộ.

Gần trọn một đời với nghiệp Tổ, tuổi đã lục tuần mà ngón đờn của nhạc sĩ Hoàng Thành vẫn khá phong độ. Vẫn lối rao đờn mùi mẫn và vỗ êm như thuở nào, nhưng trải qua nhiều năm tháng, ngón đờn của ông càng sâu lắng và điệu nghệ hơn. Vẫn tiếng đờn ấy, mấy thập niên qua, giới mộ điệu không cảm thấy xa lạ mỗi khi ông xuất hiện trong các chương trình: Vầng trăng cổ nhạc, Đêm biển hẹn, Nghệ sĩ và tri âm, Chuông vàng vọng cổ, Ngân mãi chuông vàng... Hiện, ngoài công việc làm cộng tác viên thường trực cho Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV); hằng ngày, nhạc sĩ Hoàng Thành vẫn kín lịch diễn, vẫn "tay viết tay đờn", để góp tài năng và tiếng đờn của mình cho lời ca thêm mượt mà, sâu lắng, tô đậm thêm cho nhiều nghệ sĩ gặt hái thành công và để lại trong lòng công chúng bao niềm ái mộ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/item/31469102-nguoi-nghe-si-vuot-len-so-phan.html