'Người nghèo đi xe máy nên không bị ảnh hưởng bởi trạm thu phí BOT'

'Báo chí đừng nói từ người dân. Phải nói chính xác là doanh nghiệp vận tải phản đối doanh nghiệp BOT do mâu thuẫn về quyền lợi, chứ không phải nhân dân ở vùng đặt trạm ở Cai Lậy phản đối bởi vì các trạm thu phí đã miễn phí cho xe máy', Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Công an Nhân dân.

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra tại tọa đàm Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT ngày 7/9.

Trong một phát biểu gần đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông nêu lại cảnh báo của thế giới cho rằng: “Rủi ro xảy ra tham nhũng trong BOT luôn là lớn nhất”.

Ông Đông cũng nhấn mạnh BOT hiện nay có quá nhiều "tù mù", dễ nảy sinh tham nhũng mặc dù quy trình xem ra rất chặt chẽ, qua nhiều cấp thẩm định.

Đề cập đến phát ngôn trên của Thứ trưởng Đông tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, chúng ta cần hiểu rằng Thứ trưởng Đông đã trích dẫn nhận xét của Ngân hàng Thế giới và IMF về BOT trên toàn thế giới chứ không phải chỉ riêng của Việt Nam.

Ông Kiên cho biết, về phía Quốc hội, ngày 15/8, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có kết quả giám sát việc thực hiện các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông vận tải và đặc biệt là giao thông đường bộ.

Theo đó, các tồn tại của các dự án BOT được triển khai từ năm 2011 đến 2016 đã được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra và chia thành 12 nhóm tồn tại cần khắc phục. Qua đó, để khắc phục đã đưa ra 16 nhóm giải pháp.

"Như vậy, nhận xét về quá trình triển khai BOT của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 là “tù mù” là nhận xét mang tính cá nhân chứ không phải chính thức của Bộ Kế hoạch và đầu tư – bộ chịu trách nhiệm chính trong việc phê duyệt nhà đầu tư BOT và cấp giấy phép đầu tư", ông Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, trong kết luận của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Trong 50 dự án BOT đã đi vào khai thác, có 8 dự án BOT có vấn đề mà người dân ở khu vực đặt trạm thu phí có phản ứng khác nhau, nhưng cách xử lý của chúng ta tại mỗi trạm lại theo hướng khác nhau và chúng ta đang có hướng giải pháp để xử lý.

Ví dụ, Dự án BOT trên Quốc lộ 91B đi từ An Giang đến Kiên Giang có trạm T2 được phát hiện có vấn đề. Ngay sau đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải về việc xử lý việc thu phí tại trạm T2 và 1 tháng sau đã có phương án xử lý.

"Hiện nay, báo chí hiện mới tập trung vào bức xúc của doanh nghiệp vận tải chứ không phải là tập trung toàn bộ vào ý kiến của người dân. Vấn đề này là doanh nghiệp vân tải phản đối doanh nghiệp BOT về việc đặt trạm thu phí chứ chưa phải ý kiến của toàn bộ người dân bởi các dự án BOT được miễn phí cho tất cả người dùng xe máy khi đa số người dân sử dụng loại phương tiện này", ông Kiên nói.

“Xe máy của Việt Nam là 7 triệu xe, người lao động, nghèo nhất là dùng xe máy thì ta đã miễn, không ảnh hưởng gì đến những người đó”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục cho biết.

Theo ông Kiên, các dự án BOT có những sai sót nhưng trong quá trình triển khai từ 2011 đến 2016 thì những sai sót đó đã từng bước được sửa sai, khắc phục.

"Ban đầu quản lý BOT bằng Nghị định 78, sau đó, chúng ta thay bằng Nghị định 108 nhưng mới thu hút được chưa tới 10 dự án BOT. Trong quá trình triển khai từ 2012-2014, chúng ta đã phát hiện nhiều vấn đề của Nghị định 108 và tới năm 2015, chúng ta đã có Nghị định 15 để khắc phục những yếu điểm của các dự án BOT", ông Kiên nói.

Ông Kiên cũng nhấn mạnh, công tác quản lý nhà nước đã phát hiện ra được và đã có phòng chống. "Nó không tù mù như cá nhân đồng chí Đặng Huy Đông phát biểu đâu", ông Kiên nói.

Trước đó, tại buổi tọa đàm “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” ngày 23/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng BOT là chi phí không hợp lý mà cả xã hội chúng ta đang phải chịu đựng. Lý do là vì khi triển khai BOT thì không theo một nguyên tắc, chuẩn mực nào cả.

Thứ trưởng Đông cũng cho biết, ngay từ năm 2009, ông đã chỉ rõ về việc nhiều nước trên thế giới cảnh BOT là rủi ro tham nhũng lớn nhất. “Nếu làm đúng, làm tốt các dự án BOT rất có lợi cho mọi quốc gia, nhiều quốc gia đã thành công. Nhưng nếu làm không tốt, không đúng quy trình, nới lỏng một chút thôi thì rủi ro tham nhũng là rất lớn”, Thứ trưởng Đông nói.

Theo ông Đông, cơ quan quản lý dự án BOT vẫn hay dùng từ hài hòa lợi ích giữa các bên. Tuy nhiên, theo ông phải hài hòa phải trong sự tường minh, muốn hài hòa trước hết phải minh bạch rõ ràng.

“Chừng nào các con số đó vẫn tù mù, chưa được công khai minh bạch thì xã hội và doanh nghiệp còn ý kiến, bức xúc”, ông Đông nhấn mạnh.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thoi-su/nguoi-ngheo-di-xe-may-nen-khong-bi-anh-huong-boi-tram-thu-phi-bot-3155539.html