'Người nghèo không ảnh hưởng bởi trạm thu phí '

'Việt Nam có 7 triệu xe máy. Người lao động, người nghèo dùng xe máy đã được miễn phí nên không ảnh hưởng gì', ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói.

Phát biểu tại buổi tọa đàm Phòng ngừa tham nhũng trong các dự án BOT ngày 7/9, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết ngày 15/8, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có kết quả giám sát việc thực hiện các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông vận tải và đặc biệt là giao thông đường bộ.

Theo đó, các tồn tại của các dự án BOT được triển khai từ năm 2011 đến 2016 được Đoàn giám sát chỉ ra và chia thành 12 nhóm. Để khắc phục, đoàn đã đưa ra 16 nhóm giải pháp.

"Các vụ phản đối tại trạm BOT là doanh nghiệp vận tải chứ không phải ý kiến của toàn bộ người dân. Bởi các dự án BOT được miễn phí cho tất cả người dùng xe máy. Đa số người dân sử dụng loại phương tiện này", ông Kiên nói.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Công Khanh.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Ảnh: Công Khanh.

Vị này khẳng định Việt Nam có 7 triệu xe máy. Người lao động, người nghèo nhất dùng xe máy thì ta đã miễn phí khi đi qua trạm BOT nên không ảnh hưởng gì.

Theo ông Kiên, các dự án BOT có những sai sót nhưng trong quá trình triển khai từ 2011 đến 2016 thì những sai sót đó đã từng bước được sửa sai, khắc phục.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng ban đầu quản lý BOT bằng Nghị định 78. Sau đó, chúng ta thay bằng Nghị định 108 nhưng mới thu hút được chưa tới 10 dự án BOT.

Trong quá trình triển khai từ 2012-2014, chúng ta đã phát hiện nhiều vấn đề của Nghị định 108 và tới năm 2015, chúng ta đã có Nghị định 15 để khắc phục những yếu điểm của các dự án BOT.

Ông Kiên nhấn mạnh công tác quản lý Nhà nước đã phát hiện ra được và đã có phòng chống. "Nó không tù mù như cá nhân đồng chí Đặng Huy Đông phát biểu đâu", ông Kiên nói.

Ông Kiên cho rằng người lao động, người nghèo đi xe máy đã được miễn phí BOT nên không ảnh hưởng . Ảnh: Văn Chương.

Trước đó, tại buổi tọa đàm “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” ngày 23/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng việc triển khai BOT tại Việt Nam không theo một nguyên tắc, chuẩn mực nào cả.

Theo ông Đông, chừng nào các con số tại BOT còn tù mù, chưa được công khai minh bạch thì xã hội và doanh nghiệp còn ý kiến, bức xúc.

Trả lời về phí BOT ở nước ta quá cao, thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho biết khi đặt ra giá, Bộ GTVT luôn muốn đặt ra giá thấp nhất để người dân hưởng lợi. Tuy nhiên, Bộ phải tư vấn tính toán mức thấp nhất để doanh nghiệp có hiệu quả và ngân hàng có thể cho vay được.

Hiện nay, nhu cầu phát triển hạ tầng của Việt Nam rất lớn trong khi ngân sách hạn hẹp. Theo kế hoạch, đến 2020, chúng ta phải có được 2.000 đến 2.500 km đường cao tốc. Nhưng thực chất đến 2016, cả nước mới đạt được 746km.

Để đạt được kế hoạch, Chính phủ phải huy động rất nhiều nguồn lực xã hội từ nguồn đầu tư. Khi chúng ta làm đường cao tốc quốc lộ phải đặt ra vấn đề làm thế nào để xây dựng hiệu quả phương hướng tài chính giữa doanh nghiệp, các nhà đầu tư, ngân hàng và nhà nước. Đây cũng là một vấn đề rất khó.

Ngày thứ 3 liên tiếp lái xe trả phí bằng tiền lẻ trên quốc lộ 5 Chiều 6/9, các lái xe tiếp tục dùng tiền lẻ trả phí tại trạm BOT trên quốc lộ 5. Lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục chốt trực để giải quyết ùn tắc.

Văn Chương

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-ngheo-khong-anh-huong-boi-tram-thu-phi-post777812.html