Người ngoại tình có được đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú?

Vì quá lụy tình, em quyết định có con với một người đàn ông đã có vợ, dù anh ấy không muốn đứa trẻ ra đời...

Ảnh minh họa nguồn Internet

Ảnh minh họa nguồn Internet

... Em chấp nhận làm mẹ đơn thân, em cam kết sẽ không liên quan đến anh ấy cả về tình cảm và kinh tế. Tuy nhiên, để con em sau này lớn lên không phải mặc cảm, em chỉ xin anh ấy đứng ra làm thủ tục đăng ký khai sinh (ĐKKS) cho con, để trên giấy tờ con em vẫn có cha bình thường như những đứa trẻ khác.

Thế nhưng anh ấy đã khước từ với lý do anh ấy là người đang có gia đình, đứa con là kết quả do ngoại tình mà có nên việc nhận con như vậy pháp luật không cho phép; hơn nữa việc nhận con sẽ ảnh hưởng đến công danh, địa vị và hạnh phúc gia đình hiện tại của anh ấy.

Em cũng hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của anh ấy hiện nay nhưng vẫn cảm thấy hình như đó chỉ là lý do để anh ấy thoái thác trách nhiệm ĐKKS cho con, thực tế em cũng không biết chắc pháp luật quy định vấn đề này như thế nào? Em buồn và băn khoăn quá…

- Chia sẻ với tình huống của bạn, luật sư trích dẫn quy định của pháp luật về việc trẻ em khi sinh ra có quyền được ĐKKS và có quốc tịch. Như vậy, dù con của bạn là con ngoài giá thú, bố của đứa trẻ hiện đang có gia đình hợp pháp nhưng cháu vẫn có quyền được ĐKKS và ghi tên bố, mẹ trong giấy khai sinh. Việc ĐKKS được quy định theo Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Theo đó, mặc dù hai bạn có quan hệ trái pháp luật nhưng bạn vẫn có quyền được ĐKKS cho con bạn theo họ của người cha. Nếu khi ĐKKS mà bố cháu bé có văn bản nhận con thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và ĐKKS cho cháu bé. Khi thực hiện ĐKKS tại UBND xã, cha của đứa bé sẽ điền thông tin vào tờ khai nhận con và đồng thời xuất trình chứng cứ chứng minh quan hệ cha con.

Về thủ tục ĐKKS được quy định tại Điều 12 Thông tư 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Theo quy định của Luật Hộ tịch hiện hành, trong thủ tục ĐKKS cho con hiện không bắt buộc hai bên cha mẹ phải có Giấy chứng nhận kết hôn, nghĩa là không thể hiện phân biệt giữa con trong giá thú và con ngoài giá thú nên việc ĐKKS cho con bạn sẽ dễ dàng, thuận tiện rất nhiều. Trong trường hợp của bạn, vì bạn và cha của con bạn không đăng ký kết hôn nên cha của đứa trẻ cần phải thực hiện đồng thời thủ tục nhận con và thủ tục ĐKKS. Theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch năm 2014, trong trường hợp thực hiện thủ tục nhận cha, mẹ, con thì các bên phải có mặt theo quy định của pháp luật.

Như vậy, việc người tình của bạn khước từ ĐKKS cho con (không thừa nhận là cha đứa trẻ) và nói rằng pháp luật không cho phép là anh ấy đã nói sai. Chỉ có điều này là đúng: anh ấy đang có gia đình, đứa con là kết quả do ngoại tình mà có nên việc anh ấy nhận con sẽ ảnh hưởng đến công danh, địa vị và hạnh phúc gia đình hiện tại của anh ấy. Hy vọng rằng bạn sẽ thuyết phục được anh ấy để tấm giấy khai sinh của cháu không phải bỏ trống tên cha. Chúc bạn sức khỏe!

Hạnh Nguyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn//hoi-dap-phap-luat/nguoi-ngoai-tinh-co-duoc-dang-ky-khai-sinh-cho-con-ngoai-gia-thu-349090.html