Người nhìn thấy tiền kiếp và hậu vận điện ảnh Thái

Với giải thưởng Cành cọ vàng, điện ảnh Thái đang làm xốn xang nhiều cường quốc điện ảnh tại châu Á và gây tranh cãi ở các quốc gia điện ảnh châu Âu.

Đạo diễn Apichapong Weerasetha nhận giải thưởng. Ảnh: AFP Sự kiện này hoàn toàn là một giấc mơ cho điện ảnh Thái. Bộ phim của đạo diễn Apichapong Weerasetha mang cái tên rất hấp dẫn: Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives (tạm dịch: Chú Boonmee, người nhìn thấy tiền kiếp). Không chỉ người Thái sửng sốt, mà ngay cả những khán giả quen thuộc của Cannes cũng giật mình, khi tên bộ phim đoạt giải được xướng lên. Trước đó, người ta chỉ nghĩ rằng những bộ phim hợp khuynh hướng truyền thống của Cannes như A Screaming Man hay Of Gods And Men sẽ giành được giải thưởng. Đạo diễn trẻ Apichapong Weerasetha cũng choáng ngợp trước điều mình nhận được. Giới điện ảnh Thái đã tổ chức ăn mừng trong mấy ngày liền. Nhiều tờ báo lớn của Thái đã giật tựa về chuyện Cannes 63 còn đậm nét hơn cả sự kiện phe áo đỏ xuống đường. Nhiều năm gần đây, thị trường phim châu Á bắt đầu nhìn thấy rất nhiều phim Thái Lan xuất cảng với chất lượng đáng nể, sánh vai cùng các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc… nhưng lại mang những chủ đề thương mại quen thuộc như kinh dị, võ thuật… Chiến thắng này cho thấy một bước tiến về ngôn ngữ điện ảnh Thái. Bộ phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives kể về một người đàn ông bị bệnh thận và sắp qua đời. Trong những phút cuối cùng, ông nhìn thấy những bóng ma đến thăm mình, những cây cỏ và sinh vật biết nói, kể chuyện về những điều của tiền kiếp. Khán giả Á châu có lẽ quen thuộc với môtýp này, nhưng với khán giả châu Âu và Bắc Mỹ thì rõ ràng đó là một câu chuyện siêu nhiên thơ mộng và có phần rờn rợn. Chia sẻ chuyện tiền kiếp và cái chết đi vào một thế giới khác, được Apichapong Weerasetha diễn đạt bằng sự dịu dàng của linh hồn người vợ quay về, chăm sóc chồng mình trong những giờ phút cuối, thậm chí người con trai mất tích, nay cũng trở lại trong lốt một con dã nhân mắt đỏ. Sau cái chết là gì? Bộ phim của Apichapong Weerasetha đưa ra một cảm nhận mới lạ và huyền hoặc từ đó. Đạo diễn Tim Burton, chủ khảo của Cannes lần thứ 63, đứng trước nhiều lời chỉ trích cũng như ủng hộ khi quyết định trao giải thưởng Cành cọ vàng cho phim của Apichapong Weerasetha. Những quốc gia ủng hộ các phong cách truyền thống quen thuộc thì chỉ trích nặng lời, trong đó có Ý, vốn là quốc gia hy vọng sẽ có giải thưởng trong lần này. Ngược lại, Pháp và Anh thì ca ngợi, cho đó là một bản thi ca của điện ảnh. Tim Burton giải thích ông muốn ủng hộ một phong cách và cái nhìn mới của điện ảnh, để nhấn mạnh tính chất nghệ thuật vị nghệ thuật của Cannes lần này. Cảnh trong phim Rất thật thà, Apichapong Weerasetha nói rằng ông không rành rẽ mấy về điện ảnh, mặc dù người đạo diễn 41 tuổi này từng gửi đến Cannes các tác phẩm như Blissfully Yours và Tropical Malady và nhận được nhiều khen ngợi cũng như được nhiều quốc gia mời trình chiếu. Ít ai biết được rằng Apichapong Weerasetha chưa hề thực sự nhận mình là một nhà làm phim, mà giống như một nghệ sĩ nhiếp ảnh. Phát biểu trong lễ trao giải, ông khiêm tốn nói: “Tôi chưa biết điện ảnh là gì, và giải thưởng này giúp cho tôi hiểu thêm chút ít về điện ảnh”. Hơn nữa, với nụ cười hiền lành và dễ gần của mình, Apichapong Weerasetha là một trong những nghệ sĩ Thái ý thức rất rõ về các hoạt động chính trị của đất nước và thế giới. Ông cũng đi đầu trong việc chống áp đặt cắt bỏ các tình tiết trong điện ảnh, chỉ vì các quan điểm e ngại vì chính trị. Trả lời tờ New York Times, ông mạnh mẽ nói về đất nước mình: “Thái là một quốc gia đầy bạo lực, và nền chính trị thì đang bị kiểm soát bởi các băng nhóm mafia”. Tờ Financial Times (Anh Quốc) diễn tả bộ phim có sáu phần này, như là sáu câu chuyện khác nhau, hòa trộn với màu sắc khó tả qua một lăng kính, mà người xem như đang bước đi trong tâm của cầu vồng. Chiến thắng của điện ảnh Thái tại Cannes đem lại thêm những nụ cười cho đất nước, nhưng làm xốn xang nhiều quốc gia đang nuôi tham vọng về nền nghệ thuật thứ bảy như Hàn Quốc, Trung Quốc. Và với Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di – Việt Nam, Cannes lần thứ 63 lại là một nhát cắt nhỏ, nhưng đủ làm rướm máu những trái tim kiêu hãnh như Trung Quốc, khi không giành được vị trí tốp 3 của các quốc gia châu Á dự Cannes, phải để lọt vào tay của Thái, Hàn và Việt Nam, dù đã đem cả đạo quân điện ảnh đến tranh Cành cọ vàng!

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/giai-tri/122938/nguoi-nhin-thay-tien-kiep-va-hau-van-dien-anh-thai.html