Người nữ anh hùng hết lòng làm việc nghĩa

May mắn trở về lành lặn sau chiến tranh, Anh hùng LLVT nhân dân Lưu Nguyệt Hồng, nguyên Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng luôn trăn trở về những đồng đội đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh, hoặc cống hiến một phần máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Đó cũng là lý do khiến bà dành tâm huyết suốt nhiều năm đi tìm và xác minh công trạng, cống hiến hy sinh, để những người có công được hưởng chế độ theo đúng quy định của Nhà nước.

Mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu

Mới đây, tôi có dịp cùng Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng đến Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Thắp nén nhang tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh, bà Hồng ngậm ngùi nhớ về những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ngã Năm là một trong những địa bàn ác liệt nhất trên chiến trường tỉnh Sóc Trăng. Do có vị trí chiến lược nên Ngã Năm được Mỹ-ngụy chọn để thành lập một chi khu quân sự. Chi khu Ngã Năm thuộc hệ thống phòng thủ của Tiểu khu Ba Xuyên, đồng thời là nơi án ngữ tuyến hành lang ra vào vùng U Minh-căn cứ của Khu ủy Khu 9. Quanh chi khu, địch tăng cường xây dựng các hệ thống đồn bốt, lô cốt, tháp canh và hàng rào thép gai; tập hợp nhiều phần tử ác ôn khét tiếng trong vùng ra sức lùng sục, đàn áp tất cả những nơi mà chúng nghi ngờ có căn cứ của ta. Đi tới đâu, chúng đều gây ra các cuộc thảm sát, bắt bớ, giam cầm...

Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng (thứ ba, từ trái sang) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa.

Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng cùng đồng đội về tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị xã Ngã Năm.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước chiến tranh, ngay từ nhỏ, Lưu Nguyệt Hồng đã chứng kiến người dân quê mình bị giặc đàn áp, tra tấn, bóc lột. Lòng căm thù giặc trong cô ngày càng sâu sắc. Năm 1965, khi mới tròn 15 tuổi, Lưu Nguyệt Hồng xung phong vào lực lượng du kích địa phương, tham gia đánh đuổi quân thù. Ban đầu, cô được phân công làm y tá trong đội biệt động thị trấn Ngã Năm, chủ yếu làm nhiệm vụ cứu thương. Ít lâu sau, nhờ sự nhanh nhẹn, mưu trí và lòng gan dạ Nguyệt Hồng được phân công làm Đội trưởng Đội du kích Ngã Năm.

Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng nhớ lại: “Ngày trước, các chú cán bộ được gia đình tôi nuôi giấu rất đông. Hồi đó còn nhỏ, mình cũng chưa hiểu nhiều về Đảng, về cách mạng; chỉ biết mấy chú là người tốt, làm gì cũng đặt lợi ích của bà con, của tập thể lên trên hết. Đặc biệt, các chú rất dũng cảm. Nhiều chú bị địch bắt, tra tấn dã man, bị chúng đưa ra bờ sông đập đầu, mổ bụng, nhưng các chú nhất quyết không khai, giữ vững an toàn cho tổ chức và đồng đội. Nhờ ảnh hưởng từ các chú mà 5 anh em tôi đều giác ngộ cách mạng và tham gia kháng chiến từ rất sớm”.

Cũng theo lời bà Hồng, địa bàn Ngã Năm là một trong những nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt giữa ta và địch, trong đó, trận bao vây bức rút Chi khu Ngã Năm năm 1968 là ác liệt nhất. Ngày ấy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 của quân dân Sóc Trăng đã giáng cho Mỹ-ngụy những đòn choáng váng. Sinh lực địch ở các thị xã bị thiệt hại nặng; số còn lại hoang mang, lo sợ. Đầu mùa mưa năm 1968, Tỉnh ủy, Ban chỉ huy Tỉnh đội Sóc Trăng lệnh cho huyện Thạnh Trị (bao gồm huyện Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm ngày nay) tổ chức bao vây, tiêu diệt Chi khu Ngã Năm, nhằm tiếp tục giáng cho địch những đòn chí mạng. Xét về tương quan lực lượng và vũ khí thì ta yếu hơn rất nhiều, vì vậy ta phải sử dụng chiến thuật bao vây đánh lấn.

Với vai trò là đội trưởng đội du kích, trực tiếp tham gia trận đánh ngày ấy, bà Hồng nhớ lại: “Trong thời gian ta xây dựng các trận địa thì địch phát hiện, chúng đánh phá và dùng phi cơ, pháo binh liên tục bắn vào những nơi nghi ngờ có quân ta ẩn náu. Trước sự đánh phá ác liệt của địch, LLVT huyện Thạnh Trị đã kiên cường bám trụ, liên tiếp mở các đợt tiến công nhằm giành và giữ thế chủ động. Cuối tháng 5-1968, khi thời cơ đến, các lực lượng của ta bắt đầu thực hiện tấn công đồng loạt, đánh thẳng vào nội ô Chi khu Ngã Năm. Sau hơn một tháng tổ chức bao vây, đánh mạnh, bộ máy kìm kẹp của địch bị tan rã, ta giải phóng hoàn toàn Chi khu Ngã Năm”.

Hết lòng làm việc nghĩa, tri ân đồng đội

Cuộc đời mỗi con người là một hành trình. Với bà Hồng, hành trình tìm lại đồng đội, xác minh công trạng để họ được hưởng đầy đủ các chế độ của Đảng, Nhà nước là một chuyến đi không có điểm dừng. Nó đã ngấm vào máu, vào xương thịt và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bà. Bà Hồng tâm sự: “Chiến tranh đã qua, may mắn trở về với thân thể lành lặn và được hưởng nền hòa bình, ấm no, hạnh phúc, tôi luôn băn khoăn, trăn trở về những đồng đội đã ra đi mãi mãi hoặc phải chịu nỗi đau do di chứng chiến tranh. Tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm với họ. Vì thế, tôi quyết tâm làm thật tốt việc xác minh để người có công được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước”.

Đến nay, bà không nhớ rõ mình đã giúp bao nhiêu đồng đội được công nhận và hưởng chế độ thương binh, bệnh binh, liệt sĩ. Mỗi trường hợp được giải quyết chế độ trong lòng bà có thêm một niềm vui. Không chờ các đối tượng đến phản ảnh, bà còn trực tiếp tìm đến đồng đội cũ, những người chưa được thụ hưởng chế độ chính sách, để hướng dẫn cách làm hồ sơ, thủ tục công nhận, như trường hợp của ông Quách Văn Bé, ngụ xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm. Biết được hoàn cảnh gia đình ông Bé khó khăn, lại mang thương tật nên khó đi lại, bà Hồng đã thuê xe đò, đến tận nhà để giúp ông làm hồ sơ đề nghị công nhận thương binh cho ông.

Ông Bé cho biết: “Tôi bị thương, đi lại khó khăn. Dù địa phương có hướng dẫn cách làm hồ sơ, nhưng gia đình không có điều kiện, tôi cũng sợ thủ tục rườm rà, vì vậy không mấy quan tâm. Cách đây không lâu, chị Hồng tìm đến tận nhà, rồi hướng dẫn hoàn chỉnh các thủ tục, mình chỉ bổ sung giấy tờ công trạng thôi. Gia đình tôi cảm ơn chị Hồng nhiều lắm”.

Hay trường hợp của ông Lê Văn Việt, ở khóm 2, phường 1, thị xã Ngã Năm, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, với thương tật ở chân, không nghề nghiệp, không đất sản xuất, lại thêm sức khỏe yếu, nên đời sống gia đình ông rất hoàn cảnh. Ông đã nhiều lần đi làm hồ sơ chứng nhận là thương binh để hưởng trợ cấp, nhưng vì giấy tờ thất lạc cộng với không có chi phí đi lại, nên chưa làm được. Biết tin, bà Hồng liền hỗ trợ kinh phí và đưa ông đến gặp cơ quan chức năng, rồi đứng ra bảo lãnh, giúp ông hoàn thiện hồ sơ.

Chiến tranh càng lùi xa, việc giải quyết chế độ chính sách với người có công càng thêm khó khăn, bởi hồ sơ, giấy tờ liên quan phần lớn đã hư hỏng, thất lạc, nhiều đồng đội cùng chiến đấu tuổi cao, sức yếu, hoặc đã qua đời. Chia sẻ về những vất vả trong quá trình xác minh, công nhận thương binh, liệt sĩ, bà Hồng tâm sự: “Tôi nhớ trong một lần đi tìm nhân chứng để xác minh, tôi phải đi đò, rồi đi bộ thêm một đoạn đường đất sình lầy gần 1km. Hôm đó trời mưa, khi đến nơi người này lại không ở nhà, vậy là đành phải về tay không”.

Ông Nguyễn Minh Ở, nguyên Bí thư Huyện ủy Thạnh Trị cho biết: “Dù đã nghỉ hưu nhưng hễ nghe được thông tin gì về đồng đội hy sinh chưa tìm được hài cốt là cô Hồng lại thông báo cho anh em trong đơn vị ngày trước, rồi tiến hành khảo sát, tìm kiếm. Nhờ vậy mà anh em bạn già chúng tôi cũng góp phần tìm kiếm, quy tập được 6 hài cốt liệt sĩ bàn giao cho huyện Mỹ Xuyên an táng”.

Ngoài việc tìm kiếm, đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ cho người có công, bà Hồng còn thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà; đồng thời vận động quyên góp ủng hộ, giúp đỡ gia đình các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, bệnh nhân nghèo, học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa; tổ chức thăm gia đình đồng đội cũ, thăm lại chiến trường xưa để tìm hài cốt liệt sĩ. Với bà, tình đồng chí, đồng đội luôn là tình cảm thiêng liêng nhất, luôn bền chặt và sống mãi theo thời gian.

Chia tay nữ Anh hùng Lưu Nguyệt Hồng vào một buổi chiều cuối mùa khô, khi được hỏi bà còn tiếp tục công việc này đến khi nào, bà mỉm cười rồi nhẹ nhàng, nói: “Từng tham gia chiến đấu, tôi không thể nào quên được khi đồng đội ra đi mãi mãi hoặc để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Tôi sẽ phấn đấu làm tốt công việc chính sách, tri ân người có công cho đến khi nào không còn sức lực nữa”.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-8-2016-2017/nguoi-nu-anh-hung-het-long-lam-viec-nghia-510818